Thái Lan tìm cách quên cây lúa

Theo Bloomberg Thứ sáu, ngày 18/03/2016 11:54 AM (GMT+7)
Chính phủ Thái Lan - nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - trong hơn một thập kỷ qua đã khuyến khích nông dân sản xuất các sản phẩm thay thế lúa gạo.
Bình luận 0

img

Chính phủ Thái Lan đang tìm cách khuyến khích người dân bớt trồng lúa trong bối cảnh lượng gạo tồn kho lớn, giá giảm mạnh, hạn hán đang nghiêm trọng.

Bà Prapatpon Rungsatien, 48 tuổi, một nông dân trồng lúa, đang ngồi trên ghế nhựa và thảo luận với 49 người cùng làng về... tình hình kinh tế khu vực Đông Nam Á. Họ đang dự một lớp tập huấn ở vùng nông thôn Thái Lan để tìm cách đối phó với tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong hai thập kỷ qua. Trên trần nhà, chiếc quạt trần đang uể oải xua tan bầu không khí nóng nực.

Các lớp tập huấn này được chính phủ tài trợ để khuyến khích người nông dân dứt ra khỏi thói quen trồng lúa nước và học cách phát triển các loại cây trồng khác. Bài giảng trên lớp trải rộng nhiều lĩnh vực, từ kế toán tới nuôi gà.

Bên ngoài lớp học tại một ngôi làng ở huyện Sangkaburi, tỉnh Chai Nat, có căng một tấm biển lớn; trên đó có biểu tượng của chính phủ và hình ảnh nhà vua Bhumibol Adulyadej với khẩu hiệu: “Hãy sử dụng nước một cách khôn ngoan”. Đối diện lớp học là một con kênh thủy lợi cạn khô. Các cánh đồng xung quanh cũng nứt nẻ.

Hạn hán đốt 2,4 tỉ đô la

Chính phủ Thái Lan - nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - trong hơn một thập kỷ qua đã khuyến khích nông dân sản xuất các sản phẩm thay thế lúa gạo. Giờ đây, khi người dân phải đối mặt với hạn hán và giá lúa gạo thế giới giảm mạnh, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Họ đang cố gắng cắt giảm kho dự trữ lúa gạo lớn kỷ lục của mình vào thời điểm người dân đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong hai thập kỷ.

“Người dân sẽ trực tiếp gánh chịu hậu quả của hạn hán”, Bộ trưởng Tài chính Apisak Tantivorawong nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg tại Bangkok đầu tuần trước. “Những gì chúng tôi đang làm là hỗ trợ tài chính, cố gắng giúp đỡ nông dân, hướng dẫn họ cách tồn tại trong giai đoạn khó khăn này”, ông Apisak cho biết.

Tình trạng hạn hán đã đốt khoảng 84 tỉ baht (2,4 tỉ đô la Mỹ) và làm giảm mạnh nhu cầu đối với các loại hàng hóa khác như xe cộ, thiết bị điện và máy móc nông nghiệp, theo báo cáo hồi tháng 2 vừa qua của Ngân hàng TMB Bank PCL. Lợi nhuận của nhiều công ty, từ nhà sản xuất thiết bị như Singer Thailand Pcl tới nhà phân phối thuốc trừ sâu Pato Chemical Industry Pcl, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Bộ trưởng Apisak, nông nghiệp chiếm 8% GDP của Thái Lan. Trong hai năm qua, sản lượng nông nghiệp đã giảm 7-8% mỗi năm.

Với bà Prapatpon, đi học trở lại ở độ tuổi này là để được cung cấp những ý tưởng mới để có thể tồn tại trên chính mảnh đất của mình ở tỉnh Chai Nat, cách thủ đô Bangkok khoảng 190 ki lô mét về phía Bắc. Bà Prapatpon thừa nhận, rất khó áp dụng những gì đã học.

Bà Prapatpon thường thu hoạch ba vụ lúa mỗi năm trong suốt 15 năm qua, cho tới khi hạn hán bắt đầu vào cuối năm 2014. “Tôi đã tính trồng đậu xanh, nhưng cũng không đủ nước cho loại cây này. Đất của tôi là khô và nứt nẻ vậy thì trồng được cây gì? Đào sâu bên dưới cũng không có nước”, bà ngao ngán.

Nỗ lực của chính phủ

Nỗi bế tắc của bà Prapatpon là ví dụ điển hình cho những khó khăn trong việc tìm kiếm giải pháp khả thi để đối phó với hạn hán. Chính phủ Thái Lan đã đưa ra một loạt biện pháp trị giá 11,2 tỉ baht để giúp nông dân, khuyến khích họ trồng các loại cây tiêu thụ ít nước, gia hạn nợ vay... nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.

Chính phủ cho biết đã thu xếp khoản chi ngân sách trị giá 10,1 tỉ baht trong năm nay, bắt đầu từ ngày 1-5, để ổn định giá cả và đào tạo lại nông dân, trong đó có cả những người chuyên sản xuất gạo thơm hoa nhài nổi tiếng của Thái Lan.

Lúa gạo là mặt hàng chủ lực của Thái Lan, nhưng đồng lúa sử dụng quá nhiều nước, gấp khoảng 2,5 lần so với các loại cây trồng khác như sắn hoặc bắp. Hiện tại, đập Bhumibol và Sirikit, những nguồn nước chính cho khu vực miền Trung nước này, đang có mức nước thấp nhất kể từ năm 1994. Trong bối cảnh đó, chính phủ muốn giảm sản lượng gạo của cả nước xuống còn 27 triệu tấn trong vụ mùa tới, bắt đầu từ tháng 5. Con số này chỉ bằng một phần tư so với mức trung bình của năm năm qua.

Người trồng lúa ở Thái Lan đã từng được chiều chuộng suốt hơn một thập kỷ qua bởi các khoản trợ cấp của chính phủ, khiến cho người dân nông thôn ủng hộ mạnh chính quyền của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và em gái ông, bà Yingluck. Trong thời gian này, sản lượng lúa gạo của Thái đã tăng 20%, khiến cho kho dự trữ của nước này đạt kỷ lục 17,8 triệu tấn.

Chính phủ hiện nay đang phải vật lộn để tiêu thụ kho dự trữ này. Việc Thái Lan cắt giảm sản lượng sẽ giúp đảo ngược tình trạng thừa gạo trên toàn cầu, đang làm giá lúa gạo quốc tế giảm mạnh. Tuy nhiên, để thuyết phục người nông dân rời xa cây lúa phải có những giải pháp thận trọng. Nông dân trồng lúa đóng vai trò trung tâm trong các vụ bất ổn chính trị trong suốt một thập kỷ qua ở Thái Lan: họ từng tạo ra những cuộc biểu tình lớn ủng hộ gia đình Shinawatra, những chính trị gia đã hai lần bị lật đổ bằng đảo chính.

Ông David Streckfuss, một nhà nghiên cứu, tác giả cuốn sách Thái Lan: Luật pháp và chính trị, nhận xét mặc dù một số nông dân đang rất thất vọng với tình hình kinh tế của mình, nhưng hiện họ khó có thể bày tỏ cảm xúc một cách công khai, dưới sự cai trị của chính quyền quân sự. “Phúc lợi kinh tế của người lao động hoặc những người nông dân làm ăn nhỏ lẻ có vẻ như không phải là ưu tiên lớn của chính phủ”, ông David cho biết.

Theo ông bất kỳ căng thẳng chính trị nào ở khu vực nông thôn hiện nay cũng không phải là mối đe dọa đối với an ninh. “Ảnh hưởng của một nền kinh tế suy giảm không phải là cái gì đó có thể tạo ra tia lửa và làm bùng cháy, ít nhất là chưa. Nó chỉ là một vết bỏng âm ỉ”, ông nói.

Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha đã liên tục đốc thúc người nông dân bớt trồng lúa; đã tìm cách thu hút nông dân trở lại các lớp học, để nhằm thúc đẩy sự thay đổi.

Chính phủ hỗ trợ cho 250 người tham dự 15 ngày tập huấn ở Sangkaburi, một huyện có 8.000 hộ nông dân. Do số học viên đăng ký tập huấn nhiều gấp 4 lần chỉ tiêu nên những người tham dự được lựa chọn ngẫu nhiên bằng cách bốc thăm. Mỗi ngày đi học, họ được chính quyền cấp cho 200 baht, tương đương khoảng 130.000 đồng Việt Nam. “Ngân sách của chúng tôi có hạn”, Bộ trưởng Tài chính Apisak cho biết. “Nông dân cũng cần phải tự giúp nhau chứ không nên chỉ dựa vào tiền của chính phủ”, ông nhấn mạnh.

Đối với người nông dân-sinh viên Chaiyapol Park-on, tình hình hai năm qua khác biệt quá lớn so với thời hoàng kim trước đó, khi người dân trồng lúa được hưởng nhiều ưu đãi từ chính phủ. Ông Chaiyapol tiếc nuối gọi đó là “quãng thời gian tốt nhất trong đời”. Người học viên 50 tuổi này cho biết, mặc dù ông vẫn không muốn từ bỏ trồng lúa, nhưng các khóa đào tạo của chính phủ cũng tạo ra những khích lệ đáng kể. “Có nhiều cách khác để kiếm sống. Có hy vọng”, ông nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem