Thái Nguyên có 129 sản phẩm đạt một tiêu chuẩn quan trọng, có tiêu chuẩn này bán càng đắt hàng

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ bảy, ngày 01/01/2022 10:45 AM (GMT+7)
Sau 3 năm thực hiện đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay tỉnh Thái Nguyên có 129 sản phẩm được chứng nhận OCOP, đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Bình luận 0

Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện đề án "Mỗi xã một sản phẩm" và công bố quyết định, trao giấy chứng nhận các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP tỉnh Thái Nguyên năm 2021.

Thái Nguyên: OCOP trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn - Ảnh 1.

Trao giấy chứng nhận các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP tỉnh Thái Nguyên năm 2021 (Ảnh: Hà Thanh)

Sau 3 năm triển khai "Mỗi xã một sản phẩm", đến nay đề án đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Chương trình OCOP đã tạo được những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. 

Chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được hình thành khép kín từ các khâu: Nuôi, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến, đóng gói, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.

Quy mô vùng nguyên liệu được mở rộng, chuẩn hóa về quy trình chăm sóc, đạt tiêu chuẩn quốc gia và hướng tới xuất khẩu, khả năng hội nhập toàn cầu có tiềm năng rất lớn.

Nhờ đạt tiêu chí OCOP mà giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên. Công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20 – 50%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%.

Sản phẩm được thị trường đón nhận và tin tưởng, nhiều sản phẩm đã được bày bán tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị trong cả nước.

Tính đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên có tất cả 129 sản phẩm được công nhận OCOP, vượt mục tiêu đề ra 65 sản phẩm.

Năm 2021, toàn tỉnh Thái Nguyên có tất cả 53 sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên. Cụ thể, 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao, 73 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 54 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, đạt 165% so với chỉ tiêu của đề án và về đích trước 4 năm.

Thái Nguyên: OCOP trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn - Ảnh 2.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP tại hội nghị (Ảnh: Hà Thanh)

Số lượng chủ thể là hợp tác xã tham gia chương trình OCOP rất lớn, thể hiện việc tổ chức sản xuất hiệu quả, sức mạnh cộng đồng cao, thực hiện tốt tiêu chí số 13 trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất cho người dân.

Có được những kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tích cực của các chủ thể và hiệu quả của phương pháp, cách thức triển khai chương trình OCOP.

Theo kế hoạch, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 sẽ có ít nhất trên 200 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, và ít nhất 10 sản phẩm đạt hạng 5 sao cấp quốc gia, triển khai thực hiện từ 5 – 8 mô hình làng văn hóa du lịch.

Trong thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, tập huấn cho các đối tượng trực tiếp triển khai, thực hiện chương trình ở các cấp để nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của chương trình OCOP với phát triển kinh tế của địa phương.

Phát huy lợi thế của các địa phương, hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các sản phẩm theo các quy trình sản xuất, đạt tiêu chuẩn như: VietGAP, Organic, GlobalGAP… hỗ trợ áp dụng kỹ thuật và thực hiện chuyển đổi số trong quản lý chất lượng đồng bộ, tăng cường năng lực chế biến và phát triển thị trường gắn với chương trình OCOP.

Chú trọng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, đảm bảo quy chuẩn chất lượng để xuất khẩu sản phẩm hàng hoá. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, tham gia vào các sàn thương mại điện tử quy mô lớn.

Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, tăng cường nguồn lực và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp, tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức về phát triển các sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.

Thái Nguyên: OCOP trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn - Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Thái Nguyên phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Hà Thanh)

Ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, sau 3 năm triển khai đề án "Mỗi xã một sản phẩm", đến nay chương trình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục khai thác tối đa những tiềm năng thế mạnh của từng địa phương để phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem