Thái Nguyên: Cô giáo mầm non nuôi 70.000 con ốc nhồi-một nghề thì sống, đống nghề lại càng sống khỏe hơn

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ bảy, ngày 25/09/2021 05:46 AM (GMT+7)
Cô giáo trẻ Dương Thị Nga, xóm Đại Lễ, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) ngoài công việc giảng dạy tại trường mầm non còn có thêm đam mê với nghề nuôi ốc nhồi. Sau khi chuyển công tác về gần nhà, cô quyết định theo đuổi thêm nghề nuôi ốc nhồi.
Bình luận 0

Chị Dương Thị Nga (SN 1987) hiện là giáo viên mầm non giảng dạy tại trường Mầm non Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Trước đây khi còn giảng dạy xa nhà, công việc chính của chị Nga là cô nuôi dạy trẻ tại trường. Nhưng từ năm 2020 sau khi chuyển công tác về trường gần nhà và sinh con chị Nga đã quyết định tìm tòi, học hỏi để đầu tư thêm một nghề nữa giúp gia tăng thu nhập đó là nuôi ốc nhồi thương phẩm.

Thái Nguyên: Cô giáo mầm non về làng nuôi đam mê với nghề nuôi ốc nhồi - Ảnh 1.

Chị Nga-cô giáo mầm non xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên tự tìm hiểu kinh nghiệm nuôi ốc trên mạng rồi đầu tư mua ốc giống về nuôi (Ảnh: Hà Thanh)

Chị Nga cho biết: "Tôi bắt đầu nuôi ốc nhồi từ tháng 5 đến nay. Qua tìm hiểu trên mạng thấy mô hình này hay lại mang lại hiệu quả kinh tế, nên tận dụng diện tích ao nuôi cá của gia đình trước đó, tôi đã tự học hỏi kinh nghiệm, kết hợp với sự trợ giúp của bố mẹ mua ốc nhồi giống về nuôi".

Ban đầu chị Nga mua 20.000 ốc giống về nuôi, nhận thấy phát triển tốt chị quyết định đầu tư và mở rộng thêm diện tích cũng như số lượng. 

Với tổng chi phí bỏ ra lúc đầu 30 triệu đồng để mua ốc giống, do bám sát kỹ thuật chăn nuôi nên ốc của chị hầu như không bị chết.

Thái Nguyên: Cô giáo mầm non về làng nuôi đam mê với nghề nuôi ốc nhồi - Ảnh 2.

Tận dụng diện tích ao nuôi cá trước đó, ban đầu chị Nga mua 2 vạn ốc nhồi giống về nuôi rồi tăng dần số lượng lên...(Ảnh: Hà Thanh).

Chia sẻ về lý do đến với mô hình nuôi ốc, chị Nga tâm sự: Nuôi ốc nhồi không cần đầu tư chi phí quá nhiều như những loại vật nuôi khác, chỉ phải mất chi phí mua giống ban đầu. 

Hơn nữa nguồn thức ăn của ốc nhồi lại dễ kiếm vì chủ yếu thức ăn của ốc là bèo tấm và các loại lá có trong tự nhiên như khoai môn, dọc mon, dọc dáy nên hoàn toàn có thể tự chủ động về nguồn thức ăn được.

Thái Nguyên: Cô giáo mầm non về làng nuôi đam mê với nghề nuôi ốc nhồi - Ảnh 3.

Nguồn thức ăn của ốc nhồi chủ yếu là bèo tấm và một số loại lá như dọc mon, rau muống nên rất dễ kiếm và có thể tự chủ động được (Ảnh: Hà Thanh)

Thái Nguyên: Cô giáo mầm non về làng nuôi đam mê với nghề nuôi ốc nhồi - Ảnh 4.

Ngoài nuôi bèo tấm, chị Nga còn trồng thêm rau muống và mướp để bổ dung thêm thức ăn cho ốc nhồi.(Ảnh: Hà Thanh)

Tuy nhiên, theo chị Nga, trong quá trình nuôi ốc cần chú ý, ốc là loài vật nuôi ưa sạch do đó nguồn nước và thức ăn phải sạch nếu không ốc sẽ rất dễ mắc bệnh mà chết. 

Sau khi mưa ốc thường mắc bệnh sưng vòi và mòn đít. Do vậy, gia đình chị có một ao nước riêng để cung cấp nước sạch thường xuyên cho ốc.

Theo chị Nga nên cho ốc ăn các loại cây thuỷ sinh là tốt nhất. Ngoài ra, chị còn trồng thêm rau muống, lá dáy, mướp để bổ sung thêm nguồn thức ăn phong phú cho ốc. 

Khi thấy ốc có dấu hiệu bị bệnh, phải tiến hành vớt những con ốc bị bệnh lên, rồi khử khuẩn nguồn nước bằng vôi pha loãng với muối, đạm. Nhiệt độ thích hợp nhất cho ốc sinh trưởng và phát triển là từ 22 – 35oC và độ PH trung bình từ 6,5 – 8.

Hiện nay với tổng diện tích ao nuôi ốc và bèo của gia đình chị Nga khoảng trên 3.000m2 chị đang có khoảng 70.000 ốc nhồi thương phẩm với trọng lượng tương đương khoảng 3 tấn. 

Từ lúc bắt đầu nuôi đến thời điểm này, chị Nga mới chỉ bán khoảng 1 tạ ốc nhồi thương phẩm với giá bán lẻ 100.00 đồng/kg và giá bán buôn 75.000 đồng/kg.

Thái Nguyên: Cô giáo mầm non về làng nuôi đam mê với nghề nuôi ốc nhồi - Ảnh 5.

Hiện chị Nga còn khoảng 3 tấn ốc nhồi thương phẩm dưới ao chưa xuất bán (Ảnh: Hà Thanh)

Số ốc nhồi còn lại chị dự định để khoảng cuối tháng 10 mới xuất bán tiếp vì khi đó sẽ được giá hơn. Chị Nga cho biết, ốc nhồi chủ yếu được chị bán online trên mạng cho khách hàng các tỉnh lân cận như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang…

Chia sẻ về quy trình kỹ thuật nuôi ốc nhồi, chị Nga cho biết nuôi ốc không hề dễ nếu không tìm hiểu kỹ đặc tính và kỹ thuật chăm sóc ốc. 

Đối với chị, trước khi quyết định nuôi ốc nhồi chị đã tìm hiểu và tham khảo kinh nghiệm, cũng như đi tham quan mô hình nuôi ốc nhồi ở một số nơi rồi về rút ra kinh nghiệm riêng cho bản thân. 

Thông thường, thời gian từ lúc thả ốc nhồi giống đến khi xuất bán kéo dài khoảng 3 – 4 tháng.

Hiện nay ngoài nuôi ốc nhồi thương phẩm, gia đình chị còn sản xuất thêm con giống. Cụ thể, ốc nhồi sau khi đẻ trứng, trứng sẽ được nhặt về cho ấp nở trong thùng xốp và phun tưới nước ngày 2 lần trong 3 ngày đầu. 

Sau 3 ngày kể từ ốc nở thành con thì mang ra bể và 10 ngày sau sẽ tiến hành thả ra tráng để mang đi thả ao.

Thái Nguyên: Cô giáo mầm non về làng nuôi đam mê với nghề nuôi ốc nhồi - Ảnh 6.

Ốc sau khi đẻ trứng sẽ được nhặt về cho ấp nở trong thùng xốp (Ảnh: Hà Thanh)

Thái Nguyên: Cô giáo mầm non về làng nuôi đam mê với nghề nuôi ốc nhồi - Ảnh 7.

Sau 3 ngày khi trứng ốc nở thành con được đem ra bể và 10 ngày sau thì thả ra tráng để mang đi thả ao (Ảnh: Hà Thanh)

Chị Nga chia sẻ một số kinh nghiệm nuôi ốc nhồi, kỹ thuật nuôi ốc nhồi:

-Mật độ thả ốc nhồi trung bình thích hợp nhất đối với ao đất là khoảng 100 con/m2, đối với ao xây khoảng 150 con/m2

-Mực nước thích hợp để nuôi ốc nhồi thương phẩm là từ 0,5 – 1m. Lưu ý, khi ốc nhồi còn nhỏ nên để mực nước thấp rồi dần dần nâng mực nước lên cao theo độ tuổi lớn của ốc. Không nên để mức nước lớn ngay từ đầu sẽ khiến ốc con bị chết đuối. 

-Ngoài ra, ao nuôi ốc nhồi cần nuôi cây thuỷ sinh để làm sạch nguồn nước cho ốc đảm bảo điều kiện cho ốc khoẻ mạnh, không bị bệnh.

Một kinh nghiệm nuôi ốc nhồi nữa mà chị Nga tự đúc rút ra được là ao nuôi ốc không nên quá rộng để khi ốc có bị bệnh thì có thể dễ dàng đi 2 bên bờ xử lý. 

Bên cạnh đó, trong quá trình xuất bán ốc nhồi, không nên lội xuống ao để mò mà lấy vợt nhử bằng mướp là có thể vớt được ốc lên bờ. Vì nếu lội xuống mò ốc sẽ khiến các tạp  khí trong bùn bốc lên làm cho ốc dễ bị chết.

Thái Nguyên: Cô giáo mầm non về làng nuôi đam mê với nghề nuôi ốc nhồi - Ảnh 8.

Trong quá trình xuất bán ốc nhồi không nên lội xuống mò mà dùng vợt để tránh cho ốc bị chết (Ảnh: Hà Thanh).

Đến tầm tháng 10 âm lịch ốc nhồi sẽ không ăn nữa mà ngủ đông, đây là thời điểm thích hợp để ủ đông ốc giống cho vụ sau. 

Hiện nay chị Nga đang gây ốc vượt đông (hay còn gọi là ốc bố mẹ), nếu thực hiện thành công chị sẽ bán với giá 350.000 đồng/kg ốc nhồi bố mẹ ở vụ nuôi năm 2022. 

Riêng đối với trứng ốc nhồi, có thời điểm lên giá tới 2,2 triệu đồng/kg, lúc giá thấp cũng từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/kg.

Thái Nguyên: Cô giáo mầm non về làng nuôi đam mê với nghề nuôi ốc nhồi - Ảnh 9.

Trứng ốc nhồi có giá bán tương đối cao, có thời điểm lên tới 2,2 triệu đồng/kg (Ảnh: Hà Thanh)

Theo chị Nga, việc tự sản xuất được ốc nhồi giống sẽ giảm thiểu đáng kể chi phí đầu vào mà lại góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. 

Hiện nay, gia đình chị Nga được đánh giá là hộ nuôi ốc nhồi thương phẩm lớn nhất trên địa bàn huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên).

Dự kiến với 70.000 ốc nhồi thương phẩm còn lại dưới ao, nếu xuất bán hết sẽ mang về lợi nhuận cho gia đình chị Nga khoảng trên 200 triệu đồng. Cùng với đó, việc ủ ốc nhồi qua đông làm ốc nhồi bố mẹ thành công sẽ giúp thu nhập của gia đình cô giáo Nga tăng lên gấp nhiều lần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem