Thái Nguyên: Chàng bộ đội xuất ngũ về làng "ép dầu ép mỡ" mà nên cơ nghiệp

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ tư, ngày 22/09/2021 06:35 AM (GMT+7)
Anh Dương Đình Quang (tổ dân phố Úc Sơn, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đang ăn nên làm ra với mô hình ép dầu thực vật. Từ nguồn nguyên liệu lạc, đậu nành, vừng có sẵn ở địa phương, anh Quang đã ép ra các sản phẩm dầu thực vật thơm ngon, béo ngậy.
Bình luận 0

Sau 2 năm tham gia quân ngũ, năm 2018, anh Dương Đình Quang (tổ dân phố Úc Sơn, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) trở về địa phương. 

Do chưa có công việc ổn định, anh Quang đã nghĩ đến việc tận dụng những lợi thế của quê nhà để phát triển kinh tế.

Thái Nguyên: Chàng thanh niên trẻ khởi nghiệp với mô hình ép dầu thực vật - Ảnh 1.

Anh Dương Đình Quang (tổ dân phố Úc Sơn, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) khởi nghiệp với mô hình ép dầu thực vật. Ảnh: Hà Thanh

Cởi áo lính mặc áo nông dân

Sau khi tìm hiểu, anh Quang nhận thấy ở huyện có nguồn nguyên liệu lạc, vừng, đậu nành...dồi dào. Trong khi đó, trên địa bàn chưa có cơ sở ép dầu thực vật, người dân địa phương phải đem nguyên liệu đi ép dầu ở những nơi khác.

Thái Nguyên: Chàng thanh niên trẻ khởi nghiệp với mô hình ép dầu thực vật - Ảnh 2.

Sắp tới, anh Quang sẽ đầu tư mua thêm máy móc. (Ảnh: Hà Thanh)

Do đó, anh quyết định phát triển mô hình ép dầu thực vật, vừa phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình, vừa ép thuê cho bà con trong vùng.

Ban đầu do nguồn vốn eo hẹp, anh Quang đã vay mượn thêm từ anh em, bạn bè và gia đình để đầu tư mua máy móc. Sau đó, anh thu mua lạc, vừng, đậu nành... từ các hộ dân trong vùng rồi mang về ép thành dầu thực vật. 

Thái Nguyên: Chàng thanh niên trẻ khởi nghiệp với mô hình ép dầu thực vật - Ảnh 3.

Lạc thu mua về được cho vào máy bóc vỏ (Ảnh: Hà Thanh)

Sau một thời gian hoạt động, cuối năm 2020, anh Quang thành lập HTX dịch vụ nông sản Quang Hà chuyên ép các loại dầu thực vật.

Đến nay, HTX có tất cả 22 thành viên, trong đó chủ yếu là bà con nông dân trồng lạc, đậu nành, vừng. Toàn bộ diện tích trồng lạc của các thành viên trong HTX hiện là 5ha.

Anh Quang cho biết, thời gian tới, anh dự định thành lập thêm một số tổ hợp tác trên địa bàn để liên kết trồng lạc với bà con. Từ đó, nâng diện tích trồng lạc lên khoảng 15ha, nhằm ổn định cũng như góp phần đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào.

Thái Nguyên: Chàng thanh niên trẻ khởi nghiệp với mô hình ép dầu thực vật - Ảnh 4.

Nhặt sạch lạc trước khi cho vào máy rang (Ảnh: Hà Thanh)

Hiện nay, xưởng ép dầu thực vật của gia đình anh có hệ thống máy móc gồm: 1 máy bóc vỏ, 1 máy rang, 1 máy ép và 1 máy lọc dầu. Với hệ thống máy móc này, trung bình mỗi ngày công suất ép dầu lên tới 500 – 600 lít dầu.

Xưởng của gia đình anh chủ yếu tập trung vào ép dầu lạc do sản phẩm này dễ bán nhất và giá cả vừa phải. Trong khi đó, sản lượng dầu đậu nành và dầu mè ít hơn.

Tính từ đầu năm đến nay, xưởng của anh Quang ép được khoảng 25 tấn lạc nhân, tương đương với khoảng trên 12.000 lít dầu xuất bán ra thị trường.

Thái Nguyên: Chàng thanh niên trẻ khởi nghiệp với mô hình ép dầu thực vật - Ảnh 5.

Trước khi ép dầu, nên rang lạc chín để đảm bảo dầu thơm ngon và để được lâu (Ảnh: Hà Thanh)

Quy trình ép dầu được thực hiện qua nhiều công đoạn. Lạc sau khi mua về được bóc vỏ và nhặt sạch những hạt mốc, hỏng, sạn, cát. Sau đó, lạc được cho vào máy rang thơm. Tiếp đó, cho lạc vào máy ép kiệt và cuối cùng tiến hành lọc dầu.

Sau khi lọc xong, dầu sẽ được để trong bồn inox khoảng 15 ngày cho lắng hết cặn còn sót lại, sau đó mới đóng chai.

Theo anh Quang, anh lựa chọn việc rang lạc chín trước khi ép vì sẽ giúp cho dầu thơm ngon, béo ngậy và để được lâu hơn. Còn nếu ép lạc sống, dầu sẽ có mùi ngái và không để được lâu.

Toàn bộ phế phẩm sau khi ép dầu được anh bán cho các đầu mối thu mua chế biến thức ăn chăn nuôi, còn vỏ lạc được anh bán cho người dân trồng chè để làm phân bón.

Thái Nguyên: Chàng thanh niên trẻ khởi nghiệp với mô hình ép dầu thực vật - Ảnh 6.

Anh Quang đóng chai dầu lạc. (Ảnh: Hà Thanh)

Tuy nhiên, anh Quang vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Theo anh Quang, đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nguyên liệu đầu vào không được kiểm soát nên những sản phẩm bán ra với giá rất rẻ, gây khó khăn trực tiếp cho việc tiêu thụ.

Bởi vậy, anh mong muốn các đơn vị sẽ hỗ trợ vốn để HTX đầu tư thêm máy móc cho người dân trồng lạc. Sau đó, anh sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con.

Chất lượng đặt lên hàng đầu

Nhằm cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, anh Quang đã quyết định đưa các sản phẩm đi dự thi OCOP. Theo anh, khi sản phẩm đã có thương hiệu, được kiểm định chất lượng, có đăng ký truy xuất nguồn gốc sẽ dễ dàng tiêu thụ hơn.

Thái Nguyên: Chàng thanh niên trẻ khởi nghiệp với mô hình ép dầu thực vật - Ảnh 7.

Gia đình anh Quang hiện chủ yếu bán buôn cho các đại lý trên địa bàn các tỉnh như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, TP.HCM… (Ảnh: Hà Thanh)

Vừa qua, cả 3 sản phẩm dầu lạc, dầu mè và dầu đậu nành của HTX dịch vụ nông sản Quang Hà đều đạt OCOP 4 sao cấp huyện. 

Đây sẽ tiền đề để anh Quang hướng tới việc đưa các sản phẩm của HTX vào hệ thống siêu thị, góp phần nâng cao giá trị và ổn định thị trường cho sản phẩm.

Thái Nguyên: Chàng thanh niên trẻ khởi nghiệp với mô hình ép dầu thực vật - Ảnh 8.

3 sản phẩm dầu lạc, dầu mè, dầu đậu nành đều đạt 4 sao cấp huyện (Ảnh: Hà Thanh)

Hiện, dầu mè đen là sản phẩm có giá bán cao nhất với mức 220.000 đồng/lít, dầu đậu nành có giá 180.000 đồng/lít. Dầu lạc có giá bán 120.000 đồng/lít, là sản phẩm dễ tiêu thụ nhất của HTX.

Trung bình mỗi năm, gia đình anh Quang có thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu nhập giảm, nhưng vẫn đạt khoảng 180 triệu đồng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem