Thái Nguyên: Đất thải không đổ đúng nơi quy định, lại được tận dụng làm... gạch

Hà Thanh Thứ sáu, ngày 04/08/2023 06:40 AM (GMT+7)
Dù đã bố trí vị trí đổ thải, nhưng đơn vị thi công dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc đoạn qua phường Đông Cao, phường Tân Hương và phường Đồng Tiến (TP.Phổ Yên, Thái Nguyên) lại chở đất thải đi... làm nguyên liệu đóng gạch.
Bình luận 0

Lãnh đạo phường Đông Cao nói về việc đơn vị thi công không đổ đất thải vào điểm đã bố trí. Clip: Hà Thanh

Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn phường Đông Cao, TP.Phổ Yên có chiều dài khoảng 2km. Khu vực này chủ yếu là đất ruộng nên lượng đất bùn và đất phong hóa phải bóc đi rất lớn.

Để hỗ trợ nhà thầu thi công kịp tiến độ, UBND Phường Đông Cao đã phối hợp với tổ dân phố Rùa bố trí hai điểm đổ thải tại hai bãi đất công do UBND phường Đông Cao quản lý với tổng diện tích 7.773m2, trong đó có hồ Công Đoàn tại tổ dân phố Rùa.

Thái Nguyên: Chính quyền và người dân bức xúc vì đất đổ thải được đưa đi làm nguyên liệu đóng gạch - Ảnh 2.

Hồ Công Đoàn (tổ dân phố Rùa, phường Đông Cao, TP.Phổ Yên) một trong 2 điểm đổ thải do UBND phường Đông Cao bố trí. Ảnh Hà Thanh

Tuy nhiên, dù UBND phường Đông Cao đã bố trí vị trí đổ thải, nhưng đơn vị thi công lại không đổ đất thải vào 2 điểm đổ thải này mà vận chuyển đổ thải ở một vị trí khác, nằm ngay sát cơ sở sản xuất gạch Tiến Thành thuộc địa bàn phường Tân Hương.

Ngày 25/7, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND phường Đông Cao cho biết: Các điểm đổ thải do phường bố trí đều có đường vào rất thuận lợi, đảm bảo cho các phương tiện vận chuyển đất thải đi lại dễ dàng. Song đến nay, tại các điểm đổ thải, đơn vị thi công chỉ mới đổ được một lượng nhỏ, có điểm chưa hề được sử dụng. 

Do đó, ông Sơn đề nghị chủ đầu tư thực hiện đầy đủ nội dung mà đơn vị này đã ký kết với UBND phường Đông Cao.

Thái Nguyên: Chính quyền và người dân bức xúc vì đất đổ thải được đưa đi làm nguyên liệu đóng gạch - Ảnh 3.

Đất thải được vận chuyển, tập kết vào khu vực gần cơ sở sản xuất gạch Tiến Thành (tổ dân phố Thành Nam, phường Tân Hương, TP.Phổ Yên). Ảnh: Hà Thanh

Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tháng 10/2022, ông Dương Văn Quyết (tổ dân phố Thành Nam, phường Tân Hương, TP.Phổ Yên) đã làm đơn xin tiếp nhận lượng đất thải của dự án đường liên kết 3 tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc để san lấp, cải tạo khu đất trũng của gia đình tại thửa đất 153, tờ bản đồ số 30, bản đồ địa chính phường Tân Hương.

Sau khi được UBND phường Tân Hương chấp thuận, đại diện các đơn vị nhà thầu đã làm tờ trình gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt bãi đổ thải tại tổ dân phố Thành Nam sau đó tiến hành đổ thải.

Tuy nhiên, khi đất thải được chuyển về khu vực này, một lượng lớn đã không được đổ đúng điểm đổ thải đã được phê duyệt, mà lại được đưa thẳng đến khu tập kết nguyên liệu của cơ sở sản xuất gạch Tiến Thành.

Thái Nguyên: Chính quyền và người dân bức xúc vì đất đổ thải được đưa đi làm nguyên liệu đóng gạch - Ảnh 6.

Ông Dương Văn Tiến – chủ cơ sở sản xuất gạch Tiến Thành trao đổi về việc lấy đất thải đổ vào khu tập kết nguyên liệu sản xuất gạch. Ảnh: Hà Thanh

Trả lời PV Dân Việt về việc đất thải không được đổ đúng nơi quy định mà lại đưa vào khu tập kết nguyên liệu làm gạch của mình, ngày 28/7, ông Dương Văn Tiến - chủ cơ sở sản xuất gạch Tiến Thành cho biết, khu đất mà đơn vị thi công đang đổ thải thuộc quyền sử dụng của gia đình ông và em trai ông là Dương Văn Quyết.

"Khi xin đất thải về đổ tại khu đất nông nghiệp của gia đình, chúng tôi chỉ làm đơn gửi lên UBND phường, còn các thủ tục khác do đơn vị thi công cũng như chủ đầu tư thực hiện. Khi các xe chở đất thải vào đổ trong khu đất, nếu đất thải xấu thì gia đình cho vào bãi thải, còn đất thải đạt chất lượng chúng tôi yêu cầu chuyển vào khu vực tập kết nguyên liệu làm gạch của gia đình (?)" - ông Dương Văn Tiến thừa nhận.

Trong cuộc làm việc với PV Dân Việt, ông Lê Vĩnh Khang – Trưởng phòng Quản lý dự án II (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên), Phó trưởng Ban điều hành dự án đường liên kết các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc khẳng định: Trong quá trình triển khai, thiết kế tuyến đường, chúng tôi đã làm việc với các địa phương, xác định một số vị trí đổ đất thải, đất không thích hợp đảm bảo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương và không làm ảnh hưởng đến môi trường. 

Thái Nguyên: Chính quyền và người dân bức xúc vì đất đổ thải được đưa đi làm nguyên liệu đóng gạch - Ảnh 7.

Nguyên liệu sau khi tập kết tại đây sẽ được chuyển vào cơ sở sản xuất gạch Tiến Thành. Ảnh: Hà Thanh

"Các vị trí đổ thải đã được chính quyền các địa phương xác nhận. Trong quá trình triển khai, chúng tôi cũng đã giao cho đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát xác định từng vị trí cũng như trữ lượng của từng vị trí bãi thải sau đó mới tiến hành đổ", ông Khang khẳng định.

Cũng theo lời ông Khang, Ban Quản lý dự án không có chủ trương cũng như không cho bất cứ đơn vị, tổ chức, cá nhân nào tự ý đem đất thải đã được đổ đúng vị trí đi nơi khác. 

"Sau khi nắm được thông tin trên, chúng tôi đã đề nghị các địa phương quản lý chặt chẽ để tránh trường hợp các tổ chức, cá nhân vào đưa đất thải đi nơi khác hoặc sử dụng vào mục đích khác như hiện nay", ông Khang nhấn mạnh.

Được biết, lượng đất thải sau khi tập kết tại các bãi thải sẽ được tái sử dụng vào việc trồng cây xanh cho các tuyến đường đang thi công. 

Việc các tổ chức, cá nhân tự ý vận chuyển đất thải đi nơi khác tiêu thụ không những làm thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản của nhà nước, mà còn gây ra nguy cơ thiếu đất phục vụ thi công tuyến đường đang được xây dựng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem