Thái Nguyên phân bổ trên 30 tỷ thực hiện các dự án giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ bảy, ngày 15/06/2024 07:00 AM (GMT+7)
Trong giai đoạn 2021 – 2024, tỉnh Thái Nguyên đã phân bổ trên 30 tỷ đồng thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Chi cục phát triển nông thôn Thái Nguyên, tổng kinh phí đã phân bổ để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2024 là 30.489,0 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương là 26.513,0 triệu đồng, ngân sách địa phương là 3.976,0 triệu đồng.

Theo đó, trong năm 2022 đã thực hiện giải ngân 4.762,0 triệu đồng, năm 2023 là 12.225 triệu đồng và năm 2024 là 13.502 triệu đồng. Tính đến thời điểm báo cáo, tổng số dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp là 42 dự án, trong đó năm 2022 có 1 dự án, năm 2023 có 40 dự án. Dự kiến năm 2024 có 25 - 30 dự án, đến thời điểm báo cáo có 2 dự án đã được phê duyệt.

Trong đó: 26 dự án thuộc loại hình chăn nuôi; 11 dự án thuộc loại hình trồng trọt; 1 dự án liên kết theo chuỗi giá trị (đang chờ hội đồng thẩm định phê duyệt); 29 dự án phát triển sản xuất cộng đồng; 11 dự án theo nhiệm vụ. Các dự án nói trên có sự tham gia của 1.609 hộ, trong đó gồm 753 hộ nghèo (chiếm 47,12%), 689 hộ cận nghèo (chiếm 43,36%); 155 hộ mới thoát nghèo (chiếm 9,4%), hộ khác là 12 hộ.

Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai thực hiện cụ thể như: Dự án hỗ trợ phân bón cho sản xuất chè theo hướng hữu cơ năm 2023 tại xã Hà Thượng (huyện Đại Từ); dự án chăn nuôi bò sinh sản năm 2023 tại xã Thành Công và Tiên Phong (TP.Phổ Yên); dự án hỗ trợ trồng rau an toàn vụ đông năm 2023 tại các xã Tân Kim, Nhã Lộng, Bảo Lý, Đào Xá (huyện Phú Bình)…

HTX Bình Minh (xóm Náng, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình) là một trong những đơn vị được hỗ trợ nguồn vốn từ chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Năm 2023, thông qua Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Bình, HTX Bình Minh được hỗ trợ 40% kinh phí trên tổng số tiền 710 triệu đồng để đầu tư nhà kính phát triển mô hình trồng rau công nghệ cao.

Thái Nguyên phân bổ trên 30 tỷ thực hiện các dự án giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất- Ảnh 1.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ theo chương trình dự án giảm nghèo, HTX Bình Minh (xóm Náng, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình) đã đầu tư xây dựng nhà kính để trồng rau giúp tăng sản lượng và nâng cao thu nhập cho bà con. Ảnh: Hà Thanh

"Nhờ đầu tư xây dựng nhà kính đã giúp việc trồng rau thuận lợi hơn, không phụ thuộc vào yếu tố thời tiết như khi trồng rau ngoài trời. Do đó rau được trồng quanh năm chứ không chỉ trồng theo thời vụ như trước kia, sản lượng rau trong năm cũng tăng lên. Với việc tăng sản lượng rau đã giúp nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX" - chị Hiệp – Giám đốc HTX Bình Minh chia sẻ.

Trong giai đoạn vừa qua, các cấp ngành từ tỉnh đến địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm sát sao trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Trong đó, các địa phương đã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền về chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước, phổ biến các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện dự án tới đối tượng thụ hưởng của dự án. Đồng thời chỉ đạo, tuyên truyền lựa chọn đối tượng, nội dung hỗ trợ là một số loại cây trồng vật nuôi có thế mạnh, có khả năng phát triển kinh tế bền vững, sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ.

Thái Nguyên phân bổ trên 30 tỷ thực hiện các dự án giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất- Ảnh 2.

Các dự án giảm nghèo lựa chọn đối tượng, nội dung hỗ trợ là một số loại cây trồng vật nuôi có thế mạnh, có khả năng phát triển kinh tế bền vững, sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ. Ảnh: Hà Thanh

Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, các hộ dân tham gia được tập huấn, hỗ trợ hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong quá trình thực hiện, cơ bản con giống, vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi đảm bảo về chất lượng.

Bên cạnh đó, để các dự án được thực hiện hiệu quả, trong quá trình triển khai đã lồng ghép các nguồn vốn nhằm hỗ trợ các địa phương phát huy hiệu quả giảm nghèo bền vững. Đồng thời, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bằng các hình thức phong phú nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của thực hiện các dự án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án phát triển sản xuất cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp cơ sở.

Cùng với đó, địa phương đã tăng cường chỉ đạo sát sao, đôn đốc thường xuyên việc xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm, phân bổ kinh phí đảm bảo từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác, thẩm định, phê duyệt dự án để tổ chức thực hiện dự án kịp thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem