Thái Nguyên: Tối ngày đục đục, đẽo đẽo mà anh thợ "soái ca" này thu tiền tỷ

Hà Thanh Thứ tư, ngày 26/08/2020 07:30 AM (GMT+7)
Khởi nghiệp khi mới ngoài 20 tuổi, đến nay chàng thanh niên Dương Huy Hoàng (34 tuổi) ở xóm Tân Sơn 8, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đã có một cơ ngơi khang trang với 3 xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ.
Bình luận 0

Gặp anh Hoàng khi anh đang tất bật với công việc ở xưởng sản xuất, nán lại đôi chút trò chuyện anh Hoàng kể: "Lúc đó em còn khá trẻ nên vẫn đầy nhiệt huyết, quyết chí đi học nghề và làm nghề để sau này về phát triển kinh tế tại gia đình. Khi đã có kinh nghiệm và nắm chắc tay nghề em đã quyết định về mở xưởng sản xuất và kinh doanh đồ gỗ tại nhà để tiện lợi cho việc làm ăn".

Thái Nguyên: Chàng thanh niên trẻ kiếm doanh thu tiền tỷ từ nghề đục đẽo  - Ảnh 1.

Anh Hoàng, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đang tất bật với công việc tại xưởng sản xuất đồ gồ mỹ nghệ của gia đình

Nằm trong làng nghề truyền thống sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Phương Độ, gia đình anh Hoàng đã mở xưởng sản xuất đồ gỗ được khoảng hơn chục năm nay. 

Ban đầu khi mới bắt tay vào làm theo anh Hoàng cũng gặp phải nhiều khó khăn do vốn đầu tư còn hạn hẹp nên chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ. Khoảng chục năm trở lại đây, khi kinh tế vững vàng hơn, anh quyết định đầu tư chuyên sâu hơn trong lĩnh vực này.

Hiện tại gia đình anh có khu nhà xưởng khoảng 300m2với hệ thống máy móc hiện đại. Trước đây xưởng sản xuất chủ yếu bằng thủ công nên năng suất và chất lượng không cao. Nhưng từ khi đầu tư hệ thống máy móc và trang thiết bị hiện đại thì năng suất và chất lượng sản phẩm cũng nhờ thế được nâng lên, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.

Các sản phẩm của gia đình anh Hoàng chủ yếu được làm từ gỗ lát, bạch đàn, xoan và xà cừ gồm bàn ghế, giường, tủ, sập, kệ, bàn thờ các loại… 

Anh Hoàng cho biết: Sản phẩm của cơ sở sản xuất chủ yếu phục vụ cho các đối tượng bình dân với giá bán trung bình từ 5 – 50 triệu đồng/ 1 sản phẩm. Tuy nhiên, nếu khách có nhu cầu đặt hàng với giá trị cao thì xưởng vẫn sản xuất theo mẫu mã mà khách hàng yêu cầu. 

Thái Nguyên: Chàng thanh niên trẻ kiếm doanh thu tiền tỷ từ nghề đục đẽo  - Ảnh 2.

Thái Nguyên: Chàng thanh niên trẻ kiếm doanh thu tiền tỷ từ nghề đục đẽo  - Ảnh 3.

Thái Nguyên: Chàng thanh niên trẻ kiếm doanh thu tiền tỷ từ nghề đục đẽo  - Ảnh 4.

 

Thái Nguyên: Chàng thanh niên trẻ kiếm doanh thu tiền tỷ từ nghề đục đẽo  - Ảnh 4.

Các sản phẩm của gia đình anh Hoàng, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) chủ yếu được làm từ gỗ lát, bạch đàn, xoan và xà cừ...

Trung bình mỗi năm xưởng sản xuất và bán ra thị trường hàng trăm sản phẩm với doanh thu hơn 1 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, tùy vào từng thời điểm, doanh thu sẽ khác nhau. Như năm 2019, tổng doanh thu của cơ sở đạt 1,5 tỷ đồng, nhưng năm nay theo nhận định của anh Hoàng, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 số lượng nhân công tại xưởng giảm nên doanh thu cũng giảm hơn những năm trước. 

Thông thường xưởng có khoảng 8 – 9 lao động với mức thu nhập trung bình từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên buộc anh phải cắt giảm nhân công chỉ còn khoảng 3 – 4 người.

Theo anh Hoàng, vào thời điểm từ tháng 8 trở đi là thời điểm tất bật và bận rộn nhất của những người làm nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ như anh. Vì thời điểm này là thời điểm lượng khách hàng tiêu thụ lớn, do đó các cơ sở sản xuất đồ gỗ phải tích cực sản xuất để có đủ sản phẩm bán cho dịp cuối năm.

"Tuy nhiên không vì thế mà chúng tôi xem nhẹ mẫu mã và chất lượng sản phẩm, vì mỗi sản phẩm làm ra phải đảm bảo về chất lượng cũng như mẫu mã phải đẹp mắt thì mới giữ được uy tín cũng như thương hiệu cho cơ sở. Chỉ một phút làm ẩu là có thể mất hết uy tín đã tạo dựng lâu dài...".

Thái Nguyên: Chàng thanh niên trẻ kiếm doanh thu tiền tỷ từ nghề đục đẽo  - Ảnh 5.

Trung bình mỗi năm, xưởng sản xuất của gia đình anh Hoàng, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) bán ra thị trường hàng trăm sản phẩm với doanh thu trên 1 tỷ đồng

Ngoài thị trường tỉnh Thái Nguyên, gia đình Hoàng còn bán sản phẩm đi một số tỉnh như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hà Giang trong đó bao gồm cả bán lẻ và bán buôn cho các đại lý. 

\Anh Hoàng cho biết, vì đây là làng nghề truyền thống lâu đời nên đến nay đã tạo dựng được uy tín và thương hiệu trên thị trường do vậy được rất nhiều khách hàng biết đến.

Không chỉ có gia đình anh Hoàng mà còn gần 60 hộ khác trong làng nghề cũng sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ hàng chục năm nay. Do đó để khách hàng nhớ đến sản phẩm của gia đình mình thì ngoài việc tạo ra nét đặc sắc riêng trong từng sản phẩm thì giá cả cũng là một yếu tố quan trọng để tạo uy tín và giữ chân khách hàng.

Sản phẩm được sản xuất tại cơ sở của gia đình anh Hoàng rất đa dạng, có nhiều mẫu mã, đường nét sắc sảo, tinh tế, bởi vậy đáp ứng được thị hiếu của đông đảo khách hàng, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng.

Trong thời gian tới, anh Hoàng dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa hơn nữa mẫu mã sản phẩm, tiếp cận tới nhiều đối tượng khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để nhiều người biết đến sản phẩm của cơ sở nói riêng và của làng nghề nói chung, nhằm nâng tầm sản phẩm và đưa sản phẩm của làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Phương Độ vươn xa trên thị trường cả nước.

Thái Nguyên: Chàng thanh niên trẻ kiếm doanh thu tiền tỷ từ nghề đục đẽo  - Ảnh 6.

Sản phẩm được sản xuất tại cơ sở của gia đình anh Hoàng, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) rất đa dạng, có nhiều mẫu mã, đường nét sắc sảo, tinh tế, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng

Theo ông Hoàng Xuân Phương - Chủ tịch UBND xã Xuân Phương: Hiện nay làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ có gần 60 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng trên 250 lao động với thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. 

Làng nghề phát triển góp phần giúp cho địa phương thực hiện tốt tiêu chí thứ 13 đó là hỗ trợ đắc lực cho người dân phát triển sản xuất hiệu quả và nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống trong quá trình xây dựng nông thôn mới. 

Định hướng của xã trong thời gian tới là khuyến khích bà con hơn nữa trong việc mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng mẫu mã các sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Đây cũng là mục tiêu của xã trong việc đáp ứng nhu cầu nâng cao thu nhập của người dân. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem