Thái Nguyên: Trồng thứ rau dại vốn mọc hoang trong rừng, mưa xuống hái bán mỏi tay, nông dân ở đây khá giả

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ hai, ngày 16/08/2021 05:36 AM (GMT+7)
Sau 2 năm đưa vào trồng thử nghiệm mô hình trồng rau bò khai, nhiều hộ nông dân ở xã Cù Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã có thu nhập khá hơn hẳn. Rau rừng hái đến đâu đều bán hết veo bởi với nhiều người, rau bò khai giờ là rau đặc sản.
Bình luận 0

Bò khai vốn là giống rau dại mọc tự nhiên trong rừng nay được nhiều hộ dân mang về trồng tại vườn nhà. 

Loại rau này đã trở thành món ăn đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Năm 2017 các hộ trồng rau bò khai tại xóm Bắc Máng nay là xóm 12 và 13 của xã Cù Vân, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) đã liên kết thành lập tổ hợp tác sản xuất rau bò khai.

Thái Nguyên: Nhiều nông dân khấm khá nhờ trồng loại rau trước mọc hoang dại nay thành đặc sản nhiều người ưa chuộng - Ảnh 1.

Rau bò khai được người dân trồng tại 2 xóm 12 và 13 của xã Cù Vân, huyện Đại Từ (Ảnh: CTV)

Đến năm 2019 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ phối hợp với UBND xã Cù Vân, huyện Đại Từ triển khai thực hiện mô hình mở rộng diện tích rau bò khai tại xóm Bắc Máng với 30 hộ dân tham gia mô hình trên tổng diện tích 5 ha, trong đó có 3 ha của 18 hộ thành viên tổ hợp tác.

Các hộ nông dân khi tham gia mô hình được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về trồng, chăm sóc rau bò khai theo hướng hữu cơ, kỹ thuật lắp đặt hệ thống tưới, hệ thống giàn che nắng, che sương cũng như việc sử dụng phân bón vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học…

Sau 2 năm triển khai mô hình, năng suất và chất lượng của cây rau bò khai được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là hiệu quả từ việc lắp đặt hệ thống tưới và hệ thống giàn che.

Đối với diện tích rau mới trồng khi được lắp đặt hệ thống tưới và giàn che tỷ lệ sống rất cao đạt từ 90 - 95%. Mô hình tưới phun mưa giúp tiết kiệm nước rất nhiều so với cách tưới thủ công trước đây, do đó hệ số sử dụng nước đạt từ 90 - 95%. 

Với mô hình tưới phun mưa cũng cho phép người nông dân có thể chủ động bón phân khi điều kiện thời tiết không có mưa, từ đó người dân có thể kiểm soát được lượng phân bón, thời gian bón thích hợp theo đúng tỉ lệ, đúng giai đoạn giúp cho cây sinh trưởng nhanh, góp phần tăng năng suất cây rau.

Ông Trương Văn Tòng, xóm 12, xã Cù Vân, Tổ phó Tổ hợp tác trồng rau bò khai cho biết: Ngoài diện tích được nhà nước hỗ trợ, các thành viên tổ hợp tác đã lắp đặt toàn bộ hệ thống tưới cho diện tích rau còn lại, đến nay vẫn duy trì bón phân hữu cơ, phân vi sinh và sử dụng thuốc bảo bệ thực vật sinh học.

Thái Nguyên: Nhiều nông dân khấm khá nhờ trồng loại rau trước mọc hoang dại nay thành đặc sản nhiều người ưa chuộng - Ảnh 2.

Ông Trương Văn Tòng, xóm 12, xã Cù Vân (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên)-Tổ phó Tổ hợp tác trồng rau bò khai bên vườn rau của gia đình (Ảnh: CTV)

Theo ông Tòng, trước đây cứ khoảng 10 - 15 ngày là người dân lại thu hoạch rau 1 lần, trong đó mỗi sào mỗi lứa chỉ cho thu hoạch từ 10 – 15 kg rau. Nhưng đến nay thời gian thu hoạch mỗi lứa được rút ngắn lại chỉ còn từ 6 – 7 ngày, trong đó mỗi sào mỗi lứa cho thu hoạch từ 20 - 25 kg rau. Ngoài ra, còn có ưu điểm là rau non, xanh và đẹp hơn.

Thái Nguyên: Nhiều nông dân khấm khá nhờ trồng loại rau trước mọc hoang dại nay thành đặc sản nhiều người ưa chuộng - Ảnh 3.

Rau bò khai được người dân bán với giá trung bình từ 10.000 - 15.000đ/kg (Ảnh: CTV)

Trước đây, mỗi năm rau bò khai chỉ cho thu hoạch trong thời gian khoảng 8 tháng, thì nay cho thu hoạch trên 10 tháng chỉ trừ những tháng lạnh nhất của mùa đông là không có rau để thu hoạch. 

Hiện nay, thị trường tiêu thụ rau bò khai của Tổ hợp tác chủ yếu trên địa bàn thành phố Thái Nguyên và TP Hà Nội với giá bán trung bình từ 10.000 - 15.000đồng/kg.

Còn thời điểm vụ đông giá rau bò khai là từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người trồng rau bò khai chủ yếu bán tại thị trường trong tỉnh Thái Nguyên với giá bán giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Chị Đinh Thị Luyện, cán bộ Khuyến nông thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ chia sẻ: Rau bò khai là một trong những cây đặc sản có sự sinh trưởng và phát triển phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của xã Cù Vân. 

Đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao và không mất quá nhiều công chăm sóc như một số cây trồng khác tại địa phương.

Hiện nay, diện tích rau bò khai của xóm Bắc Máng đã đạt trên 6 ha với thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. 

Nhiều thương lái từ khắp các nơi đã biết tới và đặt hàng với số lượng lớn, có thời điểm lượng rau mà người dân trồng ra không đủ để cung cấp ra cho nhu cầu của thị trường.

Thái Nguyên: Nhiều nông dân khấm khá nhờ trồng loại rau trước mọc hoang dại nay thành đặc sản nhiều người ưa chuộng - Ảnh 4.

Chị Đinh Thị Luyện, cán bộ Khuyến nông thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ (Ảnh: CTV)

Nhờ trồng loại rau này mà nhiều hộ dân ở xã Cù Vân, huyện Đại Từ có thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao và trở nên khấm khá hơn trước.

Cũng theo chị Luyện, để phát triển bền vững mô hình này, người trồng rau cần liên kết phát triển thành Hợp tác xã sản xuất rau bò khai an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, từ đó làm cơ sở để phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem