Tham gia vào chuỗi liên kết, nông dân Thủ đô tiêu thụ sản phẩm giá cao hơn 10 - 15%
Tham gia vào chuỗi liên kết, nông dân Thủ đô tiêu thụ sản phẩm giá cao hơn 10 - 15%
Bình Minh
Thứ sáu, ngày 23/06/2023 10:32 AM (GMT+7)
Liên kết chuỗi đang cho thấy là hướng đi tất yếu, "chìa khóa" của nền nông nghiệp bền vững, hiện đại, đảm bảo lợi ích, hài hòa cho các chủ thể cùng tham gia, đồng thời khắc phục tình trạng canh tác manh mún, nhỏ lẻ, mất an toàn thực phẩm, bảo đảm đầu ra cho nông sản.
Để bảo đảm nguồn cung nông sản sạch ra thị trường, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội tập trung quy hoạch vùng sản xuất tập trung an toàn. Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng được 159 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, nhiều mô hình đầu tàu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị như: Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm), Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam (quận Nam Từ Liêm), Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai)… với phần lớn sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị lớn (Coop Mart, Metro, AEON…), các chợ đầu mối và xuất khẩu. Các chuỗi này đảm bảo cho các chủ thể tham gia (doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân) chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, góp phần thiết thực vào xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc sản xuất theo hướng an toàn không chỉ giúp người nông dân tiêu thụ với giá cao hơn 10-15% so với sản phẩm theo hướng truyền thống mà còn giúp các ngành chức năng thuận lợi hơn trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm bán trên thị trường.
Tại Phiên chợ nông sản vùng miền khai mạc ngày 21/6, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, với tiềm năng lợi thế, Hà Nội đứng đầu toàn quốc với sản lượng rau, củ quả hàng năm hơn 737.000 tấn, đàn lợn hơn 1,4 triệu con, sản phẩm OCOP chiếm 20% trong sản phẩm OCOP toàn quốc.
Theo ông Sơn, UBND TP Hà Nội và Bộ NNPTNT cũng đã tổ chức ký kết chương trình đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025, từ đó là cơ sở triển khai các kế hoạch trọng tâm nâng cao chất lượng, quy mô sản phẩm cũng như chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn của Hà Nội đến với các tỉnh, thành phố theo chuỗi quốc tế, phục vụ tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu.
"Nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong toàn quốc thì việc tổ chức quảng bá, giới thiệu tại phiên chợ sẽ là cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp, HTX tăng cường kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường nhất là đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, trung tâm thương mại, siêu thị, góp phần phát triển chuỗi giá trị theo hướng bền vững...", ông Sơn chia sẻ.
Liên kết chuỗi mang lại "đa giá trị"
Để nỗ lực đẩy mạnh xây dựng các chuỗi sản xuất liên kết sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản Thủ đô, trong những năm qua, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó chú trọng, duy trì 159 chuỗi hiện có, đồng thời xây dựng mới các chuỗi liên kết cho nhóm các sản phẩm.
Xác định sản xuất hữu cơ là hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, ngay từ khi thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã tập trung phát triển sản xuất lúa hữu cơ.
Ban đầu chỉ với diện tích từ vài ha thì nay HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú đã mở rộng lên 52 ha, với 103 thành viên chức thức và hàng trăm hộ nông dân cùng tham gia sản xuất. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ không chỉ mang lại giá trị sản kinh tế cao mà còn góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân.
Các sản phẩm gạo của HTX cũng là sản phẩm nằm trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản tiêu biểu của Hà Nội theo hình thức liên kết "4 nhà": Nhà quản lý - Nhà khoa học - Nhà sản xuất - Nhà kinh doanh.
Bà Trịnh Thị Nguyệt, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú chia sẻ: "Nếu trong sản xuất mà có sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất, tiêu thụ sẽ không chỉ góp phần đảm bảo sản xuất bền vững và còn đóng góp cho cả xã hội".
Theo bà Nguyệt, khi tham gia vào chuỗi liên kết thì nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp đều có "sân chơi" để phát triển và cái được lớn nhất là sự bền vững trong các khâu liên kết.
Nhờ mô hình liên kết, có sự tham gia của doanh nghiệp, bà con nông dân đã không phải lo lắng về đầu ra, có thể yên tâm sản xuất. Theo đó, toàn bộ quá trình sản xuất đều được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt từ giống, gieo mạ, phân bón, quản lý dịch hại, kiểm soát nước, các sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, được bảo quản ở điều kiện tốt sau thu hoạch. Đặc biệt, việc ký kết hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các doanh nghiệp, HTX đã mang lại thu nhập cao cho người nông dân, đồng thời người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm nông sản an toàn... nhờ đó sản phẩm gạo của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú được UBND TP Hà Nội xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Là đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm gạo của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, bà Bùi Thị Thanh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh cho biết, Hà Nội với rất nhiều sản phẩm nông sản, đồng thời đặc sản các vùng miền cũng đều hội tụ về Thủ đô, chính bởi vậy việc xây dựng các chuỗi liên kết sẽ góp phần nâng tầm sản phẩm của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, tất cả các bên tham gia đều có lợi, nông dân tiêu thụ được sản phẩm ổn định, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm và người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn.
Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng, phát triển 50 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm chủ lực của TP; 100% chủ thể tham gia liên kết chuỗi được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ; 100% chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.