Dấu tích kinh đô cổ
Khách tham quan đến với di tích Thành Nhà Hồ.
Nằm cách TP.Thanh Hóa 45km về phía Tây Bắc, Thành Nhà Hồ là một thắng tích nổi tiếng ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây là kinh thành của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407 do Hồ Quý Ly – tể tướng dưới triều đại Nhà Trần - cho xây dựng vào năm 1397. Tháng 2.1400, Hồ Quý Ly lên ngôi vua thay Nhà Trần, Thành Nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô.
Thành Nhà Hồ trong lịch sử còn có các tên gọi khác là thành An Tôn, Tây Đô, Tây Kinh, Tây Nhai, Tây Giai.
Thành Nhà Hồ được coi là tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là 1 trong rất ít tòa thành đá còn lại trên thế giới. Tháng 6.2011, UNESCO đã công nhận Thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới.
Sau một quãng đường không quá dài từ TP.Thanh Hóa lên đến Vĩnh Lộc, trên đường đến với di tích Thành Nhà Hồ, bạn có thể ghé thăm phủ Trịnh ở xã Vĩnh Hùng đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia để hiểu thêm về quê hương của các vị chúa Trịnh đã từng để lại rất nhiều câu chuyện lịch sử trong thời kỳ “Vua Lê - Chúa Trịnh”.
Theo các tài liệu và thư tịch cổ, phức hợp di sản Thành Nhà Hồ ngoài Thành nội, Hào thành, La thành còn có Đàn tế Nam Giao.
Thành nội được xây dựng gần như hình vuông, có 4 cổng, được mở ở chính giữa của bốn bức tường thành. Toàn bộ tường thành và 4 cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá xanh, đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các phiến đá có chiều dài trung bình 1,5m, dày 1m, nặng 15 - 20 tấn. Các cổng thành được xây dựng theo kiến trúc hình vòm. Những phiến đá trên vòm cửa đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít lên nhau thể hiện sự tài hoa của những người thợ xây thành xưa.
Tiềm năng du lịch lớn
Ngay trong dịp lễ 30.4 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã tổ chức Hội nghị giới thiệu, quảng bá điểm đến du lịch Thành Nhà Hồ. Tại hội nghị này, các đại biểu đã đóng góp rất nhiều ý kiến để đưa di sản Thành Nhà Hồ trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch.
|
Theo anh Đặng Quang Tùng - đại diện Công ty Du lịch Bích Tuyền (Thanh Hóa) thì trước đây, Thành Nhà Hồ chỉ là một điểm dừng chân trên đường du khách đến với suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy) hay là một chặng tham quan khi du khách đến với biển Sầm Sơn, bởi ngoài tòa thành đá, ở đây chưa phát triển được những sản phẩm du lịch khác.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình này đã được cải thiện, anh Tùng cho biết: “Thời gian vừa qua, đường giao thông đã được đầu tư mở rộng và tu sửa, các nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng đã được đầu tư xây dựng và đầu tư trang thiết bị; các khu dịch vụ sinh thái, bảo tàng tư nhân đã được xây dựng, người dân thì được tập huấn những kiến thức về phát triển văn hóa du lịch. Đó là những điều kiện tối thiểu để phát triển di sản này trở thành một điểm du lịch hấp dẫn bởi khách không thể đến nhìn ngắm tòa thành xong là lại lên xe ra về”.
Hiện nay, theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc có 7 cơ sở lưu trú, có trên 5 nhà hàng với các phòng ăn rộng, lịch sự, có thể phục vụ các đoàn trên 250 khách. Tại đây, quý khách có thể thưởng thức các món ăn mang đậm bản sắc địa phương như: Bánh răng bừa, đặc sản cá ké (sông Mã), dê núi (Vĩnh An), bánh tráng (làng Bồng), dưa cải (làng Don)...
Hoài Nam (Hoài Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.