Ngày 16.8, tại cơ quan điều tra, PV NTNN đã có cuộc trao đổi ngắn với nghi phạm Hùng. Sau gần 3 ngày băng rừng lẩn trốn, Hùng đã rất mệt mỏi. Hùng thừa nhận những hành vi đã gây ra và cho rằng do nạn nhân Long đã lấn sang nương rẫy của mình nên mới xảy ra vụ việc như thế.
“Do nó (Long) ở rể nhưng tham quá, cứ phát lấn sang rẫy nhà mình, nói nhiều lần không nghe. Hôm đó, tức quá đánh nó rồi chém chết nó, vợ nó và Hà thôi” - Hùng lạnh lùng nói. Về việc ra tay sát hại cháu Tuyền, Hùng cho rằng thấy cháu Tuyền đang đứng trên rừng liền tiện thể ra tay luôn.
Nghi can giết 4 người Đặng Văn Hùng bị bắt trong vụ án giết người tại Văn Yên, Yên Bái. Ảnh: IT
Như thông tin đã đưa, vào khoảng 10 giờ ngày 15.8, lực lượng công an đã bắt được nghi phạm Đặng Văn Hùng (SN 1989, trú tại thôn 16 (hay còn gọi thôn Cài), xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) cùng Nguyễn Thị Hán (tức Hương, SN 1979) – bạn gái của Hùng. Hùng và Hán bị bắt tại đồi cọ thôn 2, xã Khánh Hòa (huyện Lục Yên, Yên Bái) sau 3 ngày đêm lẩn trốn trên rừng.
Trước đó, khoảng 17 giờ ngày 12.8, vì tranh chấp nương rẫy, Đặng Văn Hùng được cho là đã dùng dao chém chết 4 người trong một gia đình, gồm anh Trần Văn Long (SN 1983), chị Phàn Thị Hoa (SN 1995, vợ anh Long), cháu Phàn Văn Tuyền (SN 2013, con anh Long, chị Hoa) và em Phàn Thị Hà (SN 2000, em gái chị Hoa).
Ông Hà Văn Liên (50 tuổi, trú tại thôn 2, xã Khánh Hòa, Lục Yên, Yên Bái) là người đầu tiên phát hiện nghi phạm, cho biết: Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 15.8, ông thức dậy mổ lợn để mang bán thì phát hiện đôi nam nữ đi qua đường mòn trước nhà. Thấy có dấu hiệu nghi ngờ, ông đã cầm đèn pin đi theo nhưng lại không thấy đâu. Tiếp tục đi xuống đoạn dốc gần đó, gặp người thân ông Liên hỏi thì được biết có gặp đôi nam nữ vừa đi qua. Ngay lập tức, ông đã gọi điện báo công an. Sau đó, lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm, khoanh vùng và phát hiện cả hai đối tượng đang nằm ngủ ở bìa rừng cạnh đường mòn. Khi đó Hùng dùng lá cọ che mặt, còn Hán nằm bên cạnh. Khi lực lượng chức năng tiếp cận 2 đối tượng bỏ chạy lên đồi cọ. Sau ít giờ vây bắt, công an nổ súng cảnh cáo, các đối tượng đã đầu hàng.
Được biết, những ngày trốn chạy, các nghi phạm chỉ ăn chuối rừng, uống nước suối nên sức khỏe suy sụp rất nhanh. Chính vì đói mệt nên các nghi phạm phải ra bìa rừng tìm cơm ăn và nhanh chóng bị bắt. Nghi phạm Nguyễn Thị Hán khai ăn thì không có, ngủ thì không được mà cứ nơm nớp lo bị bắt. Đến sáng 15.8, khi cả hai ra khu vực Khe Chạp, thấy có người lại phải chạy vào rừng. Đến khi bị phát hiện, truy đuổi cả hai trốn vào bụi cây, hốc đá. Khi nghe tiếng súng nổ, lo sợ bị bắn nên cả hai đã ra đầu hàng.
Cuối giờ chiều 16.8, trả lời NTNN, đại tá Phạm Ngọc Thắng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, cho biết: “Sau khi lấy lời khai của cả hai và qua điều tra, chúng tôi đã cho Nguyễn Thị Hán về nhà vì trước đó, Hán không biết việc Hùng đã giết người. Lúc đó Hán bị Hùng ép buộc phải trốn cùng, nếu không sẽ bị giết nên Hán phải theo. Do đó, bước đầu có thể khẳng định Hán không có hành vi phạm tội”.
Ông Nguyễn Thân - nguyên thẩm phán TAND Tối cao: Nhiều tình tiết tăng nặng định khung
Xung quanh vụ án thảm sát làm 4 người chết ở Yên Bái cơ quan điều tra đã bắt được nghi can Đặng Văn Hùng. Đối tượng cũng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, tuy nhiên đến nay vẫn chưa rõ ngoài hành vi giết người đối tượng còn hành vi phạm tội nào khác, ví dụ như lấy tài sản của nạn nhân không...?
Nếu đúng Hùng là thủ phạm của vụ án thì hành vi của đối tượng này có nhiều tình tiết tăng nặng định khung, như giết nhiều người (4 người), có tính chất côn đồ, giết trẻ em (cháu Phàn Văn Tuyền 2 tuổi, cháu Phàn Thị Hà 15 tuổi). Chỉ cần với một tình tiết tăng nặng như kể trên, người phạm tội đã phải đối diện với khung hình phạt có mức án cao nhất là tử hình.
LS Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư Hà Nội): Hán không phạm tội
Trường hợp Nguyễn Thị Hán (bạn gái Hùng) có hành vi bỏ trốn cùng Hùng mà biết đối tượng gây án, căn cứ vào thông tin cơ quan điều tra cung cấp ban đầu thấy Hán có dấu hiệu của hai hành vi che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm.
Nếu trong quá trình bỏ trốn cùng đối tượng Hùng, Hán có hành vi trợ giúp đối tượng lẩn trốn, cùng Hùng giấu bỏ tang vật phạm tội thì đó là dấu hiệu của hành vi che giấu tội phạm. Còn trường hợp Hán chỉ đi theo Hùng, mọi việc đều do Hùng quyết định thì đó là dấu hiệu của hành vi không tố giác tội phạm.
Lưu ý, trong một vụ án, nếu người nào đã phạm vào tội “che giấu tội phạm” thì không còn phạm vào tội “không tố giác tội phạm”. Tuy nhiên, thực tế Nguyễn Thị Hán bị Hùng ép phải bỏ trốn cùng, trong quá trình bỏ trốn luôn bị khống chế, do vậy nên Hán không có hành vi phạm tội.
Trong vụ án này khi bỏ trốn Hùng có mang theo súng kíp. Như vậy việc sử dụng súng kíp, vũ khí tự chế là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ.
Ngọc Lương (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.