Tham vọng lớn, đại gia bán lẻ Nhật Bản AEON “thất thủ” tại thị trường Việt

Nhật Minh Thứ hai, ngày 01/10/2018 08:00 AM (GMT+7)
Với chiến lược “1 mũi tên trúng 2 đích” đại gia bán lẻ Nhật Bản AEON đã bắt tay hợp tác với không ít đối tác Việt Nam trong 10 năm vừa qua. Thế nhưng, chưa có lần hợp tác nào mang lại quả ngọt cho ông lớn bán lẻ đến từ Nhật Bản này. Tham vọng quá lớn đã khiến cho AEON “thất bại” và đành phải rút lui.
Bình luận 0

Tập đoàn Nhật Bản AEON hoàn tất "chia tay" Fivimart cuối tháng 9 vừa qua và nhượng lại chuỗi siêu thị này cho một doanh nghiệp trong nước. Đây cũng là cái tên cuối cùng trong chiến dịch hợp tác rầm rộ trước đó của Aeon khi gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008. 

Thua lỗ sau “hợp tác”

Thành lập từ năm 1758, Aeon là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lâu đời nhất của Nhật Bản sở hữu 179 liên doanh trong và ngoài nước. Tại Việt Nam, Aeon hoạt động từ năm 2009 dưới hình thức văn phòng đại diện, và đến cuối năm 2011 mới thành lập Công ty TNHH Aeon Việt Nam với vốn điều lệ 192,38 triệu USD.

Ngay khi gia nhập thị trường Việt Nam, Aeon triển khai chuỗi cửa hàng tiện ích Ministop qua hình thức nhượng quyền thương hiệu với sự kết hợp của Tập đoàn Trung Nguyên. Tuy nhiên, tới năm 2015, việc hợp tác này không hiệu quả khiến Ministop dừng hợp tác với Trung Nguyên và chuyển sang bắt tay đối tác Nhật Sojitz, đặt mục tiêu mở 800 cửa hàng trong vòng 8 năm tới. 

Ba năm sau đó, Tập đoàn này tuyên bố mua 30% cổ phần của Công ty cổ phần Nhất Nam (đơn vị sở hữu Fivimart). Aeon Việt Nam cũng mua 49% cổ phần Citimart – chuỗi siêu thị lớn tại phía Nam. Cùng năm đó, Aeon khai trương 2 trung tâm mua sắm tại quận Tân Phú, TP HCM và Bình Dương.

Nhờ chiến lược hợp tác với các siêu thị lớn trong nước, tập đoàn bán lẻ của Nhật đã hoàn thành mục tiêu “Một mũi tên trúng hai đích” là vừa tăng tốc phát triển tại thị trường Việt Nam, vừa nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong nước về thương hiệu Aeon. Nếu nhìn vào chuỗi 30 siêu thị của Citimart và chuỗi 20 siêu thị của Fivimart trên khắp cả nước, có thể hiểu được tham vọng của Aeon là rất lớn.

img

  Kết quả kinh doanh của Aeon Việt Nam trong vài năm gần đây. 

Thế nhưng mọi tính toán đều không như kỳ vọng. Với 4 siêu thị hoạt động độc lập, trong năm 2016, doanh thu Aeon Việt Nam đã tăng lên 3.883 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2014 và lợi nhuận trước thuế 54 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu tăng hơn 30%, đạt 5.136 tỷ đồng và lãi trước trước thuế 234 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần năm trước đó.

Tuy nhiên với các thương vụ hợp tác tình hình kinh doanh của Fivimart, Citimart lại có dấu hiệu đi xuống. Trong đó rõ rệt nhất là hệ thống siêu thị Fivimart khi 3 năm tài chính liên tiếp đều ghi nhận lỗ ròng dù số lượng siêu thị đã tăng gấp đôi. Cụ thể, năm 2016 hệ thống ghi nhận mức lỗ 96 tỷ, đến năm 2017 con số lỗ lũy kế lên tới gần 200 tỷ đồng. Nợ phải trả ngang bằng với tổng tài sản của công ty ở mức hơn 800 tỷ đồng.

Citimart cũng đối diện với tình hình tiêu cực dù doanh thu của chuỗi siêu thị này có tăng trưởng khoảng 15%, đạt gần 1.600 tỷ đồng trong năm 2016. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu tài chính lỗ lũy kế ghi nhận lên tới 157 tỷ đồng.

Chưa "đồng điệu"

Cách Aeon triển khai hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cho thấy, họ nhắm tới một đích đến xa hơn khi triển khai các chân rết của mình ở những địa điểm chiến lược, nhất quán và cùng khai thác kinh doanh tổng lực với các nhà bán lẻ khác. Tuy nhiên những mắt xích liên kết của hệ thống này vẫn chưa có được tiếng nói chung sau nhiều năm tìm đến nhau.

img 

Tập đoàn Nhật Bản AEON hoàn tất "chia tay" Fivimart cuối tháng 9 vừa qua

Trong thông cáo mới nhất về việc chia tay với Fivimart, ông lớn bán lẻ này cho biết giữa Fivimart và Aeon trong khi thương lượng chiến lược tăng trưởng, mong muốn thực hiện nâng cao cuộc sống của người tiêu dùng và phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam là như nhau.

Tuy nhiên, trong phương hướng, tư tưởng, tầm nhìn chiến lược của hai công ty có sự khác nhau rõ ràng. Vì vậy, hai công ty đã thương lượng và đi đến đồng ý hủy bỏ hợp tác nhằm để mỗi bên xúc tiến chiến lược tăng trưởng, đầu tư vào việc cải thiện giá trị công ty, thay vì tiếp tục việc hợp tác nghiệp vụ, liên kết vốn.

Có lẽ sự khác biệt về tư duy kinh doanh khiến cho 10 năm qua Aeon vẫn chưa tìm được đối tác hoàn hảo.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem