“Thần dược” giúp bệnh nhân ung thư giảm đau đớn

Khánh Linh - Thuỳ Dương Thứ bảy, ngày 14/10/2017 07:10 AM (GMT+7)
Ngày 14.10 năm nay là Ngày Chăm sóc giảm nhẹ thế giới. Theo các chuyên gia y tế, những người bệnh nặng, bệnh giai đoạn cuối, bệnh mãn tính rất cần được chăm sóc đúng cách để giảm nhẹ nỗi đau, hạn chế trầm cảm, suy sụp, mất hết ý trí, sức lực chống lại bệnh tật.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Thiện Toan (62 tuổi, quê ở Hà Nội) chia sẻ: “Tôi điều trị ung thư phổi đã được 2 năm. Quãng thời gian đầu, tôi bị sốc nặng, những suy nghĩ ám ảnh về cái chết, cộng với sự đau đớn, mệt mỏi của những cuộc phẫu thuật khiến tôi suy kiệt tất cả. Nhiều lúc tôi chỉ muốn buông xuôi để được giải thoát, đỡ phải làm khổ vợ con. Nhưng khi điều trị tại Khoa Chống đau, được bác sĩ chăm sóc giảm đau không chỉ bằng thuốc mà còn cả về tinh thần qua các cuộc trò chuyện, tư vấn về dinh dưỡng khiến tôi bớt sợ hãi về căn bệnh này”.

img

Chăm sóc đúng cách giúp bênh nhân nặng có thêm sức mạnh chống lại bệnh tật (Ảnh minh hoạ)

Ông Toan cho biết, khi ông bị bệnh, gia đình cũng đã luôn động viên ông điều trị bệnh cho tốt, lạc quan tin tưởng ông sẽ khỏi bệnh. “Chính vì thế mà tôi càng cố gắng nỗ lực hơn để chống lại bệnh tật”.

Còn bệnh nhân Trần Thị Huệ (34 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) cho biết: “Tôi đã điều trị ung thư vú ở Bệnh viện K được nửa năm. Lúc đầu bị bệnh tôi cũng đau khổ, tuyệt vọng, sợ hãi lắm. Nhưng sự nhiệt tình thăm khám của bác sĩ, sự động viên của người thân nên tôi cũng nguôi ngoai, giúp tôi có thêm niềm tin vào việc bệnh tình của mình sẽ thuyên giảm”.

Nhân Ngày Chăm sóc giảm nhẹ thế giới (14.10), TS Đoàn Lực -Trưởng khoa Chống đau (Bệnh viện K T.Ư) nhận định, hầu hết đằng sau mỗi bệnh nhân bị ung thư là một câu chuyện đau buồn. Hơn ai hết, họ là những người cần được an ủi, sẻ chia, cảm thông, động viên. “Trong khi đó, không phải bệnh nhân nào cũng nhận được sự cảm thông, chia sẻ của bệnh nhân, nhất là khi phải điều trị dài ngày, tiền bạc tiêu tốn. Những cú sốc về tinh thần khiến người bệnh bị suy sụp nhanh hơn là sự tàn phá của tế bào ung thư” – TS Lực nói.

Chính vì vậy, nhân viên y tế ở bệnh viện K nói chung và khoa Chống đau nói riêng không chỉ điều trị bệnh mà còn là bác sĩ tâm lý, là bạn, là người sẻ chia với bệnh nhân, giúp họ có thêm nghị lực, niềm tin để điều trị bệnh tốt hơn. Nhân viên y tế không chỉ động viên, tư vấn cho bệnh nhân mà còn phải “lên giây cót” tinh thần cho cả người nhà bệnh nhân, để họ cùng vững tin điều trị, đồng thời biết cách chăm sóc bệnh nhân, giảm nhẹ nỗi đau đớn, giúp bệnh nhân lạc quan hơn.

PGS-TS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K T.Ư cho biết, hiện nay, Việt Nam có mức gia tăng nhanh các ca mắc mới ung thư, từ 68.000 ca năm 2.000 lên 126.000 ca năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 189.000 ca vào năm 2020. Mỗi năm, tại Việt Nam có hơn 94.000 người chết vì ung thư, tương ứng 257 người/ngày.

“Điều đáng nói là đa số bệnh nhân ung thư ở Việt Nam được phát hiện ở giai đoạn muộn. Khi đó bệnh nặng, cơ thể bệnh nhân suy sụp nhanh, tỷ lệ điều trị khỏi thấp, không chỉ khiến bệnh nhân đau đớn, mỏi mệt mà còn dễ rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Ngay cả người nhà cũng gặp rất nhiều khó khăn về tâm lý, không biết cách chăm sóc bệnh nhân thế nào cho tốt…” – PGS Thuấn nói.

Do đó, PGS Thuấn nhấn mạnh vai trò của việc tuyên truyền cho người bệnh, người nhà người bệnh hiểu về các hoạt động của chăm sóc giảm nhẹ, làm giảm gánh nặng họ chịu đựng bằng cách nhận biết sớm, đánh giá toàn diện và điều trị đau cũng như các vấn đề khác về thể chất, tâm lý xã hội và tinh thần. Việc chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư không chỉ là kéo dài sự sống mà đó còn là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Tại Bệnh viện K T.Ư, Khoa Chống đau đã lập kế hoạch chăm sóc theo từng bước tương ứng các giai đoạn bệnh cho đến sau khi bệnh nhân mất. Bao gồm các giai đoạn: Điều trị nâng cao thể trạng; Điều trị các rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu, mất ngủ; Điều trị các triệu chứng gây ra bởi tác dụng phụ của điều trị đặc hiệu như đau, nôn, tiêu chảy, táo bón, nhiễm trùng, thiếu máu, chảy máu, rụng tóc, tổn thương da, loét trợt giai đoạn sớm; Kiểm soát cơn đau; Kiểm soát cơn khó thở; Chăm sóc loét – hoại tử; Chăm sóc thân nhân sau khi bệnh nhân mất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem