Lên men tỏi tươi thành tỏi đen, giá tăng gấp 7 lần
Tỏi đen được sản xuất thành công ở Nhật Bản từ năm 2005. Hiện người dân nước này sử dụng tỏi đen rộng rãi như loại thức ăn, gia vị, đồ uống thiết yếu để có cuộc sống khỏe mạnh. Sở dĩ như vậy bởi theo các chuyên gia y dược, khi lên men tỏi tươi thành tỏi đen, độ ẩm và chất béo trong tỏi giảm đáng kể, còn các nguyên tố vi lượng tăng nhiều lần giúp phòng chống nhiều bệnh nguy hiểm gan, tiểu đường, ung thư; làm tăng sức đề kháng.
Bên trong một xưởng lên men tỏi đen tại TP. HCM.
Để sản xuất 1kg tỏi đen cần 0,8 - 2kg tỏi tươi. Giá nhập buôn tỏi tươi nhiều nhánh Lý Sơn, Phan Rang loại 1 hiện nay trung bình 100.000 đồng/kg. Giá bán tỏi đen tại thị trường trong nước thấp nhất là 1,4 triệu đồng/kg.
Như vậy, bằng cách lên men tỏi tươi thành tỏi đen, giá tỏi tăng gấp 7 lần. Riêng với loại tỏi một nhánh hay còn gọi là tỏi cô đơn, đặc sản quý của Lý Sơn, giá nhập tỏi tươi là 500.000 - 600.000 đồng/kg, sau lên men thành tỏi đen có giá 2,5 đồng/kg, tăng hơn 2 lần.
Anh Nguyễn Đức Luân (4A Lê Thánh Tông, Hà Nội) - chuyên gia nghiên cứu về tỏi đen, khẳng định giá tỏi đen một nhánh Lý Sơn đang ở mức quá cao so với giá trị thực. Anh Luân cho biết, thực tế các kết quả kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng chất dinh dưỡng và dược chất trong tỏi nhiều nhánh và tỏi một nhánh chênh lệch không đáng kể.
Đã có thời gian nghiên cứu thực địa tại Lý Sơn, anh Luân quả quyết, Lý Sơn chưa trồng chuyên được tỏi một nhánh mà lượng tỏi một nhánh thu hoạch về là sự chọn lọc tỏi đột biến lẫn trong cánh đồng tỏi nhiều nhánh nên sản lượng thu về rất ít, vì ít nên mới đắt.
Tỏi đen hiện được bán ra thị trường với mức giá cao gấp gần chục lần tỏi tươi.
Ở Nhật Bản và Trung Quốc, nơi có nhiều vùng trồng chuyên canh tỏi một nhánh, giá loại tỏi này chênh lệch rất ít so với tỏi nhiều nhánh, hàm lượng dinh dưỡng cũng không mấy khác nhau. Thậm chí, giá tỏi một nhánh của Trung Quốc nhập về chỉ vài chục ngàn một kg, hình thức bên ngoài lại to, đều, đẹp hơn tỏi một nhánh ở Lý Sơn, dù hương vị không thơm ngon bằng và chất lượng dinh dưỡng còn bỏ ngỏ.
Sản xuất đại trà tỏi đen, người bán người mua cùng hưởng lợi
Là mặt hàng phổ biến tại Nhật nhưng giá tỏi đen ở nước này vẫn cao ngất, 240 USD/kg (khoảng 5 triệu đồng). Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Đức Luân, chất lượng tỏi Nhật thua Việt Nam mặc dù giá cao hơn gấp 5 lần. Anh Luân giải thích, tỏi của Nhật được trồng từ tháng 11-12 hàng năm và thu hoạch vào tháng 3-4 năm sau, vướng 2 tháng bị ủ trong tuyết sau đó ra hoa nên mất khá nhiều chất dinh dưỡng.
Tỏi Việt Nam thời gian thu hoạch ngắn hơn 2 tháng, lại không bị ra hoa, các chất dinh dưỡng không bị hao hụt và chuyển hóa nên có chất lượng tốt hơn. Tỏi tươi tốt hơn thì đương nhiên khi lên men cho chất lượng tỏi đen cũng cao hơn. Được sản xuất thành công trong nước với máy móc nội địa hóa, tỏi đen Việt Nam đã được Bộ Y tế kiểm định về chất lượng, mức giá rẻ hơn nhiều lần so với tỏi đen của Nhật Bản và Trung Quốc.
So sánh tỏi một nhánh chuyên trồng ở Nhật Bản, Trung Quốc và tỏi một nhánh Lý Sơn.
Hiện giá bán lẻ tỏi đen trong nước là 1,4 triệu đồng/kg, vẫn bị khách hàng chê đắt và cho là “món ăn chỉ của nhà giàu”. Tuy nhiên, theo ý kiến thu thập từ nhiều chủ cơ sở sản xuất tỏi đen tại Hà Nội, Hải Dương và TP.HCM, chi phí đầu tư máy móc của Nhật cho sản lượng tỏi đen 1 tấn một mẻ khoảng hơn 1 tỷ đồng. Nếu sử dụng máy móc nội, chi phí sẽ giảm 60%, giá thành từ đó chắc chắn giảm mạnh, lợi cho cả người bán, người mua và có giá trị xuất khẩu cao.
Hiện tỏi đen được sản xuất tại Việt Nam dưới nhiều hình thức như tỏi thô, bột tỏi, rượu tỏi, bánh nhân tỏi đen…
Anh Nguyễn Trường Giang (Nguyễn Văn Cừ, Phan Rang, Ninh Thuận) chia sẻ: “Việt Nam hiện có nhiều vùng chuyên canh tỏi nổi tiếng, có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phan Rang (Ninh Thuận), Phù Yên (Sơn La)…
Theo tìm hiểu, máy móc, công nghệ lên men tỏi trắng thành tỏi đen về lý thuyết khá đơn giản, có thể tiến tới sản xuất đại trà. Nếu sớm thực hiện được, sẽ có lợi cho nhiều phía, nhất, nông dân sẽ đổi đời”.
(Theo Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.