Dẫn chúng tôi đi xem đàn dê 13 con đang lớn trong chuồng, chị Nguyễn Thị Kim Oanh ở ấp Giáp Nước, xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho hồ hởi: "Vợ chồng tui thường xuyên cắt cỏ cho dê ăn nên chúng rất mau lớn. Có mấy con chuẩn bị xuất chuồng, giá bán hơn 3,5 triệu đồng/con. Những con còn lại tụi tui đang thúc cỏ chờ ngày đủ ký mới bán. Nói thật với anh, nếu không có Ngân hàng CSXH cho vay vốn thì giờ đây gia đình tui không biết sống ra sao…".
|
Chị Nguyễn Thị Kim Oanh chăm sóc đàn dê trong chuồng. |
Hết cảnh tha phương
Chị Oanh cho biết, trước đây, vợ chồng chị không có đất sản xuất nên quanh năm chỉ biết đi làm mướn. Nhưng không phải lúc nào cũng có việc nên cảnh thiếu ăn thường xuyên xảy ra với gia đình chị. Cách đây hơn 2 năm, nhờ Hội Nông dân xã chỉ dẫn, gia đình chị được Ngân hàng CSXH TP. Mỹ Tho cho vay 8 triệu đồng. Vợ chồng chị quyết định dành trọn tiền vay mua mấy con dê về nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật nuôi, lứa dê đầu vợ chồng chị bán được hơn 10 triệu đồng.
Hiện chị vẫn còn 13 con dê, phần lời đang nằm chắc trong tay. Lối thoát nghèo cũng được mở ra khi vợ chồng chị Oanh lấy số tiền lời hơn chục triệu đồng từ bán dê thuê gần 2 công đất để trồng hoa màu ngắn ngày. Cuộc sống của gia đình chị đã ổn định.
Cũng trong ấp Giáp Nước này, nhiều gia đình đã có cuộc sống ổn định nhờ đồng vốn vay ưu đãi. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều phụ nữ trong xã Phước Thạnh ví von: "Ngân hàng là "thần hộ mệnh" của người nghèo như tụi em đó".
Giúp nông dân thoát nghèo bền vững
Việc thiết lập các điểm giao dịch về tận xã của Ngân hàng CSXH đã tránh cho người vay khỏi mất thời gian bỏ công ăn việc làm và đi lại làm thủ tục. Các thủ tục vay được niêm yết công khai ở những điểm giao dịch này. Hiện toàn tỉnh Tiền Giang đã có hơn 130 điểm giao dịch ở các xã. Hàng tháng, ngân hàng tỉnh cử một đoàn cán bộ xuống tận nơi tư vấn cho bà con.
Bên cạnh việc cho người nghèo vay vốn sản xuất như trên, ngân hàng còn thực hiện các chương trình cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay tiền đi học, người nghèo được vay tiền xây nhà theo Quyết định 167…
“Chương trình cho học sinh, sinh viên nghèo vay vốn học tập là chương trình mà tôi tâm đắc nhất. Bởi lẽ đây là chương trình giúp người nghèo có được tri thức và từ đó sẽ thoát nghèo bền vững...”.
Ông Lê Văn Trước - Giám đốc Ngân hàng CSXH Tiền Giang
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Lê Văn Trước - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Tiền Giang cho biết, trong năm 2011 có hơn 4.000 trường hợp được vay tiền làm nhà theo Quyết định 167 và gần 19.000 hộ nghèo được vay vốn sản xuất. Bên cạnh đó là gần 15.000 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay tiền đi học. Cùng với đó, các chương trình cho vay sản xuất kinh doanh, đầu tư nước sạch - vệ sinh môi trường...
Bà Võ Thị Mười - chủ một cơ sở dệt và gia công len xuất khẩu ở phường 3, TP.Mỹ Tho cho biết, cơ sở của bà được Ngân hàng CSXH tỉnh Tiền Giang cho vay 400 triệu đồng. Hiện cơ sở có gần 100 công nhân đang làm việc với thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.
Bà Mười vui khoe: "Nhờ số vốn vay ưu đãi này mà cơ sở của tui vượt qua khó khăn trong lúc ngành dệt lâm vào điêu đứng. Ngân hàng cho vay vốn, cơ sở của tui tồn tại mà những người nghèo trong xóm vẫn có việc làm ổn định".
Bùi Phụ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.