Những chủ nhân của các phiên chợ tình có những đặc trưng rất dễ nhận biết. Phụ nữ ăn mặc đẹp hơn, đứng ở chỗ dễ thấy, luôn ngơ ngác nhìn quanh. Đàn ông, đa phần đã say, đi dọc chợ, gặp ai cũng ngó như sợ sót mất người. Còn cả những người phụ nữ kiên nhẫn ngồi suốt đêm ngoài chợ, chờ chồng đi gặp bạn tình. Phiên chợ tình đầu tiên của tháng Valentine nơi cực bắc ấy bắt đầu và thứ Bảy tuần thứ 2 của tháng 3 âm lịch, ở Du Già (huyện Yên Minh, Hà Giang)...
Những khắc khoải xuyên qua lệ bảnĐêm thứ Sáu của tuần thứ 2 tháng 3 âm lịch năm 2013, chúng tôi có mặt ở phiên chợ tình đầu tiên trong chuỗi chợ tình vùng rừng đá. Trong cái đêm thật dài, ngồi lặng bên chén rượu của những người đàn ông đến chợ tình Du Già chờ mặt trời lên để gặp bạn, ông lão Phàn Văn Phúc là một trong số những người đàn ông ấy. Ông lão Phúc hom hem dù mới 50 tuổi, có gần… 40 năm chờ bạn ở phiên chợ tình Du Già.
Ông người Tày, bạn gái ông người Mông, thích nhau từ tuổi 13, rồi… tất nhiên cô ấy bị kéo về làm vợ theo tập tục người Mông. Không chịu nổi nỗi đau, chàng trai trẻ người Tày đi vùng đất khác để sống, nhưng năm nào cũng vậy, ông Phúc trở lại vào ngày chợ tình Du Già để gặp người xưa. Trong “rủi ro” của một lần gặp gỡ, lão có thêm một người con gái, nhưng cô con gái ấy không bao giờ là con của lão cả.
Cô hoàn toàn thuộc về cộng đồng người Mông trong gia đình của mẹ cô. Cũng như mẹ, cả năm có một lần, cô được cùng mẹ đi gặp người đàn ông người Tày. Năm nay, cô gái ấy đã có chồng, “không biết nó có đi được phiên chợ này không”, ông Phúc băn khoăn vừa vuốt ve đồng tiền 500 ngàn, đồng tiền mà chắc lão không dễ dàng gì để dành được mừng cho “con gái của bạn tình”.
Điệu khèn cho riêng nhau trong phiên chợ tình Khâu Vai.
Câu chuyện như nhắc lại chuyện tình “kinh điển” ở Khâu Vai cũng thuộc về hai dân tộc, chàng trai người Nùng và cô gái người Giáy. Họ phải chia tay để bảo vệ sự bình yên giữa hai cộng đồng, để rồi năm nào cũng gặp lại nhau một lần ở nơi chia tay – Khâu Vai, để hát cho nhau nghe, kể với nhau chuyện đời trong suốt một năm xa nhau. Cuối cuộc đời, họ lại đến với nhau, bên hòn đá thề năm xưa.
Phiên chợ cuối tháng
Hỏi ông: “Chồng cô ấy có biết không”- ông Phúc trả lời không ngần ngại: “Nó biết chứ, nhưng ở chợ tình tao được gặp vợ nó, nó không cấm được”.
|
Nếu như các phiên chợ tình rơi vào đầu và giữa tháng 3 như Du Già, Khâu Vai, Sơn Vĩ, Lũng Pù… phần lớn thuộc về lưu vực sông Nho Quế, thì phiên chợ cuối lại thuộc về sông Gâm của huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng). Chợ tình phiên cuối họp ngày 30.3 âm lịch, là một chuỗi Háng Toán (chợ Hội - theo tiếng Tày) từ Bảo Lâm đến tận xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc gần huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) với tâm điểm là chợ phiên ở thị trấn Bảo Lạc. Háng Toán năm hai phiên có nhiều khác biệt so với các phiên chợ tình ở vùng đất bạn.
Chuyện gặp gỡ của những cuộc tình dang dở có nhưng không phải là chính. Gặp Tẩn Thị Lán 30 tuổi, người dân tộc Sán Chỉ ở Cốc Pàng (Bảo Lạc), hỏi cô: Chồng đâu? Cô cười má đỏ hồng, mắt nhìn thẳng dạn dĩ: “Nó đi chơi uống rượu với bạn rồi, mình không đi cùng được, nó còn trêu con gái”. Đến chợ, vợ chồng cô chia đôi tiền, chia đôi đường. Chồng sà ngay vào cuộc rượu cùng cánh đàn ông mọi lứa tuổi, rồi câu chuyện cuối cùng cũng xoay sang bàn cách “ghẹo gái”, nhất là tư vấn cho cánh trẻ cách… hạ mục tiêu.
Lán, với một nửa số tiền, vào chợ mua quà cho tất cả mọi người trong nhà, rồi cũng sà vào quán rượu khác với các chị em “uống cho hồng má lên, cho mấy đứa trẻ không sợ bọn con trai nữa, tí còn hát… cho chúng nó ghẹo”. Trong bọn “chúng nó” có thể có cả chồng cô.
Ở Háng Toán trai gái chia phe đứng đôi bờ sông Gâm hát ghẹo nhau. Những lá thư chép thơ tình được viết thật đẹp từ trước trên giấy có vẽ hoa văn, con gái tặng lại đồ thêu, khăn, áo… rồi lại mời nhau uống rượu. Cứ thế rồi… chia đoàn để đưa nhau về.
Ghi chép của Xuân Trường (Ghi chép của Xuân Trường)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.