Nhiều lao động thoát nghèo
|
Ông Vàng Sò Củi và bà Sin Thị Dấn (trái) kể chuyện con trai đi XKLĐ ở Nhật Bản với đoàn công tác của Cục Quản lý lao động ngoài nước. |
Nhà ông Vàng Dò Củi và bà Sin Thị Dấn ở thôn Cốc Chứ, xã Nấm Lư (Mường Khương, Lào Cai) chỉ cách trục đường liên huyện chưa đầy 1km nhưng vào mùa mưa, con đường nhầy nhụa, phóng viên cùng đoàn công tác của Cục Quản lý lao động ngoài nước phải mất gần 1 giờ mới vào tới nơi.
Bà Dấn cho biết: “Con trai tôi là Vàng Văn Ngan nhờ hỗ trợ từ chính sách XKLĐ của Nhà nước đã sang Nhật được 10 tháng. Ngan vẫn thường xuyên gọi điện về và cho biết lương 3 tháng đầu là 18 triệu đồng/tháng, hiện đã tăng lên 24 triệu đồng/tháng. Tuy chi phí bên đó đắt đỏ, nhưng nó đã gửi về cho tôi 50 triệu rồi” - bà Dấn cho biết.
Cùng ở địa bàn xã Nấm Lư, con gái ông Nguyễn Văn Quý (dân tộc Nùng) là Nguyễn Thị Nhì đã đi xuất khẩu lao động ở Malaysia từ năm 2010. “Nó gửi tiền về cho tôi đủ xây cái quán bán phở và làm chiếc bể lọc nước sạch để sinh hoạt hàng ngày"- ông Quý nói.
Lúc đầu, khi nghe con gái bảo đi XKLĐ ông cũng thấy lo lắm, nhưng nếu ở quê sẽ rất khó khăn bởi làm nông nghiệp thì thiếu nước tưới, làm việc khác thì phải đi xa. "Dù đi Malaysia lương không cao như Nhật Bản, nhưng vẫn hiệu quả hơn làm ruộng và làm công nhân” - ông Quý cho biết.
Ông Vương Quốc Quân – Trưởng phòng Lao động huyện Mường Khương cho biết: Sau 2 năm triển khai Quyết định 71, huyện đã có 106 người đi XKLĐ sang 2 thị trường chính là Libya và Malaysia. Nếu không có sự cố ở Lybia khiến 47 người về nước và nhiều người chuẩn bị đi phải dừng lại thì con số còn lớn hơn rất nhiều.
Đối với huyện nghèo Mường Khương, chương trình XKLĐ có ý nghĩa rất lớn, người lao động đi xuất khẩu không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình và địa phương, mà còn làm thay đổi nhận thức, có nghề nghiệp ổn định, khi về nước sẽ góp phần xây dựng quê hương.
"Hiện tại, số người đi XKLĐ gửi tiền về chúng tôi đều có thống kê và hướng dẫn người nhà sử dụng vốn có hiệu quả, có người xây nhà, người mua đất, người gửi ngân hàng, có người giúp họ hàng làm ăn, học hành…"- ông Quân nói.
Để chính người lao động tuyên truyền
Sau 2 năm triển khai Quyết định 71, hiện có nhiều địa bàn đã thực hiện rất tốt, đưa được hàng nghìn người đi XKLĐ, góp phần xoá đói giảm nghèo tại địa phương. Qua khảo sát tại một số tỉnh cho thấy, Lào Cai là địa phương có nhiều cách làm tốt cần tiếp tục phát huy.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH).Theo ông Trịnh Quang Trinh – Giám đốc Sở LĐTBXH Lào Cai, chỉ sau 2 năm triển khai Quyết định 71, tại 3 huyện nghèo là Bắc Hà, Si Ma Cai và Mường Khương đã có 222 người đi XKLĐ.
Ở các huyện nghèo, nhiều người chưa từng ra khỏi “lũy tre làng” thì để có quyết định “đi” ngay là rất khó. Vì thế, nhiều lao động đăng ký rồi lại xin rút, thậm chí có người học xong ngoại ngữ vẫn bỏ, gây lãng phí nguồn lực hỗ trợ và làm cho các lao động còn lại hoang mang.
Ông Hoàng Đức Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Nấm Lư, xã có nhiều người đi XKLĐ, chia sẻ: Địa bàn miền núi đi lại khó khăn trong khi nhận thức của người dân còn hạn chế nên khi tuyên truyền vận động triển khai Quyết định 71 ở cơ sở, chúng tôi phải “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, giải thích cho họ hiểu quyền, lợi ích được hưởng từ chính sách thì họ mới tham gia.
Kết quả XKLĐ mà Lào Cai đạt được là có sự tích cực phối hợp của các ban ngành và chính quyền địa phương. Ông Trịnh Quang Trinh khẳng định, nếu tuyên truyền viên cơ sở đưa được 1 lao động đi nước ngoài, tỉnh sẽ trích 40.000 đồng từ nguồn kinh phí của đề án để thưởng cho cán bộ tuyên truyền...
Tuy nhiên, ông Trinh thừa nhận, ngoài sự tích cực của cấp tỉnh, huyện thì cấp xã ở Lào Cai vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển được đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở, trong khi mấu chốt đem lại hiệu quả nhất là đội ngũ này.
Theo Sở LĐTBXH Lào Cai, mục tiêu phấn đấu XKLĐ ở 3 huyện nghèo của tỉnh năm 2011 là đưa 300 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo phản ánh của các huyện nghèo, do địa hình phức tạp gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, phần lớn lao động có trình độ văn hoá thấp, chưa đáp ứng được thị trường lao động có yêu cầu cao như Nhật Bản, Hàn Quốc; thời gian chờ xuất cảnh lâu và sự cố ở Libya đã ảnh hưởng tới tâm lý người lao động…
Để đẩy mạnh chương trình XKLĐ tại các huyện nghèo, Sở LĐTBXH Lào Cai đề xuất Bộ LĐTBXH cần lựa chọn những doanh nghiệp có năng lực và uy tín trong công tác XKLĐ, đơn giản hoá thủ tục vay vốn hỗ trợ lao động tham gia XKLĐ; mở rộng thị trường lao động, đối tượng hỗ trợ; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền giúp lao động huyện nghèo hiểu hơn về chính sách XKLĐ…
Năm 2011, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ và các địa phương có huyện nghèo đưa 7.000-8.000 lao động thuộc 62 huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo Quyết định 71. Lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức. Ngoài ra còn được hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền trang cấp đồ dùng cá nhân, tiền tàu xe và được hỗ trợ chi phí làm thủ tục trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.