Ngao chết trắng đầm
Nhận được thông tin người dân phản ánh tình trạng ngao nuôi của bà con bỗng dưng chết hàng loạt, phóng viên Dân Việt đã cùng người dân lội xuống đồng ngao trong những ngày áp Tết.
|
Ngao chết trắng đầm ở xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc |
Tại khu nuôi ngao của gia đình anh Phạm Văn Cương, thôn Đa Phạn, xã Hải Lộc (Hậu Lộc), tận mắt chứng kiến cảnh ngao chết nổi trắng đầm, mới biết người nuôi ngao đang lo lắng, hoang mang thật sự. Theo anh Cương, gia đình anh nuôi ngao đã có “thâm niên” trong làng.
Vụ ngao năm nay, anh Cương đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để mua ngao giống về nuôi thả. Với diện tích 1 ha đầm, gia đình anh Cương đã dồn hết vốn liếng và vay ngân hàng để có tiền đầu tư nuôi ngao. Thế nhưng, khi chuẩn bị thu hoạch ngao thương phẩm để bán ra thị trường vào dịp tết, thì bỗng dưng ngao chết nổi trắng mặt cát.
Nhìn những đống vỏ ngao chết, anh Cương buồn rầu tâm sự: “Năm nay, chúng tôi không thể ngờ rằng ngao lại chết vào dịp này. Vì theo kinh nghiệm của bà con nuôi ngao, những năm trước ngao chết chỉ xảy ra vào dịp từ tháng 3 âm tịch trở đi thôi. Thế nhưng, năm nay vào thời điểm áp tết, lại xuất hiện tình trạng ngao chết hàng loạt, nên bà con trong làng, trong xã đang rất lo lắng. Năm nay coi như người nuôi ngao mất tết rồi các bác ạ”.
Ông Nguyễn Đình Thuân, thôn Minh Đức, xã Minh Lộc, cho biết: “Gia đình tôi nuôi hơn 1 ha ngao, nhưng hiện nay ngao đã chết gần quá nửa. Tình trạng ngao chết ngày càng lan rộng, chúng tôi không biết phải làm gì và cũng không biết được nguyên nhân vì sao cả.
Oái oăm hơn, đã hơn chục ngày nay, mỗi ngày nhà tôi và các nhà khác còn phải thuê hơn chục lao động xuống nhặt vỏ ngao chết để đi đổ. Mà công lao động bây giờ đắt lắm, mỗi người đi nhặt vỏ ngao chết, chúng tôi phải trả 100.000 đồng/ngày công. Vì thế, chi phí trong mỗi ngày nhà tôi phải bỏ ra tiền triệu để thuê lao động”.
Chưa rõ nguyên nhân
Trao đổi với Dân Việt về tình trạng ngao chết hàng loạt, ông Nguyễn Ngọc Toản - Phó phòng Nông nghiệp huyện Hậu Lộc, cho biết: “Vừa rồi, người dân vùng nuôi ngao cũng đã có đơn gửi lên huyện. Chúng tôi cũng đã về kiểm tra. Tuy nhiên, tỷ lệ ngao chết chỉ nằm ở mức khoảng 20% thôi. Chúng tôi đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm, nhưng hiện nay chưa có kết quả. Còn nguyên nhân vì sao ngao chết thì chưa thể biết được”.
|
Người nuôi ngao đang nhặt ngao chết để đi đổ |
Trái ngược với lời khẳng định của ông Toản, khi chúng tôi lội xuống đầm ngao của bà con ở xã Hải Lộc và Minh Lộc, thì thấy mức độ ngao chỉ không phải chỉ ở mức khoảng 20%, mà thực tế có những đầm hiện nay ngao đã chết gần quá nửa.
Ông Phạm Văn Hải, ở xã Ngư Lộc lên xã Hải Lộc thầu lại diện tích đầm ngao của gia đình ông Nguyễn Văn Cưỡng, thôn Tân Lộc, xã Hải Lộc, cho hay: “Gia đình tôi nuôi 2 ha ngao, nhưng hiện nay ngao chết đã gần quá nửa rồi.
Để có vốn nuôi ngao, tôi phải cầm cố cả nhà để vay vốn ngân hàng. Bỏ ra 900 triệu đồng bạc, chưa thu về được đồng nào, thì ngao chết trắng bãi. Chúng tôi rất hoang mang vì tình trạng ngao chết ngày càng nhiều. Hiện nay, chúng tôi chỉ mong nhà nước và ngân hàng tạo điều kiện tiếp tục cho bà con vay vốn để phục hồi thiệt hại của vụ ngao này, nếu không bà con nuôi ngao ở vùng này chẳng có cách gì xoay sở”- ông Hải nói.
Ông Vũ Huy Đăng - Chủ tịch UBND xã Minh Lộc cho biết, toàn xã hiện nay có 68 ha ngao. Kết luận về nguyên nhân ngao chết thì chưa có, nhưng theo kinh nghiệm của ông Đăng, thì có thể do nguồn nước hoặc nguồn tảo độc gây nên.
“Tỷ lệ ngao chết của nhiều hộ dân ở địa phương chúng tôi đã lên tới hơn 30%, có nhiều hộ đã mất tới hơn 50% rồi. Chúng tôi đã báo cáo lên huyện về tình trạng ngao chết. Tới đây, chúng tôi cũng sẽ có đề nghị Nhà nước và ngân hàng tạo điều kiện giãn nợ và tiếp tục cho người dân vay vốn để tạo điều kiện cho bà con sản xuất”- ông Đăng cho biết.
Thế Lượng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.