Thanh Hóa: Bí ẩn hang Mái Đá Điều và tổ mối linh thiêng
Bí ẩn với 300 hiện vật này cùng 10 mộ cổ ở hang Mái Đá Điều Thanh Hóa
Vũ Thượng
Thứ năm, ngày 15/12/2022 07:16 AM (GMT+7)
Di tích khảo cổ Mái Đá Điều và tổ mối cao gần bằng mái đá ở thôn Khiêng (xã Hạ Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) là những câu chuyện linh thiêng, kỳ bí… khiến nhiều người tò mò tìm đến đây khám phá.
Hang Mái Đá Điều Thanh Hóa: Phát hiện hơn 300 hiện vật thuộc thời đại đồ đá cũ
Di tích khảo cổ Mái Đá Điều nằm ngay cạnh đường tỉnh 523D qua địa bàn thôn Khiêng (xã Hạ Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), hiện được các cấp chính quyền đầu tư xây dựng tường bao quanh, cửa sắt ra vào di tích được khóa rất cẩn thận, tránh việc người và súc vật vào làm biến dạng, phá vỡ cảnh quan môi trường khu di tích.
Clip: Di tích khảo cổ Mái Đá Điều và tổ mối linh thiêng ở Thanh Hóa
Mái Đá Điều đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích khảo cổ học vào năm 2005. Ðây là một di tích được phát hiện năm 1984 chỉ trong 4m2 hố thám sát đã thu được hơn 300 hiện vật thuộc thời đại đồ đá.
Trong các năm từ 1986-1989, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã hợp tác với các nhà khảo cổ học Bulgaria tiến hành khai quật 3 lần. Kết quả thu được hàng ngàn hiện vật đá gồm công cụ kiểu văn hoá Sơn Vi, bàn nghiền...
Đặc biệt, quá trình khai quật kết còn quả thu được nhiều hiện vật khác bằng đá như: Mảnh tước đã tu chỉnh, rìu ngắn, công cụ 1/4 viên cuội được xác định là công cụ của "chủ nhân" văn hóa Sơn Vi muộn, kéo dài đến văn hóa Hòa Bình.
Ngoài ra, tại đây đã tìm thấy 10 mộ cổ, trong đó, có một mộ song táng, có hai bộ xương chớm hóa thạch còn tương đối nguyên vẹn. Trong hang có những thạch nhũ đẹp, như có bàn tay khéo léo sắp đặt của tạo hóa, làm nên vẻ đẹp lộng lẫy, thu hút khách tham quan khi đến nơi đây.
Hang Mái Đá Điều và tổ mối linh thiêng ở Thanh Hóa
Ngay trước cửa hang thuộc di tích khảo cổ học Mái Đá Điều là một tổ mối khổng lồ án ngữ. Từ khi bản làng được thành lập thì tổ mối đã có rồi, nên các cụ cao niên quan niệm, đây chính là biểu tượng tâm linh giữa con người và vạn vật, thể hiện sức mạnh cộng đồng giữa chốn rừng sâu.
Bà Bùi Thị Kiên (thôn Khiêng, xã Hạ Trung) quan niệm: "Sự đông đúc của tổ mối sẽ đem lại bình yên, no ấm cho bà con dân bản nên không ai dám phá vỡ sự yên ổn của đàn mối này. Kể cả trước kia các đoàn khảo cổ học nước ngoài đến khi khai quật di tích Mái Đá Điều cũng tránh đụng chạm đến tổ mối, khiến câu chuyện về tổ mối càng linh thiêng, kỳ bí…".
Cũng theo các cụ cao niên ở trong bản, tổ mối này được hình thành từ xác một con voi khổng lồ. Chính vì tổ mối thiêng cùng khu rừng vắng nên dân bản còn cho rằng trong Mái Đá Điều có chôn cất bộ tộc người lạ. Cùng thời gian đó, ở phía Tây Thanh Hóa, người ta còn tìm thấy rất nhiều hang chứa quan tài, có cả xương người chết cách đó hàng nghìn năm.
Được biết, hằng năm cứ vào ngày 15 tháng Giêng (âm lịch), dân bản mở hội, dâng hương tế thần núi. Ngoài việc tế lễ trời đất, người dân còn mời thầy mo đến cúng mừng lúa mới.
Trong ngày cúng tế, lúa non được gặt về phơi khô. Khi làm lễ, thầy cúng để cả bó hoặc đồ thành xôi, do tập quán trồng lúa đã có từ xưa nên phong tục này là một nét đẹp mang tính tâm linh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.