Thanh Hóa: Bỏ nghề "thổi bễ" về nuôi con "siêu đẻ" bán đắt tiền

Vũ Thượng Thứ hai, ngày 02/12/2019 06:30 AM (GMT+7)
Từng làm nghề đúc đồng mà mọi người gọi vui là nghề "thổi bễ" hơn 40 năm, ông Vũ Đình Trường đã chuyển sang thầu 5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) để nuôi ốc nhồi. Loài ốc được ví như con siêu đẻ này bước đầu đang cho gia đình ông Trường thu nhập tương đối ổn định.
Bình luận 0

Chỉ tay về phía các ao nuôi ốc nhồi được quây quanh bằng bức tường tôn cao hơn 1m, ông Vũ Đình Trường, trú tại thôn 5, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa kể với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN về chuyện khởi nghiệp nuôi loài ốc siêu đẻ, bán đắt tiền này.

img

Ông Trường đưa phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, đi thăm mô hình nuôi ốc nhồi. Ảnh: Vũ Thượng

"Trước kia tôi từng làm nghề đúc đồng, "thổi bễ", ngày nào cũng tiếp xúc với khói lửa, tiếng ồn, bụi bặm...khiến đôi bàn tay, khuôn mặt luôn chai sần, thô ráp. Tình cờ một lần đi tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp, tôi ấn tượng với loài ốc nhồi. Nói ốc nhồi là "con siêu đẻ" bởi một năm 1 con ốc mẹ đẻ 5-6 ổ trứng, nuôi vừa nhàn mà lại cho hiệu quả kinh tế cao. Tôi quyết bàn với vợ, làm hồ sơ xin chuyển đổi diện tích 5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi ốc nhồi...".

img

Ông Trường dùng vợt bắt ốc nhồi trong ao. Ảnh: Vũ Thượng

Được sự chấp thuận của địa phương, đầu năm 2018, ông Trường đã vay tiền từ người thân, bạn bè để thuê máy múc vực hơn 3.000 m2 đất ruộng thành ao và thả 20.000 con ốc nhồi  giống với giá mua giống là 500 đồng/con. Xung quanh ao ốc nhồi được được ông Trường xây dựng bức tường tôn cao hơn 1m.

img

Ốc nhồi giống mua 500 đồng/con. Ảnh: Vũ Thượng

Theo Vũ Đình Trường, nuôi con ốc nhồi rất nhàn, thức ăn kiếm đơn giản mà không cần phải bỏ tiền mua như: Bèo tấm, bèo tây, cám, rau cỏ các loại...Ốc nhồi  ăn lớn nhanh, đẻ trứng nhiều, lợi nhuận cao lại không mất nhiều công chăm sóc. Việc xây bức tường tôn quanh ao nhằm không cho con chuột, rắn...từ bên ngoài "xâm nhập" vào trong ăn trứng ốc và ốc non, đồng thời dùng để chắn gió, giữ nhiệt độ cho ao ốc phát triển tốt nhất về mùa đông.

img

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Trường cho hay, thức ăn cho ốc nhồi rất đa dạng, rất dễ kiếm, đó là bèo tấm, bèo tây, các loại lá, cỏ, cám ngô, cám gạo..."Ốc nhồi rất thích ăn xơ mít, mà xơ mít bây giờ dễ kiếm lắm bởi quanh năm có mít bán...", ông Trường tiết lộ. Ảnh: Vũ Thượng

Nói về kỹ thuật nuôi ốc nhồi, ông Trường chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN như sau: "Ốc nhồi sống tốt, phát triển và sinh sản ở nhiệt độ khoảng từ 20-32 độ C. Vì vậy ở miền Bắc, thường bắt đầu nuôi ốc nhồi từ tháng 4-12. Vào mùa Đông ốc nhồi sẽ dừng ăn và tìm nơi trú ẩn. Đặc biệt nếu sương muối hoặc nước giá buốt mà không có giải pháp chống rét hiệu quả sẽ làm ốc nhồi chết. Mật độ thả nuôi ốc nhồi tốt nhất cứ 1m2 thì thả khoảng 100 con ốc nhồi là đạt chuẩn".

img

Theo ông Trường, thả bèo tây (lục bình) trên các mặt ao nuôi ốc nhồi nhằm giữ nhiệt độ ấm vào mùa đông, tạo mát về mùa hè, và là điểm cho ốc bám. Ảnh: Vũ Thượng

"Để có một ao nuôi ốc nhồi lý tưởng, trước tiên phải hút cạn nước, khử tạp chất, vi khuẩn, các loại thiên địch như rắn, cá chuối (cá quả, cá lóc)...bằng vôi bột, phơi nắng khoảng 20 ngày. Sau đó cho phân chuồng, phân lân xuống nhằm mục đích tạo mùn, tạo màu cho ao nuôi cốc nhồi. Khi lấy nước, phải chọn nước sạch không ô nhiễm, không cho các thiên địch như: cá, cua, ốc bưu vàng...vào ao nuôi", ông Vũ Đình Trường chia sẻ thêm về kinh nghiệm nuôi ốc nhồi.

img

Trước khi thả ốc giống xuống cần tháo cạn nước, xử lý ao nuôi. Ảnh: Vũ Thượng

Theo ông Trường, thông thường ốc nhồi hay mắc các bệnh như: sưng vòi, nhiễm ký sinh trùng, rêu xanh bám vào thân...Phải thường xuyên kiểm tra ao nuôi ốc nhồi, và phòng tránh kịp thời gồm giảm thức ăn của ốc, thay nước, dùng vôi bột để xử lý ao nuôi...

img

Sau khi ốc nhồi đẻ trứng cần gom lại đưa lên bể tiến hành ấp cho nở ra con non. Ảnh: Vũ Thượng

"Ốc nhồi giống sau khi nuôi sau 12 tháng là cho sinh sản. Ốc nhồi mẹ đẻ trứng từ tháng 2-8 âm lịch. Một con ốc nhồi mẹ đẻ từ 5-6 ổ trứng/năm, thời gian ấp trứng từ 20-25 ngày. Khi ấp trứng ốc nhồi phải thường xuyên quan sát và luôn giữ cho trứng khô. Ốc nhồi đẻ trứng dưới ao dễ bị phân tán, không thu gom được, bị chuột, rắn ăn và tỷ lệ nở thành con sẽ thấp. Nên cho vào bể nhỏ, dễ quản lý, thu gom dễ dàng, đặc biệt là cho trứng vào ấp, đảm bảo độ ấm, tỷ lệ nở thành con sẽ cao hơn", ông Trường chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc nhồi, kỹ thuật nuôi ốc nhồi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

img

Ông Trường cho biết, ốc nhồi thương phẩm hiện bán giá từ 80.000-100.000 đồng/kg. Hiện nay, ốc nhồi ngoài tự nhiên nhiều nơi đã không còn, "mất tích", nên giá ốc nhồi nuôi ổn định ở mức khá cao và thường ở trong tình trạng cung không đủ cầu, nuôi không kịp để bán. Ảnh: Vũ Thượng

Sau gần 1 năm NUÔI ỐC NHỒI, ông Trường đã nhân giống được 30.000 con ốc nhồi. Đối với ốc nhồi thương phẩm hiện gia đình đang bán giá từ 80.000-100.000 đồng/kg, trừ chi phí cũng lãi hơn 100 triệu đồng.

Ốc nhồi là con đặc sản, có thể nấu được rất nhiều món ăn ngon khác nhau nên đây là loại vật nuôi khá triển vọng và cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài việc đầu ra ổn định so với các loại vật nuôi khác thì nuôi ốc nhồi chi phí đầu tư thấp, không mất nhiều tiền mua thức ăn nên rất phù hợp với nuôi nhỏ lẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Đỗ Đức Thanh-Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung cho hay: "Sau khi nhận được hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của gia đình ông Trường, chúng tôi đã trình lên cấp trên, và nhận thấy đây là mô đầu tiên, là hướng đi mới của địa phương để phát triển kinh tế, nên chúng tôi rất ủng hộ. Bước đầu mô hình nuôi ốc nhồi đã có thu nhập, hướng tới gia đình đang có ý định xin thầu thêm một số diện tích quanh bên để mở rộng, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem