Thanh Hóa: Khổ vì đàn dê dự án

Thứ ba, ngày 19/11/2013 06:55 AM (GMT+7)
Những chuyện cười ra nước mắt xung quanh dự án hỗ trợ dê sinh sản theo Chương trình 30a tại xã Xuân Bình, huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa).
Bình luận 0
Cấp cả... dê đực

Thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn theo Chương trình 30a, trong năm 2013, xã Xuân Bình được Nhà nước hỗ trợ dự án dê sinh sản. Theo đó, mỗi hộ nghèo được hưởng 3 triệu đồng để mua dê sinh sản.

Gia đình anh Ngô Văn Hương (thôn 4, xã Xuân Bình) được cấp  dê sinh sản là 2 dê đực.
Gia đình anh Ngô Văn Hương (thôn 4, xã Xuân Bình) được cấp dê sinh sản là 2 dê đực.

Ông Hà Xuân Tình (60 tuổi), ở thôn 7, xã Xuân Bình, phản ánh: “Không biết chủ đầu tư làm ăn thế nào, dê dự án cấp nhiều con bị ốm, còi cọc, thậm chí có con khi mang về được vài ngày là bị chết. Còn giá dê, theo chủ đầu tư (UBND xã) thông báo là 170.000 đồng/kg dê giống, trong khi đó chúng tôi mua ở ngoài chỉ có 120.000 đồng/kg.

Khi chúng tôi không đồng tình, thì chủ đầu tư hạ xuống 145.000 đồng/kg, nhưng bà con phải tự đi vào tận xã Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An (cách 50km) để bắt dê về. Chúng tôi đi nhận dê theo dự án của Nhà nước hỗ trợ, nhưng không có cán bộ xã, cán bộ thú y, hay cán bộ phòng dịch đi cùng, nên khi vào bắt dê bà con phải chịu nhiều o ép của chủ trang trại”.

Cũng theo phản ánh của bà con, khi đi nhận dê, mỗi gia đình phải phụ thêm từ 400.000 đồng trở lên, thậm chí có nhà phụ hơn 1 triệu đồng. Bởi lẽ, với giá 170.000 đồng/kg, quy đổi số tiền 3 triệu đồng, thì mỗi hộ được nhận gần 18kg dê giống.

Thế nhưng, khi đi nhận dê thì chủ đầu tư và phía cung ứng dê yêu cầu mỗi gia đình phải bỏ thêm tiền để mua cho đủ mức từ 20-25kg dê giống, vì vậy bà con phải bỏ thêm tiền mới được cấp dê. Có trường hợp như gia đình anh Ngô Văn Hương (thôn 4), đi nhận dê sinh sản, thì lại được họ cấp cho 2 con dê đực, mang về đến nhà nuôi được vài ngày, một con lăn ra chết...

Không có việc dê kém chất lượng (?!)

Trao đổi với NTNN, ông Hà Văn Thi - Chủ tịch UBND xã Xuân Bình cho biết: Năm 2013, xã Xuân Bình được Nhà nước hỗ trợ dự án nuôi dê sinh sản theo Chương trình 30a, với số lượng 179 hộ dân được thụ hưởng dự án. Xã triển khai dự án này tại 8 thôn của xã, vì đây là những thôn có ít ruộng để sản xuất lúa nước.

“Khi triển khai dự án này, chúng tôi đã tiến hành họp dân và thông báo đến tất cả mọi người về chính sách, cũng như những cam kết khi nhận dê về nuôi. Nếu hộ nào nhận dê dự án về nuôi mà bị chết, thì phải báo cáo lên xã để lập biên bản, tìm nguyên nhân vì sao dê chết. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi chưa nhận được phản ánh gì của bà con. Còn người dân phản ánh là nhận dê kém chất lượng là không chính xác”- ông Thi nói.

Có trường hợp như gia đình anh Ngô Văn Hương (thôn 4), đi nhận dê sinh sản, thì lại được họ cấp cho 2 con dê đực, mang về đến nhà nuôi được vài ngày, một con lăn ra chết...

Về vấn đề giá dê quá cao so với thị trường mà bà con phản ánh, ông Thi cho rằng, với mức giá 170.000 đồng/kg là hoàn toàn đúng, không cao hơn giá thị trường, vì xã phải bắt dê đưa về cho bà con, nên có rất nhiều thủ tục trong khi vận chuyển.

“Có một số hộ dân không đồng ý với giá 170.000 đồng/kg, nên chúng tôi đã để cho bà con tự đi vào nơi cung ứng để bắt dê về, với giá 145.000 đồng/kg. UBND xã chỉ làm khâu trung gian giữa người mua và đơn vị cung ứng dê”- ông Thi cho hay.

Khi được hỏi về vấn đề kiểm dịch đàn dê dự án, ông Thi khẳng định: “Chúng tôi chỉ giới thiệu những đơn vị cung ứng dê cho bà con. Còn vấn đề kiểm dịch, thì đã được cơ quan kiểm dịch của địa phương nơi cung cấp dê kiểm duyệt. Vì thế, khi bà con đi nhận dê, thì UBND xã không trực tiếp cùng đi”- ông Thi khẳng định.

Trước những bức xúc của bà con, rất cần các ngành chức năng có liên quan ở huyện Như Xuân kiểm tra để chính sách ưu đãi của Nhà nước thực sự mang lại hiệu quả và niềm tin cho nhân dân.
Hồng Đức (Hồng Đức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem