Thanh Hóa: Nuôi loài vịt đẹp mã trước dùng tiến vua, trai núi rừng kiếm bộn tiền

Hữu Dụng - Khôi Nguyên Thứ tư, ngày 10/06/2020 06:35 AM (GMT+7)
Đưa vịt Cổ Lũng-1 giống vịt bản địa quý hiếm trước dùng để “tiến vua” xuống dòng suối mát trong để nuôi, mỗi năm Lục Văn Nam (Sn 1985, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) đút túi vài trăm triệu đồng.
Bình luận 0

Đến bản Khuyn, hỏi thăm "Nam vịt" thì ai cũng biết. Lục Văn Nam là một trong những gương sáng điển hình về làm kinh tế ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước. Sinh ra ở vùng quê nghèo vùng cao xứ Thanh, Nam  may mắn hơn đám bạn cùng trang lứa, học hết cấp 3, anh thi đậu vào trường Cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa.

Hơn 30 tuổi chưa lấy vợ, chàng trai trẻ kiếm bộn tiền nhờ "ăn ngủ" cùng vịt dưới suối - Ảnh 1.

Lục Văn Nam (bản Khuyn, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) thành công nhờ mô hình nuôi giống vịt Cổ Lũng dưới suối.

 Năm 2012, sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa, thay vì làm cho những công ty, trang trại lớn, Nam quyết định khởi nghiệp ngay chính trên quê hương mình.

 Vốn là vùng đất xưa nay "nức tiếng" với món vịt Cổ Lũng thơm ngon, đặc sản một thời "tiến vua", người dân vùng đồng bào thiểu số nơi đây gần như nhà ai cũng nuôi giống vịt quý hiếm này.

Nhận thấy đây là một lợi thế, tận dụng bờ suối Khanh trước nhà, Nam mạnh dạn thay đổi cách nuôi vịt theo hướng mới. Anh quyết định dựng lều nuôi thả hàng trăm con vịt Cổ Lũng bên dưới suối. Nói là làm, xuất phát điểm với 40 triệu đồng vay mượn từ người thân, anh bắt đầu cơ nghiệp nuôi vịt "tiến vua".

Hơn 30 tuổi chưa lấy vợ, chàng trai trẻ kiếm bộn tiền nhờ "ăn ngủ" cùng vịt dưới suối - Ảnh 2.

Chàng trai 8X Lục Văn Nam đang chăm sóc đàn vịt đặc sản Cổ Lũng nuôi bên dòng suối...

Để tìm vịt giống Cổ Lũng thuần chủng, Nam đi khắp các bản làng xa xôi để tìm, chọn rồi mua những con vịt tốt nhất về để làm giống. Sau khi có vịt giống, Nam dựng lều trại ngay bên bờ suối, tối ngày "ăn ngủ" cùng đàn vịt quý để chăm sóc và theo dõi. 

Những ngày đầu, thấy Nam dựng lán rồi ra bờ suối nằm trông lũ vịt khiến nhiều người rèm pha nói Nam là "gã khùng". Thế nhưng, lứa vịt đầu tay của Nam lớn nhanh như thổi, đẻ trứng đều đặn khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Từ 50 con vịt Cổ Lũng dòng bố mẹ, sau nhiều năm phát triển, hiện Nam sở hữu cho riêng mình một đàn vịt đặc sản hơn 1.000 con. Mỗi ngày, vịt mái tại trang trại đẻ đều đặn. Trứng vịt Cổ Lũng nuôi ở suối quả to, đều nên dễ bán hơn nhiều so với trứng vịt thông thường.

Hơn 30 tuổi chưa lấy vợ, chàng trai trẻ kiếm bộn tiền nhờ "ăn ngủ" cùng vịt dưới suối - Ảnh 3.

Với nhiều ưu điểm , vịt đặc sản Cổ Lũng của vùng cao Bá Thước có mã đẹp, nhất là con vịt trống, chất lượng thịt, chất lượng trứng thơm ngon.

 "Ở đây, vịt Cổ Lũng gần như ai cũng biết, nhưng cách nuôi thì lại với vịt thường . Ưu điểm của vịt Cổ Lũng là giống vịt này ưa sạch sẽ, sức đề kháng cao. Nếu nuôi theo kiểu chăn thả tự nhiên trên ruộng bậc thang, nuôi ở sông suối thì tốc độ sinh trưởng của nó khá tốt. Trước nhà có bờ suối, đây là mấu chốt quan trọng để vịt được tự do bơi lội, nước suối mát, có thêm nguồn thức ăn tự nhiên tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho vịt lớn nhanh". Nam chia sẻ.

Chàng trai kiếm bộn tiền nhờ "ăn ngủ" cùng vịt dưới suối - Ảnh 4.

Để giống vịt Cổ Lũng có thịt thơm ngon hơn Nam thường cho vịt ăn ngô, lúa...

Thành công từ việc nhân giống được vịt Cổ Lũng, Nam mạnh dạn thay đổi tư duy về cách làm kinh tế. Những năm qua, ngành du lịch ở huyện Bá Thước đang phát triển nhiều với khu du lịch Pù Luông, Nam nuôi nhiều vịt Cổ Lũng để cung cấp cho các nhà hàng, Homestay. 

Tính đến nay, mỗi ngày tại gia đình anh xuất bán đi các nhà hàng, khu du lịch từ 20 – 30 con vịt Cổ Lũng. Với giá bán mỗi con vịt Cổ Lũng là 90.000 đồng, trừ chi phí anh cũng kiếm lời từ 500.000 – 1 triệu đồng mỗi ngày.

Hơn 30 tuổi chưa lấy vợ, chàng trai trẻ kiếm bộn tiền nhờ "ăn ngủ" cùng vịt dưới suối - Ảnh 4.

Chàng trai núi rừng Lục Văn Nam thu gom những quả trứng vịt Cổ Lũng bên bờ suối.

 Ngoài vịt Cổ Lũng, anh Nam còn mạnh dạn nuôi thử nghiệm giống lợn lòi. "Khi tham quan mô hình nuôi lợn lòi ở huyện Lang Chánh, thấy giống lợn lòi dễ nuôi, tận dụng đất đồi sau nhà đang còn trống nên đã nuôi thử nghiệm. Lợn lòi mang bản tính hung dữ nhưng khi thuần rồi nó cũng rất hiền, đặc biệt đẻ rất mắn." Nam chia sẻ.

Từ việc nuôi lợn lòi, Nam kiếm thêm lợi nhuận khá tốt từ mô hình này. Với giá 140 nghìn đồng/kg lợn giống, 160 nghìn đồng/kg lợn hơi, Lục Văn Nam có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ nuôi lợn lòi.

Nam chia sẻ sẽ nhân rộng mô hình nuôi vịt Cổ Lũng, tập trung chủ yếu vào vịt thịt thương phẩm để xuất đi thị trường các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Ninh Bình, TP. Thanh Hóa…

Hơn 30 tuổi chưa lấy vợ, chàng trai trẻ kiếm bộn tiền nhờ "ăn ngủ" cùng vịt dưới suối - Ảnh 5.

Ngoài ra, anh còn thành công trong mô hình nuôi lợn lòi theo hướng tự nhiên. Mỗi năm kiếm từ 50 -60 triệu đồng.

 Ông Lương Văn Toán, Phó chủ tịch UBND xã Cổ Lũng, cho biết: "Mô hình của Nam là một trong những mô hình làm kinh tế tốt ở địa phương. Trong các hoạt động đoàn thể, Lục Văn Nam còn là một đoàn viên ưu tú, cần cù, chịu khó. Không chỉ thế, nhờ mô hình của anh mà bà con dân bản Khuyn cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm nuôi vịt Cổ Lũng, kinh nghiệm làm kinh tế, đây là một gương sáng để thanh niên và lớp trẻ học tập, noi theo".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem