Thanh Hóa xây dựng sản phẩm OCOP lấy chất lượng, không chạy theo số lượng
Thanh Hóa xây dựng sản phẩm OCOP lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu, không chạy theo số lượng
Hữu Dụng
Thứ tư, ngày 07/08/2024 12:42 PM (GMT+7)
Chiều 6/8, Báo NTNN/Dân Việt phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức Tọa đàm trực tuyến: "OCOP Thanh Hóa - Từ nội địa hướng đến thị trường quốc tế".
Nhiều tiềm năng phát triển những sản phẩm OCOP chất lượng
Theo ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa, tính đến thời điểm này, Thanh Hóa có 517 sản phẩm OCOP đã được công nhận (trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 57 sản phẩm 4 sao, 459 sản phẩm 3 sao) thuộc 304 xã, phường, thị trấn và 384 chủ thể (76 doanh nghiệp, 116 hợp tác xã, 11 tổ hợp tác, 181 hộ sản xuất kinh doanh). Ngoài ra, Thanh Hóa cũng đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, công nhận 4 sản phẩm OCOP 5 sao.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cũng cho biết thêm, Thanh Hóa là tỉnh lớn cả về diện tích và dân số; có cả vùng đồng bằng, ven biển và vùng trung du, miền núi, có tiềm năng phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP. Ví dụ như vùng đồng bằng có tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP từ củ, quả tươi như: Dưa vàng, dưa lưới, dưa hấu; phát triển các sản phẩm chế biến từ nem chua, nem nướng; các loại trà thảo dược, rau má; các loại gạo, miến gạo, bánh răng bừa...
Vùng ven biển với nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP từ thuỷ, hải sản: như tôm, cá, mực, moi sấy khô, mắm tôm, mắm tép, nước mắm, mắm cáy, rạm xay. Vùng trung du, miền núi có tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP như các loại măng khô, nem ống, thịt trâu gác bếp, rượu cần, mật ong, miến dong, nếp nương, hàng thủ công mỹ nghệ từ tre, luồng, vàu.
Chính vì vậy, trong thời gian qua tỉnh Thanh Hóa luôn xác định Chương trình mỗi xã một sản phẩm là chương trình trọng tâm để phát triển kinh tế khu vực nông thôn, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.
Nhiều sản phẩm OCOP khai thác lợi thế vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, như: cói Nga Sơn, bưởi Luận Văn, bánh lá răng bừa Xuân Lập; bánh gai Tứ Trụ - Thọ Xuân; nước mắm Ba Làng - Thị xã Nghi Sơn. Những sản phẩm OCOP được khai thác từ tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài như: mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty Việt Anh xuất khẩu tới Mỹ, chiếu cói Dũng Châu - huyện Quảng Xương xuất khẩu đi Trung Quốc; sản phẩm từ tre của công ty TNHH sản xuất và thương mại BambooVina đã xuất khẩu đi các thị trường Châu Âu, Mỹ; Sản phẩm nông sản như: Dứa, ngô ngọt đóng hộp của Công ty Trường Tùng và Công ty Tư Thành đã xuất khẩu đi các nước Pháp, Bỉ, Canada, Nga, Hàn Quốc, Australia; sản phẩm moi sấy Long Dương - huyện Hoằng Hoá xuất khẩu đi Trung Quốc…
Tiêu thụ là vấn đề sống còn của sản phẩm OCOP
Theo ông Phạm Huy Hùng - Giám đốc Công ty CP Phát triển Lam Kinh (nem Vị Thanh) cho biết, dù chúng tôi mới mới bước vào xây dựng thương hiệu nem Vị Thanh nhưng đối với công ty cách lựa chọn nguyên liệu kỹ lưỡng và giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất.
Hiện, sản phẩm nem Vị Thanh đang được ưa chuộng trên toàn quốc và ở nước ngoài. Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình là những thị trường tiêu thụ hàng đầu, và chúng tôi đang mở rộng sang các khu vực phía Nam.
"Đối với các sản phẩm thì chất lượng là yếu tố quan trọng nhất giúp chúng tôi chiếm được lòng tin của khách hàng. Nhưng việc tiêu thụ lại là yếu tố quyết định của sản xuất hàng hóa. Ý thức được điều đó, thời gian qua, công ty chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều đợt xúc tiến, giới thiệu sản phẩm nem chua của mình tại buổi giới thiệu sản phẩm và tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh", ông Phạm Huy Hùng - Giám đốc Công ty CP Phát triển Lam Kinh nhận định.
Gắn quảng bá sản phẩm OCOP với du lịch nông thôn
Ông Lê Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Lê Gia cho rằng, là một trong những chủ thể tiên phong trong phong trào OCOP tại tỉnh Thanh Hóa, Lê Gia ý thức được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ phát huy mắm truyền thống quê hương, tạo ra những tác động tích cực, lan tỏa đến cộng đồng địa phương thông qua việc tích cực tham gia phong trào OCOP từ những ngày đầu triển khai.
Chính vì vậy, với mong muốn cùng quê hương đẹp lên, gìn giữ và nâng tầm các giá trị truyền thống và tài nguyên bản địa, được sự ủng hộ của các cấp chính quyền và bà con quê hương, từ đầu tháng 6/2024 Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia đã nỗ lực, bền bỉ để đưa nhà máy đi vào hoạt động. Diện tích sử dụng đất của dự án là 10.333 m2 và tổng mức đầu tư gần 60 tỷ đồng với nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, nhà máy cũng được Lê Gia xây dựng và thiết kế theo xu hướng thân thiện với thiên nhiên, với việc tận dụng năng lượng tái tạo, vật liệu thân thiện với môi trường, nhiều cây xanh, hệ thống xử lý không khí theo công nghệ lọc tĩnh điện, xử lý nước thải đạt chuẩn theo Việt Nam để kết hợp trong việc vừa sản xuất vừa làm du lịch.
Đến với Lê Gia du khách sẽ được tận mắt thấy quy trình sản xuất ra những sản phẩm tinh túy từ biển mà du khách còn được trải nghiệm hồn quê tại đậy.
Tính đến tháng 6/2024, Lê Gia là một trong 24 chủ thể (là một trong 42 sản phẩm) có sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia và chủ thể duy nhất OCOP 5 sao của tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, công ty còn có 2 sản phẩm 4 sao (mắm tép và nước mắm Lê Gia) và 1 sản phẩm 3 sao (ruốc tôm sú Lê Gia). Trong đó có nước mắm Lê Gia được đề xuất nâng hạng 5 sao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.