12 ngày cho một chương trình hoành tráng, Hội Nhạc sĩ VN đang làm một cuộc phiêu lưu chăng?
|
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân |
- Phiêu lưu thật (cười)! Quyết định được đưa ra sau một cuộc gặp gỡ hơn 10 ngày trước, tin lũ dữ ở miền Trung dồn dập đưa về khiến cho tất cả mọi người đều xúc động, muốn làm điều gì đó thiết thực giúp đỡ người dân ở đó. Băn khoăn nhất là Hội chưa có kinh nghiệm tổ chức các buổi diễn lớn, nhất là khi thời gian eo hẹp đến thế.
Có ý tưởng, có tấm lòng nhưng quá nhiều khó khăn! Nhưng nếu lùi thời gian hơn nữa sẽ mất đi sự kịp thời, sự cần thiết, mà để giúp đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt thì vừa cần vật chất, vừa nên có cả những món quà tinh thần.
Thực ra, không ít người đang e ngại về chất lượng nghệ thuật của chương trình...
- Trong hoàn cảnh như thế này, nếu dễ dãi, chúng ta hoàn toàn có thể chỉ cần làm một chương trình mang tính thời sự, phong trào thôi. Nhưng các nghệ sĩ đã quyết tâm cống hiến với chất lượng và tính chuyên nghiệp cao. Đây sẽ là buổi biểu diễn mà toàn bộ dàn nhạc, ca sĩ sẽ chơi sống, hát sống.
Tôi có niềm tin rằng chương trình này, dù là một buổi biểu diễn duy nhất nhưng sẽ có sức lan tỏa, sẽ là một món quà tinh thần giúp người dân vùng lũ thêm động lực vượt qua khó khăn. Nếu các bạn chứng kiến các nghệ sĩ làm việc với tinh thần nhiệt tình như thế nào, các bạn cũng sẽ có niềm tin như tôi.
Bản thân ông có bất ngờ về sự nhiệt tình đó?
- Thực sự là xúc động! Khi chúng tôi gửi thư mời đến các nghệ sĩ, tất cả đều sẵn sàng sắp xếp những việc riêng để nhận lời. Trong một thời gian dài, chỗ này, chỗ kia, đã có những điều tiếng từ chất lượng bài hát, sự hét giá của các ngôi sao…, nhưng khi cần phải đóng góp cho đồng bào, cho công việc chung thì chúng ta lại thấy họ sẵn sàng dẹp bỏ những cái tôi cá nhân.
|
Ca sĩ Hồng Nhung (trái) và Thanh Lam sẽ biểu diễn trong chương trình |
Nhiều nhạc sĩ tham gia chương trình không phải là hội viên Hội Nhạc sĩ VN. Chúng tôi còn nhận được sự giúp sức từ những người bạn như đạo diễn Phạm Việt Thanh, NSND Lê Khanh, các công ty cung cấp thiết bị sân khấu… Tất cả đều dốc sức, mỗi người một việc, tự nguyện như lo việc nhà mình.
Được biết giá đêm biểu diễn lên đến 800.000 - 1 triệu đồng/vé, Hội làm thế nào để bán hết 1.000 vé tại điểm bán vé duy nhất là 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội?
- Thực ra gần một nửa số vé đã được bán từ khi vé còn chưa in. Cũng không phải chỉ có duy nhất một điểm bán vé tại trụ sở của Hội mà mỗi anh em nghệ sĩ đều là một "điểm" bán vé (cười). Hội Nhạc sĩ phát hành vé qua các mối quan hệ của Hội nhưng các nghệ sĩ cũng tự nguyện trở thành một kênh phát hành vé cho chương trình. Cho tới giờ này, lượng vé bán ra khá khả quan.
Số tiền thu được từ chương trình sẽ được chuyển tới tay người dân vùng lũ như thế nào, thưa nhạc sĩ?
- Tất cả các nghệ sĩ tham gia chương trình đều không lấy cát sê. Với các nghệ sĩ ở xa đến, chúng tôi chỉ lo chi phí tối thiểu về đi lại, chỗ ở… Toàn bộ số tiền thu được từ chương trình, sau khi trừ đi chi phí tổ chức sẽ được công bố vào cuối đêm diễn.
Khoảng ngày 4 hoặc 5-11, Hội sẽ tổ chức một đoàn nghệ sĩ và phóng viên báo chí vào trao quà tận tay người dân vùng lũ, dựa trên những địa chỉ mà nhóm đi tiền trạm của Hội cung cấp. Tất cả số tiền này sẽ được công khai trên báo chí vào các thời điểm để đảm bảo tính minh bạch.
Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Huyền My (thực hiện)
Chương trình "Là người con đất Việt" sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 2-11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Chương trình được chia thành 3 phần: Phần 1 gồm những ca khúc hát về miền Trung yêu thương, một miền Trung tươi đẹp trong lòng đất mẹ Việt Nam. Phần 2 là những tình cảm sâu nặng, tiếng lòng người nghệ sĩ với miền Trung đang phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát. Phần 3 ca ngợi tình người sắt son, sâu nặng, tình yêu giống nòi và dân tộc. T.L
Vui lòng nhập nội dung bình luận.