40 năm mới đi hết 1 vòng doanh nghiệp
Đây là con số thực tế được chỉ ra trong báo cáo về thực trạng công tác thanh tra an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong năm 2012. Thống kê năm 2011 của Thanh tra Bộ LĐTBXH, hiện cả nước có 420 thanh tra viên lao động đảm nhận chức năng ở nhiều vực như: Người có công, bảo hiểm xã hội, lao động trẻ em, khiếu nại tố cáo, chính sách lao động… nhưng cán bộ thực hiện thanh tra về ATVSLĐ trong cả nước chỉ chiếm 1/3 số cán bộ thanh tra nói trên (khoảng 130 người).
Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, số doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước là 3.750.000 doanh nghiệp. Như vậy, tính bình quân một thanh tra viên phải quản lý trên 1.300 doanh nghiệp.
|
Nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong các cơ sở có lao động tự do làm việc là rất lớn. |
“Căn cứ theo phương thức thanh tra theo đoàn thì bình quân một thanh tra viên chỉ đi được 30 doanh nghiệp/năm. Để thanh tra hết số doanh nghiệp mà mình phụ trách như đã tính ở trên thì phải mất khoảng 40 năm” - ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động lược tính.
Cũng theo ông Thắng, không chỉ thiếu, nguồn thanh tra viên còn yếu kém về trình độ. Có tới 30 - 50% cán bộ mới ra trường hoặc chuyển công tác. 25% cán bộ có trình độ cao đẳng, trung cấp. Thực tế, Thanh tra các Sở LĐTBXH ở các tỉnh thành chưa đáp ứng được nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra ở các địa phương. Thời gian chủ yếu là làm việc và giải quyết đơn thư, phần lớn các Sở chưa tổ chức thanh tra theo kế hoạch.
Mới nắm được “người có tóc”
Năm 2012, cả nước chỉ tiến hành được 4.184 cuộc thanh tra về pháp luật ATVSLĐ và 1.366 cuộc kiểm tra liên ngành. Tuy nhiên, việc thanh tra vẫn còn hình thức, chất lượng chưa cao. Cá biệt có những tỉnh như Vĩnh Long, Vĩnh Phúc cả năm không có nổi một cuộc thanh tra liên ngành. Số các tỉnh khác có thanh tra Luật ATVSLĐ, nhưng số cuộc thanh tra chỉ đếm trên đầu ngón tay như Cao Bằng 2 vụ; Thừa Thiên- Huế 5 vụ; Quảng Bình 6 vụ.
Ước tính, Việt Nam cần phải bổ sung thêm để có 1 thanh tra/40.000 lao động. Hoặc chí ít phải cân bằng để 1 thanh tra viên phụ trách 300 doanh nghiệp, đảm bảo khoảng 2 năm thanh tra 1 lượt doanh nghiệp về ATLĐ.
Cục An toàn lao động
(Bộ LĐTBXH)
Trong khi đó việc thanh tra mới chỉ chủ yếu diễn ra tại các doanh nghiệp Nhà nước, còn các doanh nghiệp khác thì rất ít. Thống kê của Cục An toàn lao động cho thấy, 60% cuộc thanh tra diễn ra trong doanh nghiệp Nhà nước, 20% tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chỉ 6% là thanh tra với các loại hình khác.
“Điều này dẫn tới thực trạng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có lao động tự do, lao động nông nghiệp không được thanh tra. Như vậy thì rõ ràng vấn đề đảm bảo về ATVSLĐ trong những ngành này bị bỏ ngỏ là chuyện đương nhiên” - ông Thắng thừa nhận thực tế.
Từng nhiều năm làm công tác thanh tra lao động tại cơ sở, bà Lãng Thị Phiền - Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐTBXH Lạng Sơn kiến nghị, cần bố trí thêm các thanh tra viên cho các tỉnh thành, nâng cao năng lực, hiệu quả thanh tra về ATVSLĐ. “Ngoài ra, hiện nay trang thiết bị, máy móc cũng đã lạc hậu nhiều. Vì vậy, cần phải bổ sung máy móc, đo đạc, xe cộ… phục vụ cho việc thanh tra về ATVSLĐ, có vậy công tác thanh tra đánh giá mới hiệu quả” - bà Phiền nói.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.