Thanh Tuyền về nước làm liveshow: “Suối xanh” vẫn ngọt ngào...

Chủ nhật, ngày 16/12/2012 07:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi rời Đà Lạt về Sài Gòn lập nghiệp ca hát hè 1964, cô gái được mệnh danh là “thần đồng” Như Mai đã được thầy mình đặt cho nghệ danh: Thanh Tuyền - dòng suối xanh. 50 năm đứng trên sân khấu, giờ chị vẫn là một dòng suối ngọt ngào.
Bình luận 0

Từng mơ là cô giáo...

Ngày 21.12 tới, Thanh Tuyền - giọng ca được mệnh danh là “nữ hoàng” của dòng nhạc tình ca quê hương sẽ tổ chức liveshow “50 năm âm nhạc và cuộc đời” tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội.

img
Nghệ sĩ Thanh Tuyền.

Nổi danh tại Đà Lạt từ năm lên 12, thế nhưng hồi đó, gia đình bé Phạm Như Mai (tên thật của chị) không ai ngờ, cuộc đời chị rồi sẽ theo nghiệp cầm ca. Chị kể: “Mẹ tôi là một bà mẹ quê mùa, hiền hậu chất phác, t chỉ biết viết và biết đọc nhưng đã thấy may mắn.

Mẹ chỉ ước ao con mình được ăn học tử tế. Vốn con nhà nghèo, bà nghĩ nuôi con cho học hết tiểu học là mừng lắm rồi. Bản tính của tôi ngay từ nhỏ đã hiếu động, không chịu an phận. Tôi phải học và bằng mọi cách tôi cố gắng thi đậu vô Trường Trung học Bùi Thị Xuân để đỡ gánh nặng học phí cho gia đình. Ước mơ lúc đó của tôi là học, ráng lấy được bằng trung học, nếu không tiếp tục đi học thì ít nhất cũng đi dạy, làm cô giáo làng”.

Năm 1959, khi tham dự Cuộc thi hát “Thần đồng” ở thành phố, Như Mai đã chiếm giải Nhất khi trình bày nhạc phẩm “Nắng đẹp miền Nam”, và vào năm 1964 khi lên 17 tuổi, chị bắt đầu lên Sài Gòn. Ở đây, chị gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (tác giả ca khúc “Chiều mưa biên giới”) và nhận ông làm thầy.

Nhạc sĩ nói với chị, tên Mai đã có nhiều người chọn rồi (như Trúc Mai, sau này có thêm Thanh Mai), nên thầy Đông đã chọn cho chị hai chữ Thanh Tuyền và giải nghĩa: Thanh là xanh, Tuyền là suối, Thanh Tuyền là dòng suối trong xanh và ngọt ngào đến từ Đà Lạt. Tên như người, giọng hát của chị suốt 50 năm qua vẫn luôn ngọt ngào và trong vắt như một dòng suối.

Khán giả lứa tuổi trung niên ở Sài Gòn vẫn còn nhớ rõ, khoảng thời gian 1964-1965, lúc đó Thanh Tuyền là một ca sĩ “áo trắng, không phấn son”, chị thường mặc áo dài như học sinh để lên sân khấu hát “Nỗi buồn hoa phượng” của nhạc sĩ Thanh Sơn, lời ca dễ thương, âm điệu da diết. Rồi sau đó là hàng loạt ca khúc như “Mưa chiều kỷ niệm”, “Con đường mang tên em”, “Đà Lạt hoàng hôn”, “Đường xưa lối cũ”, “Biển tình”...

Hát để người thương

Tuy không sinh ra ở Hà Nội nhưng Thanh Tuyền vẫn chọn thủ đô làm liveshow kỷ niệm 50 năm ca hát bởi theo chị, đây là show diễn quan trọng trong cuộc đời: “Khán giả Hà Nội vẫn có những người bao nhiêu năm qua đã dành tình cảm cho tiếng hát của tôi, tôi muốn đáp lại tình cảm ấy bằng một chương trình tạo được dấu ấn trong lòng họ. Cuộc đời tôi được nhiều người thương mến nhờ tiếng hát, giờ đây tôi muốn đem tiếng hát đáp đền”.

“Tôi đã nghiệm ra rằng, ca hát là số mệnh, và mình sinh ra là để đi hát, và khi hát thì mình phải tôn trọng người nghe, cố gắng trau dồi kỹ năng và sống đời đạo đức, thì mới còn người ngồi xem và vỗ tay tán thưởng”.

50 năm đứng trên sân khấu, hình ảnh của Thanh Tuyền luôn gắn với tà áo dài dịu dàng đầy nữ tính của người phụ nữ VN. Chị cũng sở hữu hàng trăm bộ áo dài trong tủ quần áo đi diễn của mình. Ít ai biết, để mặc được chiếc áo dài đẹp ở độ tuổi 65, Thanh Tuyền đã liên tục phải tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Mỗi ngày Thanh Tuyền bỏ ra 3 tiếng để đi bộ, tập “gym” và ăn kiêng”.

Trong liveshow lần này tại Hà Nội, Thanh Tuyền có bên cạnh chị cô em gái Sơn Tuyền. Nhà có 15 anh chị em, chỉ có 3 người theo nghiệp hát là Thanh Tuyền, Sơn Tuyền và Ngọc Tuyền, nhưng Ngọc Tuyền qua đời sớm nên giờ chỉ còn có 2 người chị vẫn miệt mài với nghề. Ngoài Sơn Tuyền, khách mời của chương trình sẽ là Vũ Khanh, danh hài Hoài Linh, nghệ sĩ cải lương Kim Tử Long, diễn viên, MC Trấn Thành…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem