“Thắp lửa” cho gốm làng Ngòi

Thứ bảy, ngày 12/02/2011 13:30 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trải qua nhiều thăng trầm nhưng tới giờ, gốm làng Ngòi (xã Tư Mai, Yên Dũng, Bắc Giang) đã để lại dấu ấn về sự nhanh nhạy, sáng tạo.
Bình luận 0

Vực dậy làng nghề

Theo những người cao tuổi trong làng, gốm làng Ngòi đã nổi tiếng từ triều đại các Vua Trần. Trải qua nhiều thăng trầm, làng gốm dần biến mất trên bản đồ gốm Việt Nam. Dù là mảnh đất có điều kiện để làm gốm nhưng không phải ai cũng đủ nghị lực để vực lại nghề làm gốm nơi đây.

img
Sản xuất gốm ở làng Ngòi.

Cách đây 10 năm, anh Lưu Xuân Khuyến quyết tâm khôi phục lại nghề của làng. Hiện tại anh đã là chủ cơ sở sản xuất gốm làng Ngòi. Anh tâm sự: "Khi đưa ra quyết định về quê làm gốm, phục hồi lại thương hiệu gốm làng Ngòi mình đã chịu rất nhiều áp lực".

Cũng theo anh Khuyến, mặc dù Yên Dũng có nguồn tài nguyên đất sét khá lớn, nhưng trước anh chưa có cơ sở nào khai thác sử dụng làm gốm nên nguy cơ thất bại rất cao. Bên cạnh đó, đa phần nông dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng, việc huy động bà con tham gia làm gốm là điều rất khó khăn vì chưa biết hiệu quả của nghề làm gốm.

Sau anh Khuyến, một vài hộ gia đình khác cũng bắt tay khôi phục làm nghề. Cho đến thời điểm này, gốm làng Ngòi đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Sản phẩm của anh Khuyến và một vài cơ sở khác được trưng bày tại hàng trăm cuộc hội chợ triển lãm, đặc biệt tại Hội nghị APEC.

Riêng anh Khuyến vinh dự có một gian hàng trưng bày đại diện cho "Hình ảnh APEC và di sản văn hóa Việt Nam". Trước những thành công đã đạt được, anh Khuyến đã mạnh dạn phát triển quy mô sản xuất gốm. Anh Khuyến cho biết: "Để gốm làng Ngòi phát triển một cách bền vững thì việc đầu tiên phải làm là phát triển về quy mô và chất lượng các sản phẩm".

Để hiện thực hóa điều này anh Khuyến đã đề xuất với Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang, lãnh đạo xã Yên Dũng xin mở lớp đào tạo nghề làm gốm cho lao động nông thôn nơi đây. Đề nghị của anh Khuyến đã nhanh chóng được chấp nhận, và trong những ngày cuối năm 2010, 2 lớp (70 học viên) dạy nghề làm gốm đầu tiên theo Đề án 1956 đã được khai giảng tại làng Ngòi, mở ra cơ hội phát triển nghề bền vững.

Còn nhiều gian nan

Với những đóng góp cho sự phát triển của gốm làng Ngòi, năm 2007, Lưu Xuân Khuyến vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của do T.Ư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.

Trao đổi với NTNN trong ngày khai giảng 2 lớp dạy nghề làm gốm, anh Khuyến phấn khởi: "Dạy nghề không chỉ giúp người nông dân có thêm cơ hội làm việc tăng thu nhập mà bên cạnh đó, dạy nghề sẽ giúp cho gốm làng Ngòi có những bước phát triển về quy mô và chất lượng".

Cô Nguyễn Thị Yến, 42 tuổi (thôn Tân Ninh, xã Yên Dũng) chia sẻ: "Hồi bé tôi cũng được nghe các cụ nói mảnh đất nơi chúng tôi đang sinh sống ngày trước có nghề làm gốm rất phát triển. Nay gốm làng Ngòi đang trong quá trình phục hồi. Tôi rất vui khi tham gia lớp học nghề làm gốm. Hy vọng khi kết thúc khóa học, với những kiến thức đã được học tôi có thể góp phần phát triển làng nghề và tăng thêm thu nhập cho gia đình".

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, độ tuổi của những học viên tham gia lớp dạy nghề làm gốm là khá cao, trung bình là 45 tuổi. Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất học và chất lượng lao động sau khi học nghề.

Anh Lưu Xuân Khuyến lo lắng: "Hiện nay đa phần học viên tham gia lớp học đều là những người đã có tuổi, người tàn tật, người không có điều kiện đi làm xa… nên nếu tính về lâu về dài thì e rằng lực lượng này không đáp ứng được yêu cầu của công việc".

Để giải quyết tình trạng này, ông Phạm Đức Luân - Chủ tịch UBND xã Yên Dũng cho biết: "Trong thời gian tới UBND xã sẽ đứng ra kêu gọi, vận động, đưa ra những chính sách hỗ trợ thanh niên chưa có việc làm ổn định tham gia học nghề".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem