Thấp thỏm với bữa ăn của con tại trường

Hà My - Diệu Linh Thứ ba, ngày 12/03/2019 06:19 AM (GMT+7)
An toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học luôn là nỗi lo thường trực của phụ huynh, đặc biệt là khi các vụ việc thực phẩm bẩn “xâm nhập” học đường bị phanh phui.
Bình luận 0

Thịt gà nát, thịt lợn có sán... vào bếp ăn trường học

Mới đây (sáng 5.3), một số phụ huynh có con em học tại Trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) đã không giấu được sự phẫn nộ khi phát hiện nghi vấn nhà trường sử dụng nguyên liệu “bẩn” để nấu đồ ăn cho học sinh. Cụ thể, một phụ huynh có con học tại trường cho biết: “Sáng nay (5.3), khi một phụ huynh đưa con tới trường thì có vào bếp ăn để xem xem hôm nay các cháu ăn gì. Vị phụ huynh này thấy một rổ thịt gà đã làm chín đặt ở trên bếp, khi đặt tay vào miếng thịt và nắn thử thì miếng thị nát vụn ra. Cho rằng đây là thịt gà đông lạnh đã để lâu, phụ huynh này gọi thêm nhiều phụ huynh khác, đồng thời yêu cầu hiệu trưởng xuống để làm rõ”. Được biết, nhiều loại chân, xương gà dùng để nấu cháo cho các cháu bốc mùi hôi. Các phụ huynh đã chụp ảnh, ghi hình để tố cáo.

img

Lực lượng chức năng và phụ huynh kiểm tra bếp của Trường Mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh). Ảnh: T.L

Bà Cao Thị Hòe - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Khương, khẳng định rằng vì sử dụng thịt gà công nghiệp nên thịt không dai như gà ta. Tuy nhiên ngay sau đó, phụ huynh đã ra chợ mua thịt gà công nghiệp về luộc thì không thể nào bóp nát vụn miếng thịt như trên. Cũng theo chia sẻ của phụ huynh, cách đó chỉ một tuần, bố mẹ của học sinh đã phát hiện ra trong thịt lợn nấu ăn cho các em có sán, nhà trường vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng thì sự việc này tiếp tục diễn ra.

Không giấu được nỗi lo, nhiều phụ huynh tìm cách “đột nhập” kiểm tra bếp ăn của nhà trường. Tuy nhiên, đối với nhiều trường công lập thì việc này gần như là không thể bởi quy trình ra vào trường học rất khó khăn. Lúc này, phụ huynh đành phải trông chờ hoàn toàn vào nhà trường và các cơ quan quản lý...

Ông Nguyễn Hữu Hoán - Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Thuận Thành cho hay, sau khi nhận được thông tin, Phòng đã cử chuyên viên phụ trách xuống Trường Mầm non Thanh Khương và mời cơ quan công an đến để thu giữ, niêm phong mẫu thức ăn nghi không đảm bảo an toàn thực phẩm để tiến hành kiểm tra. Sau khi có kết quả, cơ quan chức năng sẽ trả lời chính thức. Ông Hoán cũng nói rằng Phòng không trực tiếp làm việc với trường và đơn vị cung cấp thực phẩm.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản  chỉ đạo công an tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc; làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có), báo cáo chủ tịch UBND tỉnh.

Vụ việc thực phẩm bẩn tại Trường Mầm non Đốn Xã (Bình Lục, Hà Nam) diễn ra vào tháng 12.2018 vừa qua cũng khiến dư luận bất bình. Hội trưởng hội phụ huynh trường đưa con đi học bất ngờ đi qua bếp ăn thì phát hiện có mùi lạ. Người này nhìn vào thì thấy hai chiếc bắp cải vừa sâu, vừa thối, cùng bát tôm đã ươn. Bên cạnh đó, chiếc chân giò lợn vẫn còn đầy lông, dính phân ở móng...

Ông Đỗ Việt Dũng - Chủ tịch UBND xã Đồn Xá cho biết, ngay sau khi phát hiện sự việc thực phẩm bẩn, ôi thiu trong bếp ăn nhà trường, chính quyền đã yêu cầu nhà trường đổi nhà cung cấp thực phẩm và rút kinh nghiệm kiểm tra kỹ thực phẩm trước khi tiếp nhận từ đơn vị cung cấp. Theo ông Dũng, vì xã không có đơn vị kiểm tra an toàn thực phẩm nào nên không thể kiểm định cụ thể mẫu vật. Nhưng đánh giá bằng cảm quan thì hoàn toàn có thể thấy rau đã sâu, thối ở cuống, còn chân giò lợn thì chưa được chế biến sạch.

Cuối tháng 10.2018, có tới 352 học sinh tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP.Ninh Bình) đã phải nhập viện vì ngộ độc vi khuẩn tụ cầu vàng có trong món ruốc gà tại bữa ăn. Vi khuẩn tụ cầu vàng có thể có trong thịt gà sống và quá trình nấu nướng không loại bỏ được độc tố, hoặc thực phẩm bị ôi thiu, không đảm bảo vệ sinh. Sau đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Ninh Bình đã xử phạt hành chính 30 triệu đồng đối với Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng.

img

Thịt lợn nổi hạch trắng được phát hiện trong bếp ăn Trường Mầm non Thanh Khương. Ảnh: P.H

Không cho con ăn thì đói, ăn thì sợ

Do công việc bận rộn, nhiều phụ huynh dù rất lo lắng cho con cái nhưng “lực bất tòng tâm” và phải để con học bán trú, ăn 2 bữa trưa, chiều trong trường mỗi ngày. Không giấu được nỗi lo, nhiều phụ huynh tìm cách “đột nhập” kiểm tra bếp ăn của nhà trường. Tuy nhiên, đối với nhiều trường công lập thì việc này gần như là không thể bởi quy trình ra vào trường học rất khó khăn. Lúc này, phụ huynh đành phải trông chờ hoàn toàn vào nhà trường và các cơ quan quản lý để có được một bữa ăn đảm bảo cho con em của mình.

"Để hạn chế tối đa tình trạng ngộ độc tại bếp ăn tập thể, trong đó có các trường học cần nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể như yêu cầu hiệu trưởng hoặc người chịu trách nhiệm bếp ăn phải có cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh; làm việc và có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong công tác giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học...”.

PGS - TS Nguyễn Thanh Phong

Anh Phạm Phương Việt - phụ huynh có con đang học tiểu học tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho biết tình trạng thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học là đáng báo động sau nhiều vụ việc được phát hiện hay học sinh bị ngộ độc. “Chúng tôi vô cùng hoang mang trước những thông tin có liên quan tới an toàn thực phẩm trường học. Những sự việc cứ liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh trên cả nước khiến cho niềm tin của phụ huynh lung lay rất nhiều. Thịt ôi thiu, rau thối… xuất hiện trong bữa ăn của trẻ em là điều không bao giờ được phép xảy ra”.

Chị Hà Vũ ở phố Thụy Khuê (Hà Nội) cho rằng: Điều chúng tôi cần nhất chính là có sự kiểm tra 2 chiều giữa phụ huynh và nhà trường. Phụ huynh có quyền kiểm tra đột xuất và ngược lại nhà trường cũng công khai đơn vị cung cấp thực phẩm, đơn vị nấu ăn cho học sinh. Chỉ có như vậy thì phụ huynh mới hoàn toàn yên tâm được với chất lượng bữa ăn của các con trong bối cảnh hiện tại”.

Nói về sự mập mờ, không minh bạch của trường học, bà Hoàng Thị Hoa - hiệu trưởng một trường mầm non tư thục tại thành phố Thanh Hóa cho rằng trường học nào không công khai đơn vị cung cấp thực phẩm thì đều “có vấn đề”. “Quan điểm của tôi là nếu thực sự trong sáng, thì không có gì phải giấu giếm. Thậm chí có thể nhờ phụ huynh làm một kênh thứ 3 để kiểm tra chất lượng đồ ăn cho học sinh. Bản thân tôi hàng ngày vẫn là người trực tiếp kiểm tra nguyên liệu đầu vào cho các con trước khi chế biến. Nếu phụ huynh nào muốn, thì hoàn toàn có thể tham gia kiểm tra và nấu nướng cho các con từ đầu tới cuối cùng chúng tôi. Thực tế, nhiều trường giấu giếm nguồn gốc thực phẩm vì muốn “kiếm chác” trên bữa ăn của các con mà thôi. Ban đầu có thể chỉ là nhập thực phẩm rẻ nhưng báo đắt lên, rồi sau đó thì nhập thực phẩm ôi thiu, kém chất lượng... Chính những hành động này đang làm cho phụ huynh mất đi niềm tin vào ngành giáo dục, lo sợ cho sức khỏe của con khi đến trường”.

PGS - TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết,  an toàn bếp ăn tập thể, trong đó có bếp ăn trường học đã sớm được cảnh báo và có những chế tài nhằm kiểm soát chất lượng. Cụ thể như năm 2008, Bộ GDĐT và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 08 về việc hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem