Thay đổi tư duy hỗ trợ làng nghề

Thứ tư, ngày 27/10/2010 17:42 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm qua 26-10, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) đã có buổi hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Đánh giá tác động của khủng hoảng kinh tế (KHKT) và các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề”.
Bình luận 0

Để có kết quả đánh giá về tác động của KHKT đến các làng nghề, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào 3 nhóm làng nghề, đó là: Mây tre đan, thủ công mỹ nghệ và gốm sứ. Ông Nguyễn Đình Hùng - thành viên nhóm nghiên cứu của Ipsard cho biết: “Ảnh hưởng lớn nhất của KHKT từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2010 đối với các làng nghề là về thị trường.

KHKT đã làm thay đổi cơ cấu thị trường, khiến kim ngạch xuất khẩu giảm với trên 60% số làng nghề bị ảnh hưởng”. Khảo sát của Ipsard tại một số làng nghề đều cho thấy, lượng tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề bị giảm mạnh nhất.

Do đó, lao động có xu hướng chuyển sang các khu vực khác để tìm việc, dẫn đến khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường, đã xảy ra thiếu lao động trầm trọng ở các làng nghề. Tuy nhiên, theo ông Hùng khó khăn lớn nhất của các làng nghề chính là về vấn đề vốn, công nợ tăng do các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau.

Khảo sát của Ipsard cũng cho thấy, ảnh hưởng rõ rệt nhất của KHKT là đến kết quả sản xuất kinh doanh của các làng nghề làm cho doanh số và lợi nhuận trước thuế của hầu hết các doanh nghiệp trong các làng nghề đều giảm, nhất là làng nghề mây tre đan. Sở dĩ hiệu quả kinh doanh giảm là do sản phẩm không tiêu thụ được, các chi phí khác đều tăng.

TS Lê Đức Thịnh- Trưởng Bộ môn Thể chế nông thôn (Ipsard) cho biết: “Có 3 vấn đề cần thay đổi đối với các chính sách đến các làng nghề sau KHKT, đó là tư duy hỗ trợ làng nghề, cải cách làng nghề và tổ chức cho làng nghề.

Bởi hiện nay việc hỗ trợ làng nghề chỉ đơn thuần là việc “gom” các làng nghề vào một khu, cụm công nghiệp, chứ chưa chú trọng giải quyết đến vấn đề môi trường, phát triển bền vững”. Theo TS Thịnh: “Phát triển làng nghề phải có chiến lược dài hơi tổng hợp, như tình trạng hiện nay ngay cả về vai trò của quản lý nhà nước cũng không thống nhất, toàn bộ phần làng nghề đều giao cho ngành Công Thương quản lý, còn ngành nông nghiệp lại không hề nắm được, mà các địa phương chỉ mải đi xây dựng đề án”.

Đối với vấn đề tư duy phát triển làng nghề. TS Thịnh cho rằng: “Hộ nghề là xương sống của làng nghề, nhưng phải thay đổi phương thức quản lý hộ nghề. Bởi hộ nghề đang bị gạt ra khỏi các chính sách, 100% các hộ nghề không tiếp cận được các gói hỗ trợ chính sách vừa qua như 131, 443, 491…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem