Mở đầu cho xu hướng tăng lãi suất huy động, ngay từ đầu tháng 7, NamABank đã thực hiện điều chỉnh lãi suất gửi tại quầy ở kỳ hạn 25 tháng – 36 tháng đồng loạt tăng mạnh 0,5 điểm phần trăm lên mức 7,9%/năm. Kỳ hạn 14 tháng – 23 tháng cũng tăng từ 0,2-0,4%/năm, lên đến 7,7-7,8%/năm.
Với khoản gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất tại nhà băng này còn lên tới 8,7%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
Nhập cuộc, VPBank cũng công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới áp dụng từ ngày 4/7/2019. Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn tại ngân hàng này tăng mạnh so với tháng 6.
Cụ thể, lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 1 tháng-5 tháng tăng 0,4-0,5 điểm phần trăm lên mức trần quy định là 5,5%/năm. Lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy ở nhà băng này cũng tăng lên 8%/năm (kỳ hạn 24 tháng), cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với trước đó.
Với các sản phẩm đặc biệt như Tiết kiệm phát lộc thịnh vượng, lãi suất cao nhất đã lên tới 8,4%/năm.
Chỉ sau 1 ngày, Techcombank của đại gia Hồ Hùng Anh cũng thực hiện động thái tăng lãi suất tại nhà băng này. Hiện tại, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này tăng 0,2 điểm phần trăm so với hồi tháng 6.
Chẳng hạn, lãi suất cao nhất tại Techcombank hiện nay là 7,3%, áp dụng cho khách hàng ưu tiên khi gửi online kỳ hạn từ 18 tháng đến 24 tháng. Trước đó, lãi suất cao nhất tại nhà băng này trong tháng 6 là 7,1%/năm.
Với kỳ hạn 24 tháng có lãi suất cao nhất là 7,1%/năm, tăng 0,1% so với trước đó. Kỳ hạn 18 tháng tăng mạnh nhất, khách hàng gửi dưới 1 tỷ được hưởng lãi suất từ 7 - 7,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm.
Ngược lại, một số kỳ hạn lãi suất huy động có điều chỉnh nhẹ so với trước đây như, kỳ hạn 3 năm giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm, hiện niêm yết ở mức 6,5-6,6%/năm cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ, khoản tiền trên 3 tỷ được hưởng lãi suất từ 6,7-6,9%/năm.
Hay như Eximbank, biểu lãi suất tiền gửi bằng VNĐ thông thường kỳ hạn 36 tháng là 8%/năm nhưng nếu khách hàng tham gia chương trình khuyến mại, lãi suất lên tới 8,4%/năm ở các kỳ hạn từ 24 - 36 tháng kèm quà tặng ngay.
Mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 - 9 tháng tại Eximbank cũng tăng lên 7,8%/năm, tăng khoảng 0,2 điểm % so với biểu lãi suất trước.
Không chỉ các NHTM cổ phần, ông lớn ngân hàng quốc doanh BIDV cũng vừa áp dụng biểu lãi suất mới từ 9/7/2019. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại nhà băng này đã tăng 0,1 điểm phần trăm so với tháng 6 lên mức 7%/năm. Các kỳ hạn còn lại được giữ nguyên.
SHB "nhập" cuộc đua lãi suất kể từ ngày 15/7
Mới nhất, ngày 15/7, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết đang triển khai chương trình ưu đãi ở sản phẩm tiết kiệm bậc thang theo số tiền với lãi suất hấp dẫn.
Cụ thể, khách hàng mở mới sổ tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng trong thời gian được hưởng lãi suất ưu đãi 8,2%/năm. Đây là một trong những mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường ở kỳ hạn 9 tháng.
Tăng cục bộ, đón đầu cơ hội kinh doanh
Nói về động thái tăng lãi suất lần này, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, cho biết việc tăng lãi suất huy động vốn trung, dài hạn nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh tiếp tục khởi sắc những tháng cuối năm.
Còn theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc các NH tăng lãi suất huy động là do các ngân hàng muốn gia tăng huy động, đáp ứng yêu cầu giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng nhà nước.
Hơn nữa, nhiều ngân hàng thương mại chuyển hướng đẩy mạnh cho vay đối tượng khách hàng cá nhân với lãi suất cho vay tốt, đảm bảo mức sinh lời cần thiết nên có cơ sở để duy trì lãi suất huy động cao. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng khác cũng phải duy trì lãi suất tốt để không bị mất thị phần huy động.
Cũng phải nói thêm rằng, quý II/2019 đã khép lại và nhiều khả năng các NH đã sử dụng gần hết room tín dụng theo quy định từ NHNN. Chính vì vậy, ngân hàng vẫn đang loay hoay với room tín dụng và tất nhiên không phải đề nghị nới room tín dụng của ngân hàng nào cũng được chấp thuận… “Tăng trưởng tín dụng khác nhau, room tín dụng khác nhau nên mới có tình trạng tăng lãi suất cục bộ tại 1 số ngân hàng”, bà Đỗ Hoài Linh – chuyên gia tài chính ngân hàng (Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định.
Số liệu đến cuối tháng 6/2019 cho thấy nhiều ngân hàng đã sử dụng gần một nửa hạn mức tín dụng cho phép, thậm chí có ngân hàng sử dụng gần cạn room được giao... Không ít ngân hàng trước đó đã xin nới room, đặc biệt là các ngân hàng đã hoàn tất basel II như OCB, Vietcombank, VIB, TPBank, VPBank, MB...
Đồng thời, lãi suất đầu vào nhích lên ở một vài kỳ hạn do việc cơ cấu lại nguồn vốn của từng ngân hàng. Việc lãi suất nhích lên mang tính chất cục bộ chứ không hẳn là vấn đề thanh khoản của ngân hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.