Thầy giáo dạy giỏi chỉ ra lỗi sai làm đề thi môn Văn vào lớp 10 mà 100% học sinh mắc phải

Tào Nga Thứ ba, ngày 04/06/2024 06:36 AM (GMT+7)
Chỉ còn ít ngày nữa kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 Hà Nội chính thức bắt đầu. Để bài thi được trọn vẹn, không mất điểm đáng tiếc, thí sinh hãy tham khảo tư vấn của thầy giáo để ôn thi vào lớp 10 môn Văn thật tốt.
Bình luận 0

Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên dạy Văn ở Hà Nội, đã có những chia sẻ cho học sinh ôn thi vào lớp 10 môn Văn trong giai đoạn nước rút như sau:

Cách ôn luyện môn Văn vào lớp 10 

"Thời gian cho việc ôn tập không còn nhiều nên các em cần tập trung cho những mục tiêu trọng tâm, tránh việc học nhiều nhưng không ghi nhớ hoặc không hiệu quả.

Việc đầu tiên là cần hệ thống hoá kiến thức từ các đơn vị kiến thức trọng tâm, theo từng tác phẩm, từng nhóm tác phẩm (ví dụ thơ về đề tài người lính, thơ về tình cảm gia đình, truyện trung đại, truyện hiện đại...). Cũng có thể hệ thống hoá theo từng vấn đề (ví dụ hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, thể loại/thể thơ, ý nghĩa nhan đề ...). Học sinh có thể sử dụng các dạng sơ đồ tư duy hoặc các bảng thống kê để khái quát những kiến thức trọng tâm.

Thầy giáo dạy giỏi chỉ ra lỗi sai làm đề thi môn Văn vào lớp 10 mà 100% học sinh mắc phải- Ảnh 1.

Thầy giáo Nguyễn Phi Hùng. Ảnh: NVCC

Vì hình thức thi là tự luận vậy nên bên cạnh việc hệ thống kiến thức, các em cũng có thể ghi lại những dạng bài thường gặp liên quan đến kiến thức đó; tóm tắt kiến thức trọng tâm của mỗi tác phẩm chỉ nên trình bày trong một mặt giấy, gọn gàng, mạch lạc, đầy đủ và logic; ở những câu hỏi khó, dễ mắc lỗi sai cần đánh dấu lại để dễ dàng tra cứu khi cần.

Thứ hai là cần chú ý rèn luyện kỹ năng trình bày. Với mỗi dạng câu hỏi, đề yêu cầu cách thức trình bày khác nhau: trả lời ngắn (gạch ý), viết thành đoạn văn, viết bài văn. Luyện tập để trình bày bài gọn gàng, sạch sẽ, rõ ràng, mạch lạc. Tăng tốc độ viết để kịp hoàn thành tất cả các nội dung bài làm. Đặc biệt lưu ý khi làm bài là luôn đọc kỹ đề, xác định chính xác nội dung mà đề yêu cầu để tránh lặp lại những lỗi sai trong quá trình thi.

Thứ 3 là luyện đề. Cần có chiến thuật làm bài hợp lý, lựa chọn các câu hỏi quen thuộc, tự tin sẽ làm tốt để làm trước. Những câu chưa làm cần đánh dấu vào đề bài để tránh bỏ sót. Phân phối thời gian hợp lý cho mỗi câu trong đề. Các câu hỏi phần đọc hiểu cần làm nhanh, gọn, chính xác. Dành thời gian để làm kỹ càng, chu đáo các câu viết đoạn/bài văn nghị luận.

Gạch chân các từ quan trọng trong đề bài để bài viết đúng trọng tâm. Sử dụng nháp hợp lý để gạch nhanh các ý cơ bản, nhất là với các câu hỏi có điểm số cao (các đoạn văn/bài văn nghị luận).

Những sai lầm thường mắc phải khi làm bài thi

Trong giai đoạn này, học sinh thường có tâm lý "nghe ngóng" trên các kênh khác nhau, chủ động tìm kiếm hoặc bị tác động bởi những bài viết "đoán đề", "lộ đề"… điều này không chỉ gây lãng phí thời gian mà đôi khi còn dẫn tới những hệ quả đáng tiếc.

Thứ nhất là "học tủ". Học sinh tập trung ôn luyện vào một số bài "trọng tâm" theo những thông tin trên mạng xã hội, theo những lời "đồn đoán", "mách bảo" nhau. Điều này tạo tâm lý cầu may, sự bất an trong quá trình ôn luyện trước khi thi và rủi ro lớn nếu đề thi rơi vào những phần mình chưa học ôn kỹ lưỡng. Hãy tự tin vào bản thân mình và dành thời gian cho việc ôn luyện: ôn đúng – luyện đủ chắc chắn sẽ làm được bài, không rơi vào trạng thái hoang mang hay lệ thuộc vào sự may mắn.

Thứ hai là phân bố thời gian không hợp lý. Những câu chiếm trọng số điểm lớn trong đề lại không được dành thời gian đúng mức để tối ưu hoá điểm số. Trong các bài văn, đoạn văn, nhiều khi học sinh mải mê triển khai một ý mà bỏ quên những ý quan trọng khác hoặc khi không còn đủ thời gian làm bài mà viết qua loa.

Thứ ba là sai yêu cầu hình thức của đề bài. Học sinh không chú ý thực hiện đúng các yêu cầu liên quan đến hình thức đoạn văn (tổng - phân hợp, quy nạp, diễn dịch), dung lượng bài viết (12-15 câu, 2/3 trang giấy thi, 200 chữ ...)

Thứ tư là trả lời thiếu ý. Nhiều học sinh có thói quen trả lời vắn tắt, chưa trình bày đầy đủ, chi tiết các ý mà đề yêu cầu khiến điểm số không cao. Ví dụ với dạng bài xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ, cần gọi tên và chỉ ra từ ngữ, hình ảnh thể hiện biện pháp tu từ đó. Nêu đầy đủ các tác dụng của biện pháp tu từ đối với việc thể hiện đặc điểm của đối tượng, thái độ, tình cảm, suy nghĩ của nhà văn/nhà thơ và tác dụng với việc tăng hiệu quả cho sự diễn đạt.

Thứ năm là viết lan man, xa đề. Một số em không xác định đúng vấn đề cần nghị luận và phạm vi dẫn chứng. Ví như đề hỏi tình yêu làng của ông Hai (truyện ngắn Làng) thì nói lan man sang cả tình yêu nước. Đề hỏi vẻ đẹp của những con người lao động thầm lặng xây dựng đất nước trong truyện Lặng lẽ Sa Pa thì lại chỉ phân tích nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng. Đề yêu cầu phân tích cảm xúc của nhà thơ khi vào trong lăng (khổ thơ thứ 3 bài Viếng lăng Bác), lại phân tích ấn tượng khi mới đến lăng (khổ thơ đầu)... Đây là một trong những lỗi nghiêm trọng nhất khiến bài làm không được điểm cao.

Thứ sáu là nhầm lẫn những lỗi "lặt vặt". Các chi tiết nhỏ trong bài như thông tin tên tác phẩm, tác giả, năm sáng tác, trích dẫn trực tiếp các từ ngữ, câu văn câu thơ bị nhầm hoặc đơn giản là lỗi chính tả ... sẽ khiến bài làm bị mất những điểm số đáng tiếc.

Chúc các em học sinh có một kỳ thi thành công!".

Thầy Nguyễn Phi Hùng từng tốt nghiệp loại giỏi khoa Sư phạm Ngữ văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Thầy có 15 năm kinh nghiệm trong việc dạy và luyện thi môn Ngữ văn. Đặc biệt thầy đã có nhiều năm đồng hành cùng học sinh ôn thi chuyển cấp vào lớp 10. Học sinh của thầy có rất nhiều em đạt điểm cao, đỗ vào các trường THPT có tiếng tại Hà Nội như Trường THPT Chu Văn An, THPT Yên Hòa, THPT Kim Liên....

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem