Thầy Nguyễn Ngọc Dũng: Sẽ có những niềm hạnh phúc mà nghề khác không có
Xúc động về người thầy luôn dặn sinh viên phải biết "cảm ơn vùng đất mình đến"
Tào Nga
Thứ bảy, ngày 18/11/2023 10:37 AM (GMT+7)
Đó là chia sẻ của thầy Nguyễn Ngọc Dũng, giảng viên thỉnh giảng ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường Đại học Phương Đông (Hà Nội) nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Thầy Nguyễn Ngọc Dũng, sinh năm 1979, hiện là giảng viên thỉnh giảng ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường Đại học Phương Đông, Hà Nội. Thầy được biết đến không chỉ nhiệt huyết, tận tâm với nghề mà còn có tấm lòng thiện nguyện khi giúp đỡ nhiều mảnh đời không may mắn.
Thầy là tác giả của chương trình "Tiếp sức em thơ, giúp em học online" (sau này có chương trình Sóng và máy tính cho em được Chính phủ triển khai), nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi và thực hiện hàng trăm chương trình từ thiện khác. Trong nhiều năm qua, mỗi khi rảnh, thầy còn chạy xe cấp cứu 0 đồng cho bệnh nhân khó khăn.
Thầy giáo làm từ thiện để "trả nợ" cuộc đời
Thầy Dũng sinh ra tại Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội. Nhận xét về cuộc đời mình với báo Dân Việt, thầy cho hay, có nhiều cung bậc, bao gồm cả sóng gió. Trong đó có câu chuyện vợ thầy vô sinh, chữa chạy rồi mang bầu cũng phải ở viện. Sinh con xong chưa lành vết mổ thì con của thầy nhiễm trùng máu, nhiễm một loại virus ảnh hưởng hệ miễn dịch. Chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương, con thầy nhiễm sởi chéo và bệnh viện trả về.
"Mình trình bày rất nghiêm túc là còn nước còn tát, chứ mang về chỉ có con đường chết. Nỗ lực cả từ phía gia đình lẫn bệnh viện và may mắn con tôi được cứu sống sau 6 tháng ròng rã, thối cả thịt phần hông và lưng. Quá trình ôm con ở bệnh viện, thi thoảng được nhận những phiếu cơm, bát cháo hay những hộp sữa của các nhà hảo tâm, tôi đã nghĩ, sau này sẽ làm việc gì có ý nghĩa với trẻ em".
Nói là làm, sau đó, thầy Dũng đã bắt đầu nhận nuôi vài trẻ bị bỏ rơi, tìm bố mẹ mới cho các em. Ngoài ra, thầy tổ chức những chương trình mang âm nhạc tới bệnh viện với sự chung tay của bạn bè anh em thân thiết, hỗ trợ hoặc tặng quà các em bé ở viện Nhi, viện K, làng trẻ mồ côi...
10 năm trở lại đây, với kinh phí làm truyền thông cho các doanh nghiệp trên trang Phù Đổng TV cùng sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, thầy Dũng đã thực hiện được các chương trình hỗ trợ miền Trung bão lụt, tặng sách vở, quần áo, giày dép, mũ bảo hiểm, đồ dùng học tập mới cho hàng nghìn học sinh vùng sâu vùng xa, tổ chức Trung Thu cho trẻ em bị cô lập tại vùng lũ... Quỹ Phù Đổng TV do thầy Dũng thành lập tặng máy tính, học bổng, xe đạp điện cho những em học sinh nghèo có thành tích xuất sắc.
Thầy kể: "Tháng 2/2010, tôi bị nhồi máu cơ tim cấp, viêm tuỵ cấp. Sau khi thoát chết thần kỳ, ra viện tôi đã hỗ trợ lương thực thực phẩm cho các vùng bị phong toả trên địa bàn xung quanh nơi mình sinh sống, hỗ trợ các điểm chốt chống dịch, tình nguyện đi phát thuốc cho những người mắc covid-19.
Thời điểm đó, tôi cùng bạn là Nguyễn Văn Tiến thực hiện sửa những điện thoại cũ, máy tính cũ rồi mang cho học sinh học online xung quanh nơi mình ở. Tiếp đó tôi xin rộng rãi trên mạng xã hội và kết quả là hàng trăm điện thoại, máy tính được trao đi trên toàn quốc, khởi nguồn cho phong trào thanh niên sửa chữa điện thoại máy tính khắp nơi tặng trẻ em".
Sau đó, chương trình "Sóng và máy tính cho em" của Chính phủ ra đời. Thầy Dũng trở thành nhân vật truyền cảm hứng chương trình Điều ước thứ 7 và nhiều chương trình khác.
Thầy Dũng và bạn đã sửa điện thoại, máy tính cũ tặng cho học sinh học online. Ảnh: NVCC
Không dừng lại ở đó, thầy chia sẻ, hiện tại đang bắt đầu thực hiện chương trình tái sinh những chiếc xe đạp cũ, phục chế thay đổi, sơn mới để tặng cho trẻ em nghèo. Thầy dự kiến mỗi em học sinh nhận được xe sẽ tặng lại 1 cuốn sách bất kỳ để xây dựng tủ sách cho vùng cao.
Một thầy giáo được sinh viên, đồng nghiệp quý trọng
Từng là đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo, bố và các anh đi bốc vác chợ Đồng Xuân, quá trình học tập đứt đoạn, 2 lần bỏ học, 22 tuổi tích luỹ được chút tiền mới quay lại học Đại học... đó là câu chuyện đầy xúc động của thầy Dũng trước khi trở thành giảng viên đại học.
"Tôi được các bạn yêu mến, thầy cô quan tâm hỗ trợ nên từ một sinh viên bình thường, tôi cố gắng phấn đấu rèn luyện và trở thành thầy giáo như ngày hôm nay", thầy Dũng xúc động kể.
Chính vì xuất phát điểm như vậy nên thầy Dũng sẵn sàng ngồi trà đá vỉa hè nghe sinh viên nói thích hút thuốc lá điện tử tới mức nghiện như nào, đi bar say quên đường về và ngồi sau xe bạn đánh võng trên đường ngã trầy xước hết cả người. Thầy không chỉ trích, phán xét mà kể về câu chuyện về một bạn trẻ. Để được đi học, bố mẹ bạn ấy gần 70 tuổi vẫn đi bốc vác. Anh trai cả bị một bạn trẻ lái ẩu cướp đường ngược chiều đã ra đi vĩnh viễn. Anh trai thứ vừa đi làm thuê vừa đi học, trở thành một giáo viên có đam mê cứu người, anh đã từng lọt top những người hiến máu nhiều nhất Việt Nam.
Sau câu chuyện này, thầy Dũng rất vui khi nghe tin sinh viên đó đã quyết tâm trả nợ hết các môn và tốt nghiệp ra trường. Và tất nhiên, bạn trẻ trong câu chuyện của thầy Dũng không ai khác chính là thầy.
Không chỉ thân thiết với sinh viên, trong công việc, thầy Dũng là một giảng viên tận tâm, nhiệt huyết. Thầy có quá trình học nghề, làm việc rồi từ kinh nghiệm của mình đã truyền đạt lại cho sinh viên với phương châm gắn lý thuyết với thực tiễn.
Trong môn thầy giảng dạy có những chuyến thực địa du lịch. Thầy thường chọn điểm đến là địa danh du lịch nhưng ở vùng kinh tế còn khó khăn. Thầy sẽ mang quà tặng để cùng học trò tặng trẻ em địa phương hoặc cùng với các sinh viên giúp trẻ em và bà con những kỹ năng du lịch đơn giản sao cho điểm đến văn minh, thân thiện mà quảng bá được sản phẩm du lịch kiếm được tiền.
Đặc biệt, thầy luôn nói với sinh viên rằng, việc làm có trách nhiệm trong du lịch chính là cảm ơn vùng đất đó mình đã đưa khách đặt chân đến giúp mình kiếm được công việc và thu nhập.
Mặc dù luôn nỗ lực hết mình vì trẻ em, vì sinh viên, vì cuộc sống đầy tình yêu thường và những điều tốt đẹp, tuy nhiên, thầy Dũng cũng có những khoảnh khắc lặng người. Đó là một lần thầy đến tặng quà 1/6 tại Viện K cho các bệnh nhân Nhi. Một em bé đó đã nói với thầy: "Ước mơ của cháu là được đi học tiếp, chú nhớ dạy cháu học nghề Du lịch nhé, để cháu được đi đây đi đó". Thầy đã gật đầu. Tuy nhiên, sau đó không lâu, thầy đã không còn gặp em bé đó nữa.
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy Dũng gửi lời nhắn nhủ với các bạn trẻ: "Nếu bạn đam mê trở thành người thầy, chắc chắn bạn sẽ có những niềm hạnh phúc mà các nghề nghiệp khác không có".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.