Thay thế giống chè mới, huyện Hải Hà thu về hơn 56 tỷ đồng

Nguyễn Quý Thứ hai, ngày 25/11/2019 15:45 PM (GMT+7)
Hải Hà (Quảng Ninh) có truyền thống trồng chè trên 50 năm. Hiện nay, huyện xác định chè là một trong những cây trồng chủ lực trong ngành sản xuất nông nghiệp và là mô hình chủ đạo trong lộ trình phát triển kinh tế nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bình luận 0

Năm 2004, Hải Hà có hơn 980ha chè, nằm rải rác ở rất nhiều xã trên địa bàn, tập trung nhiều nhất là ở xã Quảng Long, Quảng Thịnh. Từ năm 2014 trở lại đây, thị trường xuất khẩu chè gặp nhiều khó khăn, giá cả sản phẩm xuống thấp đã ảnh hưởng tới tâm lý người sản xuất.

Thêm vào đó, từ năm 2016, do chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp theo nhu cầu phát triển của Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà dẫn tới thiếu hụt lao động, nhiều diện tích chè không được chăm sóc, thu hái, một số diện tích trồng chè bị người dân phá bỏ để trồng cây lâm nghiệp, cây dược liệu... đã ảnh hưởng lớn đến diện tích trồng chè toàn huyện.

Đến nay, diện tích chè toàn huyện chỉ còn 718ha. Ngoài xã Đường Hoa có truyền thống trồng chè lâu đời, xã Quảng Long hiện đã đạt diện tích trồng chè lớn nhất huyện (426ha). Giống chè trung du lá nhỏ đã được thay thế dần bằng giống chè có năng suất, chất lượng cao như chè PH10, chè Ngọc Thuý.

Năm 2018, năng suất bình quân đạt 2,5 tấn chè tươi/ha/tháng, sản lượng 9.450 tấn, giá bình quân 6.000 đồng/kg, doanh thu từ trồng chè của huyện ước đạt 56,7 tỷ đồng.

img

Thu hoạch chè tại xã Quảng Long, huyện Hải Hà.  Ảnh: N.Q

Nhằm thúc đẩy ngành chè phát triển trở lại, từ năm 2016, huyện đã triển khai đề án tổng thể phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao giai đoạn 2016-2020. Theo đó, huyện tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc thay thế 200ha chè giống mới (Ngọc Thúy); đầu tư dây chuyền sản xuất ở một số cơ sở để đáp ứng việc chế biến chè chất lượng cao; hỗ trợ máy móc cơ giới hóa cho người nông dân thu hái, trồng chè và hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm chè định hướng chuyển dần sang thị trường nội tiêu với mục tiêu đạt 30% tổng sản phẩm.

Sau 2 năm thực hiện đề án, nông dân đã trồng thay thế 35,2ha chè trung du bằng chè Ngọc Thúy; hỗ trợ 32 máy hái chè cho người dân 2 xã Quảng Long, Quảng Thịnh; nâng cấp 2 xưởng chế biến và lắp đặt dây chuyền chế biến tiên tiến, trong đó hỗ trợ 1 dây chuyền chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm chè được xếp hạng 3 sao trong chuỗi sản phẩm OCOP và nằm trong danh mục 12 nhóm sản phẩm mang thương hiệu cấp tỉnh, cấp quốc gia giai đoạn 2018-2020.

Huyện Hải Hà đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc thu hái, chế biến; phấn đấu 60% diện tích chè tại các vùng sản xuất chè tập trung đáp ứng sản xuất an toàn theo hướng VietGAP tạo ra sản phẩm chè an toàn. 100% sản phẩm chè của các vùng sản xuất tập trung tiêu thụ trong nước, chè nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu được chứng nhận, công bố sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn.

“Với dự án xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong trồng chè Ngọc Thúy theo hướng an toàn sinh học năm 2019 tại xã Quảng Phong, chúng tôi tin tưởng Dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng sản xuất chè theo hướng an toàn sinh học, động viên khuyến khích nông dân mạnh áp dụng tiến bộ KHKT mới vào sản xuất chè chất lượng cao, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân, xây dựng Hội vững mạnh, góp phần xây dựng nông thôn mới” - ông Nguyễn Tiến Đức - Trưởng phòng NNPTNT huyện Hải Hà nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem