Thế chấp hàng tồn kho để khôi phục sản xuất

Thứ hai, ngày 14/05/2012 06:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi người lao động có thu nhập, họ sẽ mở rộng nhu cầu, sức mua cũng từ đó mới có thể được cải thiện - chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành bình luận.
Bình luận 0

Nền kinh tế “chúc đầu đi xuống”

Thưa ông, đâu là nội dung khiến ông băn khoăn nhất trong hàng loạt các giải pháp để cứu doanh nghiệp được nêu ra trong Nghị quyết này?

- Nghị quyết 13 của Chính phủ vừa ban hành được bổ sung nhiều vấn đề hơn so với đề xuất của Bộ Tài chính, đặc biệt là nội dung về chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, tôi cho rằng phải có cách nào đó để hạ lãi suất xuống thấp hơn nữa mới có thể giúp doanh nghiệp thoát khỏi sự “khốn khổ” như hiện nay.

img
Chính phủ cần phải có nhiều giải pháp để kích cầu tiêu thụ hàng hoá (ảnh minh hoạ).

Nhiều vấn đề được các chuyên gia và doanh nghiệp mong đợi như giải quyết hàng tồn kho ra sao, tiếp cận vốn với lãi suất hạ như thế nào… thì chưa được Chính phủ có chỉ đạo cụ thể. Chúng ta vẫn phải chờ Bộ Tài chính và NHNN xem liệu có sớm đưa ra các đề án chi tiết để cụ thể hóa Nghị quyết này không.

“Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng, CPI ổn định là một tín hiệu tích cực, nhưng nếu nó đến từ việc sức cầu suy giảm thì lại là điều đáng lo”. Ông nghĩ sao về nhận định này?

- CPI tăng 0,05% trong tháng 4 không phải là biểu hiện tích cực, nó là quá bất bình thường. Đồng thời tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 4% cũng lại là thực tế quá bất bình thường nữa, trong khi chỉ tiêu phấn đấu là 6%.

Thực tế này theo tôi là biểu hiện của nền kinh tế đang “chúc” đầu đi xuống, và đi xuống tới đâu, đã đến đáy hay chưa phải đáy, là điều mà chúng ta cũng chưa thể đoán chắc được. Vì vậy, quan điểm cá nhân tôi cho rằng lạm phát giảm như vậy không phải là dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.

Teo tóp sức mua

Ông nhìn nhận nguyên nhân của việc suy giảm bắt nguồn từ những lý do gì nếu loại bỏ yếu tố thắt chặt cung tiền để giảm lạm phát của Chính phủ?

- Niềm tin của người dân đang “yếu” đi rất nhiều. Hàng tồn kho trong 4 tháng đầu năm 2012 đã tăng lên tới 32% so với 2011. Việc giảm thu nhập của từng cá nhân làm “teo” sức mua trong dân chúng nên hàng hóa không thể bán được.

Những người mất việc đã đành, nhưng ngay cả những người vẫn đang còn việc làm vẫn lo lắng cho tình hình kinh tế ngày mai và thu nhập của họ trong tương lai nên cũng không tiêu xài thoải mái như trước nữa. Người tiêu dùng hầu hết mang tâm lý cái nào thật cần thiết mới mua. Doanh nghiệp bán đổ bán tháo cũng không ai mua. Doanh nghiệp thời trang thì lỗi mốt, doanh nghiệp thực phẩm hết date chỉ đổ đi.

Theo ông cần những giải pháp gì để kích cầu tiêu dùng hiệu quả?

- Tôi lấy ví dụ, ở Mỹ nếu muốn kích cầu tiêu dùng thì Chính phủ chỉ cần giảm thuế thu nhập cá nhân cho người dân thấp xuống là ngay lập tức kích thích được sức mua của toàn xã hội. Nhưng ở Việt Nam chúng ta không thể làm như thế được, bởi như tôi đã phân tích ở trên, sức mua phụ thuộc vào niềm tin và sự kỳ vọng của người tiêu dùng trong tương lai.

Muốn kích cầu tiêu dùng hiệu quả, phải miễn hẳn thuế VAT để doanh nghiệp hạ được giá thành xuống chứ nếu chỉ dãn thuế thôi thì sau này doanh nghiệp cũng chẳng lấy đâu ra tiền mà nộp. Chính phủ cần phải có giải pháp trực tiếp, tạo điều kiện để doanh nghiệp thanh toán hàng tồn kho, như vậy họ mới có cơ sở để tiếp tục sản xuất. Đồng thời, hàng tồn kho chính là tài sản của doanh nghiệp nên phải cho phép họ thế chấp, tạo điều kiện để doanh nghiệp hạ giá thành, khôi phục sản xuất, từ đó mới có thể thu hút lao động, tạo thêm công ăn việc làm.

Cả sản xuất và tiêu dùng đều đang gặp khó khăn, đình trệ. Ông nhìn nhận tình trạng này nguy hiểm đến mức nào?

- Tôi cho rằng thực trạng nền kinh tế hiện nay đang “cực kỳ nguy hiểm”. Trong quá khứ nền kinh tế của chúng ta chưa bao giờ rơi vào tình huống khó khăn như hiện nay. Doanh nghiệp thì đang “giãy” chết, muốn phục hồi lại thì cần phải có thời gian, trong khi trước mắt chưa thấy dấu hiệu le lói.

Sản xuất muốn hồi phục còn tùy thuộc vào độ trễ của từng lĩnh vực, nếu có sẵn thiết bị, máy móc rồi thì nhanh, nhưng nếu là những ngành nghề cần phải cập nhật công nghệ, thiết bị thì nhất thiết phải có thời gian nhất định. Tôi cho rằng từ khi có đủ yếu tố vật chất để thực hiện quá trình khôi phục sản xuất thì cũng phải mất từ 6 đến 8 tháng. Nền kinh tế chứ không phải như chiếc xe máy mà cứ bấm nút là xe chạy ngay.

Để đánh giá một cách khách quan, theo ông đối tượng nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ Nghị quyết 13 của Chính phủ vừa mới được ban hành?

- Tôi cho rằng các doanh nghiệp sản xuất sắt thép, xi măng là các doanh nghiệp sẽ được lợi trực tiếp sau khi có chỉ đạo từ Nghị quyết này. Bởi vì với một nội dung xúc tiến giải ngân vốn đầu tư, khơi thông dòng vốn đầu tư cho các công trình đầu tư công sẽ giúp giải quyết vấn đề hàng tồn kho đối với sắt thép, xi măng.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem