Thế chấp nhà cứu nghề mây tre

Thứ năm, ngày 28/06/2012 07:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhờ kiên trì bám trụ với nghề mây tre đan truyền thống mà người dân làng Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) hiện nay ăn nên làm ra và có thu nhập ổn định.
Bình luận 0

Làng đan lát Bao La hình thành từ thời nhà Nguyễn, chuyên sản xuất vật dụng bằng mây tre đan. Trải qua nhiều đời, làng nghề này dần mai một, thu nhập của người làm nghề quá thấp nên nhiều hộ bỏ nghề, thanh niên trong làng đua nhau ly hương.

img
Nghề đan lát đã giúp người dân làng Bao La có cuộc sống no đủ.

Học nghề để giữ nghề

Năm 2007, trước nguyện vọng của nhiều hộ dân tâm huyết với nghề trong làng, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Quảng Điền cho phép thành lập Hợp tác xã (HTX) đan lát Bao La với 25 xã viên, số vốn chỉ có 5 triệu đồng. Xã viên đã dùng đất đai, nhà cửa của mình thế chấp ngân hàng để vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, thu hút các hộ sản xuất nhỏ lẻ vào làm ăn tập thể để định hướng chất lượng và đầu ra sản phẩm. Bên cạnh tập trung nhân lực, làng nghề còn chú trọng đào tạo tay nghề cho lao động để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Cuối năm 2007, Hiệp hội Traideraft (Đức) tổ chức hội thảo về phát triển sản phẩm mây, tre đan của làng Bao La và đưa sản phẩm này vào danh mục hàng thủ công có tiềm năng của thị trường này. Ngay sau đó, Hiệp hội Traideraft vận động, khuyến khích làng nghề nâng cấp sản phẩm từ mang tính truyền thống, thủ công thành sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo. Tiếp đó, hiệp hội này còn giúp làng đưa sản phẩm đến giới thiệu tại các hội chợ quốc tế ở Đức, Pháp, Thái Lan…

“Nghề không bao giờ phụ mình”

Đến nay, làng nghề đan lát Bao La đã phát triển với quy mô khá lớn, cơ sở vật chất đầy đủ, khang trang; giải quyết công ăn việc đều đặn với thu nhập khá cao cho gần 100 lao động. Việc phân chia trong sản xuất được phân bố cụ thể theo nhiều công đoạn, nhằm tận dụng tối đa thời gian nhàn rỗi sau công việc đồng áng của phần lớn nhân công.

Với những ưu thế vượt trội về chất lượng, mẫu mã, sản phẩm mây tre đan của làng nghề đã chiếm lĩnh được thị trường nội địa. Rất nhiều mặt hàng chủ lực của làng nghề Bao La này như quạt tre, đèn lồng, ghế mây… được nhiều cơ quan và doanh nghiệp lớn trong nước đặt hàng với số lượng lớn. Phần lớn sản phẩm của làng trở thành vật dụng không thể thiếu trong các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch…

Năm 2008, làng nghề Bao La được vinh danh là làng nghề tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Năm 2008, làng nghề Bao La được vinh danh là làng nghề tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 2011, sản phẩm bộ đèn lồng bằng tre của làng nghề Bao La đoạt giải Nhất trong cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.

Cuối năm 2011, sản phẩm bộ mâm khay tre của làng cũng đạt giải Nhì tại cuộc thi sản phẩm làng nghề tiêu biểu do Bộ Văn hóa thể thao du lịch tổ chức. Bên cạnh đó, hàng năm sản phẩm của làng nghề Bao La còn được đem trưng bày ở nhiều lễ hội trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là tại các kỳ Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế. Vào những dịp này, sản phẩm của làng nghề Bao La luôn thu hút sự quan tâm của du khách.

Ông Thái Hoán - Phó Chủ nhiệm HTX đan lát Bao La, cho biết, việc giữ nghề truyền thống đã giúp người dân trong làng không bao giờ thiếu việc làm và luôn có thu nhập ổn định. “Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, chỉ sợ mình phụ nghề chứ nghề không bao giờ phụ mình” - ông Hoán chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem