"Cái chết đen" Henry Johnson
Sinh ra vào ngày 15.7.1892, Henry Johnson là một người Mỹ gốc Phi. Vào năm 25 tuổi, ông gia nhập Trung đoàn Bộ binh số 15 thuộc Vệ binh Quốc gia ở New York, hay còn được biết đến với cái tên dân dã hơn là “Những chiến binh địa ngục Harlem” (Harlem Hellfighters). Khi ấy, mới chỉ cao 1,64m và nặng 59kg, ông đã tới Pháp để tiếp viện cho quân đội Pháp và trở thành lính da đen đầu tiên tham chiến trong Thế chiến 1.
Nguồn gốc biệt danh “Cái chết đen”
Bức tranh mô tả đêm mà Johnson chiến đấu và nhận được biệt danh "Cái chết đen"
Vào ngày 14.5.1918, Henry Johnson và đồng đội Needham Roberts đang đứng gác tại cửa rừng Argonne, nằm ở phía đông bắc của Pháp. Bất ngờ, cả 2 bị tấn công bởi các tay súng bắn tỉa hỗ trợ cho cuộc tiến công của quân Đức.
Khi ấy, Roberts đã bị thương nặng khi đang cố cảnh báo các đơn vị của mình ở xung quanh, khiến Johnson gần như phải một mình chống trả cuộc tấn công của kẻ thù. Ông đã dùng mọi thứ có trong tay: lựu đạn, súng trường, súng lục, báng súng, dao… Đáng ngạc nhiên là dù đông hơn gấp nhiều lần, quân Đức cũng không thể hạ gục được ông và phải rút lui khi quân Mỹ và Pháp tới ứng cứu.
Trong trận chiến này, Johnson bị tổng cộng 21 vết thương ở đầu, môi, hai bên hông, bàn tay,… Tuy nhiên, ông cũng đã hạ được 4 kẻ địch và làm 20 người khác bị thương. Thành tích này đã mang lại cho ông biệt danh “Cái chết đen” được cả đồng đội lẫn kẻ thù công nhận.
Được giải oan
Khi trở về nhà, Johnson và các đồng đội được chào đón như những người anh hùng, nhất là ở quê hương. Tuy nhiên, danh tiếng chẳng kéo dài được lâu. Người lính “Cái chết đen” năm nào đã không thể nhận được Huân chương Trái tim Tím – vốn cực kỳ danh giá và chỉ dành cho những binh sĩ bị thương hoặc tử nạn trong chiến trận – do hồ sơ bệnh lý của ông bị phát hiện là sai.
Kể từ đó, cuộc đời ông trở nên tuột dốc không phanh. Thất vọng và chán nản vì không hề có công việc ổn định, ông chìm đắm trong rượu bia và qua đời gần 11 năm sau cái ngày ông được nhận biệt danh huyền thoại “Cái chết đen”.
Thế nhưng, mãi về sau, ông mới được truy tặng Huân chương Trái tim Tím vào năm 1996, Huân chương Thập tự Phục vụ Xuất sắc vào năm 2001 và cuối cùng là Huân chương Danh dự cao quý vào năm 2015.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.