Thế giới mạng - cạm bẫy chờ trẻ em

Minh Nguyệt Thứ hai, ngày 30/11/2015 06:56 AM (GMT+7)
Gần 9 triệu thanh thiếu niên truy cập mạng hàng ngày để tán gẫu và chơi game nhưng lại thiếu kỹ năng ứng phó với những cạm bẫy trên mạng. Không ít thanh thiếu niên đã bị lừa tình, lừa tiền, hiếp dâm, thậm chí bỏ mạng vì tin người trong thế giới ảo.
Bình luận 0

Trùng trùng cạm bẫy

Cơ quan Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) vừa bắt đối tượng Nguyễn Hữu Nghĩa (SN 1987, ngụ xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước (Bình Định) bị tình nghi liên quan đến vụ án dàn cảnh “cứu nét” để cướp tài sản và hiếp dâm. Trước đó, nạn nhân Trần Thị L ( 16 tuổi, quê Thừa Thiên -Huế) có quen với Nghĩa qua mạng Zalo. Tối 15.10, sau khi chơi ở quán Internet, gần 9 giờ tối, L nhờ Nghĩa đến quán chở về nhà. Trên đường về Nghĩa rủ L qua công viên chơi rồi dùng dao khống chế định cưỡng hiếp và cướp tài sản. Tuy nhiên, L đã kịp thời bỏ chạy. 

img

Những thiếu nữ Mông trong một hàng Internet tại Sa Pa, Lào Cai. Ảnh: Nguyễn Anh Dũng

Đây là một trong nhiều vụ án mà thanh thiếu niên bị vướng vào những cạm bẫy trên mạng, bị lừa tiền, hiếp dâm, thậm chí giết hại.

Trong căn nhà lụp xụp, chị Nguyễn Thị N (Mèo Vạc, Hà Giang) khóc hết nước mắt. Dù đã trở về nhà được vài tháng nhưng Lê Thị T – con gái chị (15 tuổi) vẫn tàn tạ, thất thần. Tháng 7 vừa qua, T được Đồn Biên phòng Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang giải cứu, trao trả cùng với 54 nạn nhân bị buôn bán khác. T cho biết, em bị bạn chát dụ dỗ, lừa bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm. T nhớ lại: “Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên học hết lớp 6 em nghỉ học. Nghe theo bạn xấu rủ rê, em hay đi chơi cùng mấy bạn trên phố rồi lân la vào quán Internet. Có lần được một bạn lạ chát giới thiệu có công việc tốt, lương cao nên em đồng ý đi làm”. Sau 3 tháng bị bóc lột tình dục ở chợ Hà Khẩu, T may mắn được cơ quan chức năng hai nước Việt – Trung giải cứu, đưa về Việt Nam.

Ông Phạm Công Hải - Phó Trưởng phòng P2, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) cho biết, các loại hình tội phạm công nghệ cao ngày càng đa dạng về phương thức và thủ đoạn. Nhiều kẻ đã thực hiện xâm hại trẻ em qua mạng như phát tán phim, ảnh khiêu dâm trẻ em qua mạng; đe dọa, tống tiền, lợi dụng mạng Internet để làm quen và xâm hại trẻ em… “Mạng lưới phạm tội cũng đã có sự dịch chuyển dần từ thành thị sang nông thôn” – ông Hải cho biết.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết, theo một số nghiên cứu, hiện có hơn 45 triệu người Việt Nam sử dụng Internet, trong đó học sinh, sinh viên chiếm trên 33%; 60% thanh thiếu niên truy cập mạng để tán gẫu và chơi game. Nhưng các em hầu như chưa có “hành trang” gì để ứng phó với các cạm bẫy này.

Thiếu “tường lửa”

“Nhiều vụ án, các đối tượng phạm tội đã lợi dụng mạng Internet để thành lập những trang web đen, diễn đàn dành cho trẻ em. Có web còn đăng tải trên 3.000 bức ảnh có nội dung khiêu dâm, với 253 bộ phim khiêu dâm trẻ em nước ngoài trong độ tuổi từ 6 -12 tuổi. Có diễn đàn kêu gọi được 1.500 thành viên tham gia, tổ chức tụ tập tại quán game, bể bơi, hay nhà riêng. Thành viên diễn đàn chủ yếu là học sinh tiểu học, THCS.

Nguồn: Bộ Công an 

Theo bà Quách Thu Trang – Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP), trong năm 2014 CCIHP đã phối hợp Bộ LĐTBXH tiến hành một nghiên cứu trên hơn 400 trẻ vị thành niên (khảo sát thông qua các trang mạng). Kết quả cho thấy có tới 74% trẻ em sử dụng Internet hàng ngày, thời gian truy cập ít nhất là 30 phút và dài nhất lên tới 2-3 tiếng/lần. Có tới 87% trong số được khảo sát cho biết đã gặp những điều không mong muốn trên mạng. 14% trẻ vị thành niên ở thành phố và 20% trẻ vị thành niên ở nông thôn cho biết đã từng có người sử dụng Internet, điện thoại để bắt nạt, đe dọa, dụ dỗ, thậm chí là gây khó khăn cho các em. Hơn 65% số trẻ vị thành niên được khảo sát nói rằng đã phải tiếp xúc với tài liệu khiêu dâm trên facebook, trang web… “Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng,  trẻ em bị lạm dụng, bóc lột qua mạng Internet thường để lại hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe, học tập của trẻ em, thậm chí dẫn đến tự tử” – bà Trang chỉ rõ.

Ông Nam thừa nhận, Internet đã lan rộng tới vùng sâu, vùng xa, trở thành một thế giới hấp dẫn mọi trẻ em. Nhưng càng ở vùng sâu, xa các em càng thiếu kiến thức, ít giao tiếp, thích mới lạ nên càng dễ bị lừa gạt, dụ dỗ. Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, bóc lột và lừa đảo trẻ em trên mạng cũng gia tăng. Nhiều trẻ em tham gia game lập tài khoản ảo và phải trả tiền để tham gia những trò chơi đó, thiếu tiền nên trộm cắp hoặc nghe lời dụ dỗ để có tiền... Cũng không ít em tin vào lời dụ dỗ của “người ảo” dẫn đến việc bị hiếp dâm, lừa bán...

Bà Trang cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có khung pháp lý và những chính sách để ngăn ngừa giáo dục nhận thức cho gia đình, nhà trường, các thầy cô giáo về việc nhận diện các tình huống nguy hiểm khi trẻ tham gia mạng. Đồng thời cũng cần có sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh mạng và phòng chống bóc lột xâm hại tình dục trẻ em qua mạng. “Cần có những chương trình giáo dục cho phụ huynh biết cách quản lý khi con dùng Internet. Đặc biệt, với những khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, chính quyền địa phương cần có những biện pháp mạnh trong việc quản lý các quán Internet tư nhân. Giáo dục để cha mẹ quan tâm tới con cái, giúp trẻ không xa đà vào trò chơi bạo lực, đồi trụy trên mạng Internet” – bà Trang nói.

Để bảo vệ trẻ em, Bộ LĐTBXH đã xây dựng đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đề án hướng tới 2 mục tiêu cơ bản là: Mọi trẻ em phải được hưởng lợi ích từ sử dụng Internet mà không có nguy cơ. Thứ hai, trẻ vị thành niên là nạn nhân của các hình thức xâm hại trong môi trường mạng phải được phát hiện và hỗ trợ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và quốc gia.

Nếu được phê duyệt, đề án sẽ được triển khai trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại một số địa bàn trọng điểm có trẻ vị thành niên sử dụng Internet cao, hoặc những khu vực khó khăn như nông thôn. Theo đó, cha mẹ, thầy cô giáo, trường học, người chăm sóc trẻ sẽ được đào tạo nâng cao nhận thức về sử dụng mạng an toàn. Thực hiện các giải pháp kiểm soát, nhận biết dấu hiệu xâm hại trong môi trường mạng... 

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) Bảo vệ trẻ em tốt hơn

 Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến thảo luận 3 bộ luật liên quan đến bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng: Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Dự kiến, sau khi luật được Quốc hội thông qua Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp Bộ Thông tin- Truyền thông ban hành các văn bản để bảo vệ trẻ em tốt hơn trong môi trường mạng.

Bà Nguyễn Thị An – Quản lý cấp cao Chương trình Bảo vệ trẻ em Plan: Tăng nặng hình phạt

Theo tôi, song song với hành động xúc tiến lấy ý kiến trình Chính phủ phê duyệt đề án bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng, Việt Nam cần có khung pháp lý quy định cụ thể về các hình thức xử lý tội phạm Internet. Đặc biệt,  hình phạt dành cho tội phạm lợi dụng Internet để xâm hại đời tư, bóc lột tình dục trẻ em cần phải được tăng nặng.

TS.  Afrooz Kaviani Johnson -  Chuyên gia của UNICEF Đưa giáo dục giới tính vào luật

Tôi nghĩ rằng các tổ chức tại Việt Nam cần có sự kết nối, tư vấn, dịch vụ hỗ trợ tổng thể về sức khỏe, pháp lý để hỗ trợ vị thành niên khi gặp những “tai nạn” qua mạng. Giáo dục giới tính bắt buộc cho vị thành niên trong và ngoài trường học cần đưa vào luật. Để tạo một môi trường bảo vệ cho trẻ em, Việt Nam cần những hành động liên ngành, đa ngành và cả sự ủng hộ của công chúng cũng như các cán bộ làm việc vì trẻ em...

Tạ Minh (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem