Thê thảm: Ế ẩm vì Covid-19, tỷ phú Sơn La "bó tay" đứng nhìn đàn cá đặc sản chết la liệt mỗi ngày

Hải Đăng Thứ hai, ngày 31/05/2021 19:42 PM (GMT+7)
Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19, cá đặc sản đến tuổi xuất bán không có người mua, giá thức ăn tăng cao đang khiến người nuôi cá lồng ở vùng hồ thủy điện Sơn La lâm vào tình cảnh khốn đốn chưa từng có.
Bình luận 0
Ảnh hưởng Covid - 19, trăm tấn cá đặc sản ế ẩm, người dân Sơn La thiệt đơn, thiệt kép - Ảnh 1.

Hiện, HTX Hợp Lực đang nuôi trên 200 lồng cá đặc sản nhưng việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn.

Vào những ngày này, trang trại cá lồng của ông Phạm Hữu Sơn - Giám đốc HTX Hợp Lực trên hồ thủy điện Sơn La (địa phận xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai) đang có hơn 100 tấn cá đặc sản đến tuổi xuất bán nhưng không có thương lái đến thu mua. 

Vừa bỏ cám cho đàn cá ăn, ông Sơn ngậm ngùi bảo: "Năm 2020 xuất hiện đại dịch Covid-19 trang trại vẫn bán được ít. Nhưng năm nay cá ngon, to đẹp đầy lồng cũng không có người mua, thê thảm quá!".

Cá nuôi không bán được, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng liên tục càng làm cho giá thành chăn nuôi cá bị đội lên cao, đẩy ông Sơn và hàng chục chủ trang trại khác ở trên lòng hồ thủy điện Sơn La lâm vào cảnh cùng quẫn.

Đầu năm 2016 ông Sơn bắt đầu nuôi cá theo hướng VietGAP. Vừa chăn nuôi, ông Sơn thường xuyên cử thành viên tham gia các lớp tập huấn về cách thức nuôi, chăm sóc cá lồng do các đơn vị tổ chức. Trực tiếp là sự tư vấn của cán bộ Tổ Tư vấn thủy sản huyện về kỹ thuật chăm sóc, phòng và trị bệnh cho cá.

Đến nay, HTX Hợp Lực cũng đã hoàn thiện quy trình nuôi cá bài bản. Mỗi lồng cá được cắm biển, ghi chép cẩn thận về ngày xuống giống, chủng loại giống, loại cám cho ăn... 

Nhờ có sổ ghi chép các lồng nuôi về lượng thức ăn, thuốc phòng bệnh..., HTX dễ dàng giám sát quy trình nuôi, bảo đảm chất lượng và hiệu quả từng lồng nuôi cá, phục vụ truy xuất nguồn gốc khi tiêu thụ.

Nhờ có quy trình nuôi cá sạch, quá trình sinh trưởng của cá được bảo đảm, ít xảy ra dịch bệnh, chất lượng sản phẩm tăng, giúp hiệu quả chăn nuôi cá của HTX được nâng lên. 

Cuối năm 2016, HTX được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP. HTX Hợp Lực trở thành một trong những HTX thủy sản đầu tiên ở huyện Quỳnh Nhai được công nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP.

Ảnh hưởng Covid - 19, trăm tấn cá đặc sản ế ẩm, người dân Sơn La thiệt đơn, thiệt kép - Ảnh 2.

Hiện mỗi ngày ông Sơn tiêu tốn trên dưới 100 triệu đồng tiền thức ăn phục vụ đàn cá đặc sản.

Theo đó, quy trình nuôi cá lồng tại HTX  với một lồng rộng 70m², nuôi 500 con, thời gian nuôi từ 13 - 15 tháng sẽ năng suất đạt khoảng 1,3 tấn cá/lồng. Doanh thu bình quân của HTX đạt 85 triệu đồng/lồng, lợi nhuận bình quân đạt 21,5 triệu/lồng. 

"Các năm trước khi có dịch, tính ra, với hơn 200 lồng nuôi cá trắm đen, cá lăng nha, lăng đen..., mỗi năm chúng tôi đạt doanh thu trên dưới 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm nay tiêu thụ cá khó khăn, cứ đà này HTX sẽ bị thua lỗ nặng", ông Sơn buồn rầu chia sẻ.

Cá thương phẩm không có nơi tiêu thụ, thiếu thức ăn, đàn cá lăng râu tại trang trại ông Sơn quay sang cắn xé, ăn thịt lẫn nhau dẫn đến bị chết la liệt hàng tạ mỗi ngày càng làm cho trang trại bị thiệt hại nặng hơn. 

"Lăng râu chủ yếu ăn cá tép nhỏ ở lòng hồ nhưng thời gian gần đây địa phương cấm đánh bắt loại thủy sản này nên cá nuôi thiếu chất cắn nhau chết la liệt, đau xót vô lắm", ông Sơn than thở.

Ảnh hưởng Covid - 19, trăm tấn cá đặc sản ế ẩm, người dân Sơn La thiệt đơn, thiệt kép - Ảnh 3.

Ông Sơn (áo đen) rất mong chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn và kết nối giúp đơn vị của ông tiêu thụ cá đặc sản.

Theo nhiều chủ trang trại nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La, trước khi xảy ra đại dịch các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội và các tỉnh, thành thu mua rất nhiều cá đặc sản. Có thời điểm, giá cá lăng khoảng trên 120.000 đồng/kg, cá trắm tùy loại trên dưới 90.000 đồng/kg... 

Nhưng đến giờ, các đơn vị đầu mối này hoạt động cầm chừng hoặc tạm nghỉ dịch. Giá cá giảm sâu trên dưới 50% nhưng vẫn vắng người mua.

Cùng trong tình cảnh với HTX Hợp Lực, nhiều HTX khác trên lòng hồ Thủy điện Sơn La gặp khó khăn  đang tìm mọi giải pháp để cầm cự, bám trụ với nghề nhưng đều lực bất tòng tâm.

Ảnh hưởng Covid - 19, trăm tấn cá đặc sản ế ẩm, người dân Sơn La thiệt đơn, thiệt kép - Ảnh 4.

Ông Lừ Văn Tuyên chán nản vì cá lồng nuôi đến tuổi bán không có người mua.

Sau đợt dịch Covid-19 đầu tiên năm 2020, HTX Hương Tuyên bị ảnh hưởng và thiệt hại khá nặng không còn nguồn lực để đầu tư nuôi cá lồng quy mô lớn. Đơn vị này buộc phải điều chỉnh và chọn nuôi cá trắm trắng và rô phi. Tuy nhiên, đến giờ cá nuôi đã đến tuổi bán cũng không có nơi tiêu thụ.

"Để giảm bớt chi phí đầu vào, chúng tôi thường nhập trực tiếp thức ăn từ các nhà máy nhưng mấy tháng qua giá cám tăng cao quá mà cá thương phẩm nuôi ra khó bán, các thành viên trong HTX đều đã đuối sức rồi", ông Lừ Văn Tuyên - Giám đốc HTX Hương Tuyên chán nản nói.

Tính đến thời điểm này, toàn huyện Quỳnh Nhai đang có khoảng 47 hợp tác xã nuôi cá lồng với trên dưới 7.000 lồng cá trên mặt lòng hồ thủy điện Sơn La đều đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Ông Điêu Chính Hải - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Nhai cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ, huyện cũng rất quan tâm và thường xuyên phối hợp với các ban, ngành trong tỉnh, liên kết với các doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản xuất từ khâu kỹ thuật làm lồng, xúc tiến thương mại...nhưng do đại dịch Covid-19 xảy ra nên mọi việc bị ảnh hưởng và ngưng trệ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem