Thêm sáng kiến, thêm an toàn

Thứ ba, ngày 10/09/2013 11:27 AM (GMT+7)
Từ khi tiếp cận chương trình cải thiện điều kiện lao động trong sản xuất nông ghiệp (WIND), nông dân ở nhiều vùng quê nông thôn Bình Định đã có nhiều sáng kiến hữu ích để hạn chế tai nạn.
Bình luận 0
Nông dân học nhau cùng cải tiến

Lão nông Dương Văn Thông, 67 tuổi, ở thôn Phú Lâm, xã Tây Phú (huyện Tây Sơn) được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, vừa mua 1 chiếc máy cày làm đất đa năng loại 1Z - 41B. Đem sử dụng, ông phát hiện ngay một số hạn chế của máy như tản nhiệt kém, không xới được cỏ và một số bộ phận chưa an toàn. Ông bèn tìm cách cải tiến cho phù hợp.

Ông Dương Văn Thông giới thiệu máy làm đất đa năng được cải tiến.
Ông Dương Văn Thông giới thiệu máy làm đất đa năng được cải tiến.

“Thằng con tôi làm thợ gò hàn, sửa chữa máy nông nghiệp, tôi bảo nó lắp thêm cái quạt gió để giải nhiệt cho chiếc máy cày đa năng, vì công suất máy 8CV mà bình nước làm mát quá nhỏ, không đủ sức làm mát mỗi khi máy hoạt động nhiều giờ; thứ hai là cải tiến bộ phận để lắp lưỡi cày ải đất và làm cỏ mì (sắn), cỏ mía, cỏ đậu phộng”- ông kể. Hiện, chiếc máy của ông đã cải tiến xong phần quạt gió và lưỡi cày, chỉ tốn có 4 triệu đồng mà máy đã phát huy thêm nhiều tính năng và an toàn.

Ông Trần Văn Lành- Chủ tịch Hội ND xã Tây Phú cho biết, nghe tin ông Ba Thông có chiếc máy làm đất với nhiều hữu ích và an toàn, cả 5 ông chủ máy khác trên địa bàn xã (cùng mua máy trong mô hình dự án khuyến nông) đã đồng loạt tới tận nhà ông Thông để tham khảo, làm theo. Mặc dù chưa được trang bị kiến thức bài bản nhưng bà con nông dân ở địa phương đã biết vận dụng thông tin từ báo, đài nói về việc cải thiện điều kiện lao động trong sản xuất nông nghiệp (chương trình WIND) để cải thiện cho phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình mình. Trong đó đơn giản nhất là bà con sử dụng các loại hạt đậu săng và đậu xanh rang vàng rồi nấu nước uống để giải khát, thanh nhiệt khi cấy hái, làm đồng; sử dụng thùng quạt để rê lúa, thóc, hạn chế bụi bặm và bắn thóc ra ngoài gây tai nạn; hay như dùng máy cắt cầm tay để thu hoạch lúa, giản tiện mà tiết kiệm công sức.

Sáng tạo để làm việc hiệu quả hơn

Tại xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn), nhiều hộ trồng dưa hấu xuất khẩu có sáng kiến sử dụng các khúc ngắn ống nhựa để điều tiết nước và thoát nước tưới trong các ruộng dưa, thông qua hệ thống tưới “tam cấp”. “Đây là một cải thiện rất thiết thực mà người trồng dưa ở địa phương hay dùng, đỡ công cho bà con, đồng thời nâng cao năng suất cây trồng”- ông Nguyễn Đình Thuận- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Nghi cho hay.

Bà Lê Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh nhận xét: Tây Sơn, An Nhơn và Phù Cát là các địa phương được T.Ư Hội NDVN hướng dẫn chương trình cải thiện điều kiện lao động trong sản xuất nông nghiệp từ năm 2012. Qua đó, các sáng kiến cải thiện điều kiện lao động, an toàn lao động đã được nhân rộng.


Trong quy trình canh tác cây đậu phộng, thông thường bà con dùng bò cày rạch hàng để trỉa hạt giống. Không dừng lại đó, bà con còn chế tác ra một dụng cụ “cặm chày” là dùng cây vát nhọn để chọc lỗ. Tuy nhiên, mới đây ông Huỳnh Tiễn ở thôn Tân Thanh, xã Cát Hải, huyện Phù Cát đã khắc phục sự tốn công và nhọc nhằn của việc cặm chày bằng cách lắp ráp máy trỉa hạt đậu phộng. Máy này trỉa được 700m2/giờ (khoảng 5.000m2/ngày), thay thế 8 - 10 công lao động thủ công.
Đào Minh Trung (Đào Minh Trung)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem