Thí điểm tiêu thụ nông sản: Nông dân bị ăn bớt tiền?

Thứ tư, ngày 23/05/2012 12:52 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo phản ánh của nông dân tại Hải Dương, đang xảy ra tình trạng doanh nghiệp ăn bớt tiền hỗ trợ của những người dân được tham gia vào mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản theo hợp đồng.
Bình luận 0

Thực hiện Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về "Đề án Phát triển thương mại nông thôn 2011-2015", Bộ Công Thương đang cùng các tỉnh triển khai mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản theo hợp đồng. Tuy nhiên, theo phản ánh của bà con nông dân, tại Hải Dương đang xảy ra tình trạng doanh nghiệp (DN) ăn bớt cả tiền hỗ trợ của những người dân được tham gia vào mô hình này.

Doanh nghiệp ép dân đủ đường

Bà Nguyễn Thị Ngọc (ở xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc) là một trong 275 hộ tham gia thí điểm trồng cây bí ngô siêu ngọt. Đáng lẽ, khi tham gia vào mô hình này, bà sẽ được hỗ trợ nhiều khoản, từ giống, phân bón đến bao tiêu sản phẩm, nhưng đến nay bà vẫn phải tự trồng, tự bán sản phẩm.

img
Dù tham gia mô hình, nhưng hầu hết các hộ dân trồng bí siêu ngọt ở xã Toàn Thắng (Gia Lộc, Hải Dương) vẫn không được hỗ trợ.

Bà Ngọc cho biết: "Thực tế, chúng tôi mới chỉ được hỗ trợ bằng một lớp tập huấn về kỹ thuật, một phần giống, còn lại không có gì cả". Theo bà Ngọc, đáng lẽ chúng tôi phải được hỗ trợ 20% phân bón theo như mô hình, nhưng đến nay tôi vẫn phải tự đi mua toàn bộ phân bón, chẳng thấy có ai hỗ trợ gì cả.

Để thực hiện mô hình này, tỉnh Hải Dương đã quyết định chọn Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Hải Dương là đơn vị thực hiện. Song qua phản ánh, nhiều nội dung đề ra trong dự án thí điểm đã không được DN thực hiện đúng như cam kết.

Ông Phạm Văn Nhần, ở thôn Bãi Hạ, xã Toàn Thắng (huyện Gia Lộc), bức xúc: "Công ty chưa sát sao với với nông dân thông qua hợp tác xã (HTX). Bởi theo quy định của dự án, người nông dân phải được hỗ trợ một phần về giống, vật tư nông nghiệp và giá, nhưng các hộ nông dân mới chỉ được DN hỗ trợ 50% chi phí tiền giống, còn phân bón vẫn chưa được hỗ trợ".

Theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, có 2 dự án xây dựng mô hình DN- liên hiệp HTX/HTX - nông dân và DN- hộ kinh doanh- nông dân với việc xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và không tập trung được triển khai trên địa bàn 12 tỉnh với mỗi mô hình được hỗ trợ 500 triệu đồng. Tổng kinh phí 2 dự án là 12 tỷ đồng.

Cũng theo ông Nhần, tới vụ thu hoạch, nông dân phải giục mãi, DN mới thu mua, đã thế lại còn mua thấp hơn giá thị trường, bởi trong khi giá bí ngô thị trường lên tới 6.500 đồng/kg, DN vẫn chỉ mua của người dân với giá 4.500 đồng/kg. Thậm chí, sau khi bán sản phẩm, công ty còn nợ tiền của người dân tới 3 tháng mới trả hết.

Theo phản ánh của nhiều bà con trồng bí ngô siêu ngọt, do DN không thực hiện đúng cam kết nên trong số 275 hộ ở xã Toàn Thắng tham gia dự án, thì có tới 70% hộ phá vỡ hợp đồng, bán sản phẩm ra ngoài thị trường.

Cũng theo tìm hiểu của NTNN, trong số 2 DN ở Hải Dương tham gia mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản, thì có 1 DN rơi vào tình cảnh khó khăn, đang chuẩn bị… phá sản. Mặt khác, khi triển khai dự án, vai trò của chính quyền địa phương còn mờ nhạt, chưa nắm được việc DN có hỗ trợ tiền giống, phân bón cho người dân hay không và hỗ trợ ở mức nào.

Chỉ là… thí điểm

Trả lời phóng viên NTNN về vấn đề trên, ông Mai Văn Hội - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Thực tế, đây mới chỉ là mô hình… thí điểm, hơn nữa DN cũng chưa có điều kiện để bù giá cho người nông dân khi giá thị trường lên cao. Tuy nhiên, nếu đúng là có hiện tượng DN không thực hiện hỗ trợ theo quy định của dự án, chúng tôi sẽ kiểm tra lại và yêu cầu thực hiện đúng quyền lợi cho người dân".

Nông dân được... đi chơi

Là một trong những hộ dân được tham gia mô hình thí điểm, ông Phạm Văn Nhần, ở xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc cho biết: "Cái được nhất khi tham gia mô hình này đối với nông dân chúng tôi là được… đi chơi. Cụ thể, ngoài một hội nghị triển khai, một hội nghị tập huấn và cuối cùng tổng kết (mỗi lần dự được 30.000 đồng), bà con còn được đi du lịch một chuyến ở Sầm Sơn. Theo tôi, nên để số tiền đó hỗ trợ bà con kỹ thuật trồng trọt sẽ thiết thực hơn".

Có một điều trớ trêu khi thực hiện mô hình này là, có DN được tham gia mô hình này, nhưng lại chẳng biết nông dân được hỗ trợ cái gì như trường hợp của ông Nguyễn Anh Bến - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bến Thành. Trao đổi với chúng tôi, ông Bến nói: "Thực tình, tôi cũng chẳng nhớ rõ hỗ trợ nông dân cái gì và trị giá bao nhiêu tiền. Số liệu cụ thể hỗ trợ nông dân cần có sổ sách mới đưa ra chính xác được".

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa thừa nhận: "Qua triển khai mô hình thí điểm vẫn còn tồn tại những trường hợp DN chưa điều chính giá theo thực tế, chưa hỗ trợ đúng cho nông dân. Nếu chỉ đưa ra biện pháp hành chính cũng rất khó tháo gỡ vấn đề này. Do đó, rất cần có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa của chính quyền địa phương".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem