"Thi đua khen thưởng có thể tạo ra sự háo danh và bệnh thành tích"
Thi đua khen thưởng không đúng có thể tạo ra sự háo danh và bệnh thành tích
Sông Bùi
Thứ bảy, ngày 23/10/2021 15:32 PM (GMT+7)
Đó là ý kiến của đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn TP.Hà Nội) trong thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Ngày 23/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Các danh hiệu thi đua phải mang tính thực chất
Thảo luận tại tổ Hà Nội, Đại biểu Phạm Xuân Ấn cơ bản đồng tình với việc sửa đổi Luật thi đua, khen thưởng, song cho rằng các thay đổi vẫn chỉ hướng đến các đối tượng là cán bộ, công chức, chứ không phải các doanh nghiệp, người lao động trực tiếp.
Cùng với đó, cần bỏ bớt trình tự thủ tục mang tính hình thức như bản thân người được khen phải tự báo cáo thành tích. Còn việc khen thưởng tập thể không có cá nhân nào bị xử lý kỷ luật thì đơn vị đó có thể che giấu; hoặc đòi hỏi phải liên tục nhiều năm liền có thành tích thì cũng có thể thiệt cho đơn vị đó nếu có một năm không đạt kết quả tốt.
Điều quan trọng là các danh hiệu thi đua phải mang tính thực chất, chứ không phải phong trào.
Đại biểu Trương Xuân Cừ cũng bày tỏ sự đồng tình khi Luật thi đua, khen thưởng sửa đổi nhấn mạnh đến việc quan tâm đến người lao động có thể có danh hiệu, song thực tế đây vẫn là vấn đề khó khăn. Nếu không có sự đột phá để khích lệ những doanh nghiệp, người lao động trực tiếp thì rất khó có thể được danh hiệu thi đua khen thưởng.
Theo đại biểu Cừ, hiện nay các tiêu chí, tiêu chuẩn vẫn chung chung, chủ yếu dành cho cán bộ, công chức khối cơ quan hành chính nhà nước. Vì thế, việc sửa đổi cần xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cần cụ thể, hạn chế chung chung. Cụ thể, với doanh nghiệp tư nhân, người lao động nộp thuế bao nhiêu có thể được. Để Luật thi đua, khen thưởng trở thành động lực để các đối tượng được khen thưởng tiếp tục có nhiều đóng góp cho xã hội. Việc thi đua cần gắn với thành tích, đóng góp của cá nhân.
Bên cạnh đó, quy trình thủ tục thi đua hiện nay do các cơ quan thi đua khen thưởng thực hiện, song với khối doanh nghiệp tư nhân, người lao động sản xuất trực tiếp lại không có người đảm nhận việc này, có thể bỏ sót những tập thể, cá nhân cần được khen thưởng. "Hiện các cơ quan nhà nước có quỹ khen thưởng dùng ngân sách nhà nước, vậy các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước không có quỹ này thì cần phải tính đến", ông Cừ nói.
Đáng chú ý, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, thi đua khen thưởng không đúng có thể tạo ra sự háo danh và bệnh thành tích. Ví dụ để đạt được NSND và NSUT là các nghệ sĩ biểu diễn, một số lĩnh vực không có ai vì không biểu diễn nên không có huân, huy chương để được xét tặng các danh hiệu này.
"Đó là câu chuyện, nhiều hội thi hội diễn để có huy chương, giải thưởng để xét tặng danh hiệu chứ không có khán giả, vẫn còn nặng tính hình thức trong giới nghệ sĩ", vị đại biểu Đoàn TP.Hà Nội nói.
Nhìn nhận điện ảnh như một ngành kinh tế
Đóng góp ý kiến về Luật Điện ảnh sửa đổi, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc sửa đổi Luật điện ảnh là cần thiết, giúp cho ngành phát triển tốt và lan tỏa ra các ngành khác. Dự kiến 2030 đóng góp điện ảnh Việt Nam là 250 triệu USD, đóng góp lớn cho nền kinh tế, cùng với đó là du lịch, thời trang, ẩm thực. Cho thấy điện ảnh lan tỏa đến các ngành kinh tế khác.
"Việc sửa đổi Luật điện ảnh cần xem xét đến 3 khía cạnh, vì điện ảnh không chỉ là giải trí mà là ngành công nghiệp văn hóa nên việc sửa luật phải khác. Cụ thể, việc sửa đổi phải theo xu thế phát triển văn hóa của thế giới; phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm; tăng hậu kiểm và giảm tiền kiểm vì điện ảnh phát triển trong nền kinh tế thị trường. Cùng với đó, cần chú ý đến quyền sáng tạo, hưởng thụ, nhu cầu đa dạng của người dân", đại biểu Sơn nói.
Nói thêm về lý do phim Việt Nam đạt giải ở nước ngoài nhưng về Việt Nam bị cấm, đại biểu Sơn cho hay: “Do các bộ phim này làm theo đặt hàng hoặc xin tài trợ của các quỹ nước ngoài. Nếu làm phim để đáp ứng thị hiếu, đặt hàng của nước ngoài thì nhiều khi nó bị méo mó so với thị hiếu, đạo đức của người Việt. Vì thế, cần phải có quỹ điện ảnh để điều tiết câu chuyện đó, cần có những bộ phim “của người Việt, cho người Việt và vì người Việt”, nếu không có thì nền điện ảnh không phát triển được”.
Đại biểu Bùi Huyền Mai cho rằng, cần phải sửa đổi Luật Điện ảnh cho phù hợp với thực tiễn, với 4 nhóm chính sách và phải bảo đảm cụ thể, khả thi.
Trong đó, cần phải đặt ra các vấn đề cụ thể, như: Khi sửa đổi phải bảo đảm thúc đẩy nền nghệ thuật điện ảnh Việt Nam, mặc dù đã sửa đổi 3 lần, song lần này vẫn chưa rõ; bảo đảm tôn trọng các quy định về tác quyền, phải bảo đảm hướng tới nhưng dự thảo chưa có; bảo đảm thể chế hóa các quy định của nhà nước, hướng tới công nghiệp văn hóa, đóng góp GDP của Việt Nam, cần hướng tới điều đó như thế nào.
Về quỹ hỗ trợ điện ảnh, đại biểu Mai cho rằng, các hoạt động quỹ chưa hiệu quả nên, có đầu tư không giải ngân được nên không tiếp tục. Về quy định phổ biến phim trên không gian mạng, khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để thích ứng với thế giới.
"Thực tế phim trên không gian mạng nhiều khó kiểm soát. Quy định về nhà sản xuất tự phân loại, tự đánh giá, tự đưa các cảnh báo thì rất khó kiểm soát, khó quản lý, mất công bằng khi các nhà sản xuất phim chiếu rạp phải xin phép. Cùng với đó là vấn đề bản quyền, an ninh mạng, nên các nội dung này cần tạo hành lang pháp lý mở hơn với thế giới song cần cân nhắc để có sự kiểm soát của nhà nước nhằm bảo đảm an toàn trên không gian mạng", đại biểu Mai nói.
Còn đại biểu Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc đầu tư, phát triển nguồn nhân lực viết kịch bản còn chưa được quan tâm một cách thỏa đáng, nên khi sửa Luật Điện ảnh cần được chú trọng hơn. Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận xét, Luật Điện ảnh sửa đổi chỉ chú trọng đến khâu phát hành phim mà khâu sản xuất còn mờ nhạt, chưa rõ việc huy động nguồn lực xã hội về tài chính, trí tuệ để phát triển điện ảnh hiện đại. Đây là điều Ban soạn thảo cần lưu ý…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.