Kịch vụng hay sẩy chân?
Sau đêm công bố kết quả của top 6 Vietnam Idol, một nghi vấn đã dấy lên về kết quả phiếu bình chọn thấp nhất của Hoàng Quyên. Phần lớn khán giả xem truyền hình tối hôm đó đều cho rằng, việc sắp xếp để Hoàng Quyên bị loại vì phiếu bầu thấp nhất, rồi giám khảo ra tay cứu vớt là một kịch bản khá “thô” của Ban tổ chức nhằm hâm nóng cho cuộc thi.
|
Bùi Anh Tuấn tiếp tục được khán giả bình chọn nhiều nhất sau liveshow 8. |
Nghi vấn này là hoàn toàn có cơ sở, năm 2010, quán quân cuộc thi là Uyên Linh cũng từng suýt bị loại, nhưng nhờ có Đăng Khoa xin bỏ cuộc nên cô không phải nhờ tới chiếc phao của Ban giám khảo. Năm nay, Hoàng Quyên là một thí sinh được kỳ vọng nhiều nhất, giám khảo dường như chỉ có mỗi việc ngồi ngợi khen các phần trình diễn của cô, thế nhưng vì suốt từ đầu chương trình, giám khảo chưa cứu thí sinh nào, mà quyền cứu thí sinh chỉ tồn tại đến top 6 là hết hiệu lực. Có lẽ bởi thế mà một công đôi việc, nhà sản xuất “cho” Hoàng Quyên vào vòng nguy hiểm, để giám khảo ra tay cứu và các báo còn có chuyện mà hâm nóng về cuộc thi (!?).
Thế nhưng nếu ngược lại, việc Hoàng Quyên suýt bị loại vì số phiếu bầu thấp nhất không phải là một kịch bản hâm nóng vụng về của nhà sản xuất, thì rõ ràng, đó là một quả đắng của các sân chơi tìm kiếm giọng hát trên truyền hình hiện nay. Mặc cho giám khảo cứ khen, cứ xúc động nghẹn ngào sau mỗi phần trình diễn của thí sinh được xếp vào hạng “gà nòi”, khán giả cứ bỏ phiếu bình chọn cho người mà họ yêu thích, liệu rồi sẽ làm gì nhau đây khi luật chơi đã đặt ra như thế?
Trong khi Vietnam Idol có kịch bản hát tốt vẫn suýt bị loại thì Giọng hát Việt lại có một trường hợp hài hước hơn, đó là thí sinh Bùi Anh Tuấn - chưa thi đã biết mình chắc chắn đậu. Trong đêm thi tối 9.12 vừa qua, Bùi Anh Tuấn- như mọi đêm trước, lúc nào cũng áp đảo hơn 50% số phiếu bầu dành cho các thí sinh đội Hồ Ngọc Hà, bất kể phong độ trồi sụt thế nào, bài hát lựa chọn thiếu phù hợp ra sao.
Chỉ là game show
Có lẽ thông qua những gì đang diễn ra tại Vietnam Idol và Giọng hát Việt thời điểm này, khán giả truyền hình cảm nhận rõ hơn ai hết rằng các cuộc thi hát dạng này chỉ là một game show (trò chơi trên truyền hình) không hơn không kém. Cuộc chơi ấy có mục đích chính là tìm kiếm lợi nhuận từ quảng cáo, từ tài trợ, từ tin nhắn bình chọn, còn tìm kiếm người có khả năng ca hát thực thụ chỉ là mục đích phụ. May ra thì sẽ tìm được một người xứng đáng có chỗ trên sân khấu ca nhạc, còn phần nhiều chỉ là cung cấp thêm những “thợ hát” làng nhàng với những danh xưng kêu như chuông.
Chưa có một cuộc thi nào như Giọng hát Việt, nhờ sự mới lạ và một bộ máy lăng xê chuyên nghiệp, các thí sinh của sân chơi này, dù chưa “sạch nước cản”, nhưng nghiễm nhiên có thể hét giá cát xê ngang ngửa với các ca sĩ đã hàng chục năm tuổi nghề.
Chính bởi một thực tế khá lệch lạc, đó là ý kiến các nhà chuyên môn không quan trọng bằng tin nhắn khán giả đang tràn lan trên các sân chơi tìm kiếm giọng hát trên truyền hình nên kết quả là sân khấu ca nhạc cả nước mỗi năm lại được đón nhận thêm hàng chục “tài năng mới”. Thế nhưng đáng buồn vì họ là các ca sĩ thành danh nhờ tin nhắn chứ không phải bằng lao động chuyên môn rèn giũa nghiêm túc trong trường nhạc.
Như trường hợp của Bùi Anh Tuấn là một ví dụ rất khó hiểu, thực lòng mà nói, chàng ca sĩ trẻ này không có gì quá xuất sắc và nổi bật cả về ngoại hình lẫn giọng hát, thế nhưng nhờ có trào lưu hâm mộ có phần “cuồng” của các fan nữ tuổi teen, thí sinh này chắc chắn sẽ còn tiến xa như một “hiện tượng” của năm nay.
Mai An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.