Thí sinh “trù trừ” đậu nguyện vọng 1 nhưng muốn học nguyện vọng 2, cẩn thận kẻo trượt oan

Anh Tuấn Thứ hai, ngày 24/07/2023 16:04 PM (GMT+7)
Chỉ còn vài ngày nữa, Hệ thống đăng ký nguyện vọng xét tuyển của Bộ GDĐT sẽ đóng. Tuy nhiên, có thí sinh dù đã đăng ký nguyện vọng năm 2023 nhưng vẫn cảm thấy do dự và đặt câu hỏi “lỡ đậu nguyện vọng 1 nhưng muốn nguyện vọng 2 thì có được không?”.
Bình luận 0

Đã chốt nguyện vọng xét tuyển nhưng vẫn do dự "đậu nguyện vọng 1 nhưng muốn xét tuyển nguyện vọng 2"

Nguyễn Thị Minh Hà (Trường THPT Long Châu Sa, Phú Thọ) năm nay đăng ký 4 nguyện vọng xét tuyển, trong đó nguyện vọng 1 em đăng ký xét tuyển vào khoa Răng Hàm Mặt – Đại học Duy Tân theo hình thức xét tuyển học bạ, nguyện vọng 2 em đăng ký xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học Hà Nội. Hà cho biết, theo thông báo của nhà trường, em đã trúng tuyển nguyện vọng 1. Còn nguyện vọng 2, vì xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT nên em đang chờ Trường Đại học Hà Nội công bố điểm chuẩn trong thời gian tới.

Tự tin với kết quả xét tuyển của mình, Hà đã "chốt" 4 nguyện vọng ngay khi Bộ GDĐT mở cổng đăng ký nguyện vọng được vài ngày sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT 2023. Tuy nhiên, nữ sinh này vẫn rất trù trừ vì nguyện vọng 1 là ngành bố mẹ thích chứ không phải ngành nữ sinh này thích.

"Bố mẹ em đều là bác sĩ nha khoa nên muốn theo nghề này, để đảm bảo kết quả trúng tuyển em đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào Trường Đại học Duy Tân. Tuy nhiên em không quá thích ngành này, đồng thời nếu học em phải vào tận Đà Nẵng thuê trọ", nữ sinh nói.

Hà cho biết thêm, thật ra em rất thích ngành Ngôn ngữ Anh dù thời gian vừa rồi các Tiktoker "đồn" đó là ngành học vô dụng. Qua tìm hiểu, Hà cho rằng những lời nhận xét của các Tiktoker là vô căn cứ.

"Em băn khoăn liệu em đậu nguyện vọng 1 nhưng muốn học nguyện vọng 2 ngành Ngôn ngữ Anh có được xét nguyện vọng 2 hay không?", Hà chia sẻ.

Về vấn đề này, tại một tọa đàm, Ths Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, thí sinh phải cẩn thận khi sắp xếp nguyện vọng và có chiến lược nguyện vọng đúng, nếu trúng tuyển thì các nguyện vọng khác đều không có ý nghĩa.

Thí sinh “trù trừ” đậu nguyện vọng 1 nhưng muốn học nguyện vọng 2, cẩn thận kẻo trượt oan - Ảnh 1.

Đậu nguyện vọng 1 có được xét tuyển nguyện vọng 2 không là câu hỏi nhiều thí sinh quan tâm. Ảnh mih họa: Gia Khiêm

"Phải định hình chiến lược lựa chọn ngành nghề để không lãng phí thời gian và công sức, để tăng cơ hội trúng tuyển, đừng bỏ qua các phương thức. Con đường đi học không quá không khó khăn. Chúng ta phải có chiến lược, lựa chọn đúng mục tiêu, đam mê…", ThS Trị nhấn mạnh.

Ths Trương Quang Trị cho biết thêm: "Nếu đậu nguyện vọng 1 mà từ chối nhập học vì không thích, chờ nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 thì phải cẩn trọng, xem các trường đó xét tuyển nguyện vọng bổ sung không, nếu các trường đủ chỉ tiêu, không bổ sung, thí sinh sẽ không trúng tuyển".

Theo các chuyên gia tuyển sinh, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng. Tuy nhiên, điểm dùng xét tuyển để sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên giảm dần, ngành nghề nào trường nào yêu thích nhất, thí sinh nên để ở vị trí nguyện vọng cao hơn.

Ths Phạm Doãn Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM cho biết, trong khoảng thời gian đăng ký nguyện vọng 2023, thí sinh phải chú ý 3 điều. Thứ nhất, thí sinh phải có định vị tốt về bản thân để chọn ngành nghề, xác định rõ về năng lực, sở trường phù hợp, tính cách. Thứ hai, thí sinh tìm hiểu ngành nghề, yếu tố đòi hỏi về ngành nghề. Thứ ba, phải tìm hiểu trường, học phí, học bổng, giảng viên, vị trị địa lý và các chính sách hỗ trợ sinh viên, để khi trúng tuyển rồi thì xác định nhập học chứ không cần phải lo lắng.

Không nên đăng ký quá ít, cũng như quá nhiều nguyện vọng

Tại Ngày hội tư vấn lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng 2023 vừa diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT cho hay, hệ thống mới ghi nhận gần 390.000 thí sinh đăng kí xét tuyển (tức là chiếm khoảng 37% tổng số thí sinh đã đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023), có đến 72.000 thí sinh chỉ đăng kí duy nhất 1 nguyện vọng xét tuyển đại học.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, thí sinh không nên chỉ chọn 1 nguyện vọng duy nhất hoặc dồn tất cả nguyện vọng vào các trường tốp cao mà san đều nguyện vọng ở những nhóm trường có mức độ cạnh tranh khác nhau. Bà Thủy cũng cho rằng không nên đăng ký hàng trăm nguyện vọng xét tuyển vì như vậy vừa lãng phí tiền bạc, lại không sử dụng hết các nguyện vọng.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khuyên, nguyện vọng nào các em thực sự yêu thích, mong muốn được trúng tuyển nhất dù là bằng phương thức nào, hãy đặt lên đầu tiên.

TS Lê Xuân Trường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP.HCM cho rằng, sau khi biết điểm thi, ngưỡng điểm sàn thì thí sinh nên tranh thủ đăng ký xét tuyển sớm, ít nhất 5-7 ngày trước mốc 30/7, nếu đợi đến phút chót không may gặp sự cố sẽ rất đáng tiếc.

Theo Bộ GDĐT, năm nay, thí sinh có thời gian thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng đại học từ ngày 10/7 đến 17h ngày 30/7, tức là 20 ngày và không giới hạn số lần trên hệ thống của Bộ GDĐT.

Như vậy, thí sinh được đổi nguyện vọng sau khi biết điểm thi với điều kiện vẫn nằm trong khoảng thời gian Bộ GDĐT cho phép đăng ký, thay đổi nguyện vọng. Sau ngày 30/7, Hệ thống chính thức đóng lại, thí sinh không thể chỉnh sửa nguyện vọng được nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem