Thị trường đỏng đảnh, dịch bệnh tràn lan, nông nghiệp vẫn bứt phá

Anh Thơ Thứ sáu, ngày 28/06/2019 18:32 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát và diễn biến phức tạp ở 60 tỉnh, thành phố trong cả nước, thời tiết diễn biến bất thường, thị trường một số mặt hàng nông sản không ổn định, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả khả quan.
Bình luận 0

Kim ngạch xuất khẩu đạt 19,77 triệu USD

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 2,71% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) tăng khoảng 1,44%, lâm nghiệp tăng 4,2%, thủy sản tăng khoảng 6,47%.

img

img

   Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chính tăng trưởng khả quan. Ảnh: I.T

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, có một tín hiệu rất đáng mừng đối với ngành nông nghiệp là đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế lớn chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Đối với ngành trồng trọt, chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác được thực hiện quyết liệt, đã có 51.450ha đất lúa (39.950ha  ở miền Nam, 11.500ha ở miền Bắc) được chuyển sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản; tăng 18.650ha so với cùng kỳ năm 2018. Việc tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn được áp dụng không chỉ trên lúa, mà còn trên nhiều đối tượng cây trồng khác.

Do có thị trường tiêu thụ tốt, nên hầu hết sản lượng các cây ăn quả chủ lực đều tăng, cụ thể: Cam đạt 312.300 tấn, tăng 3,79%; Bưởi đạt 196.500 tấn, tăng 14,11%; thanh long đạt 572.300 tấn, tăng 11,1%; xoài đạt 516.600 tấn, tăng 7,83%...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, đàn bò tăng khoảng 2,6%, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 192.500 tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018. Đàn gia cầm phát triển tốt với mức tăng khoảng 7,5%, sản lượng thịt gia cầm hơi đạt 660.900 tấn, tăng 8,6%; sản lượng trứng đạt 7,0 tỷ quả, tăng 11,4%. Riêng chăn nuôi lợn, do dịch tả lợn châu Phi đang lây lan trên diện rộng, nên sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2019 giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã được ký kết và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2019. Hiệp định VPA/FLEGT gửi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam và EU đối với việc thúc đẩy thực hiện Chương trình “Thương mại và phát triển bền vững” của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.

Ngành thủy sản cũng đạt được con số tăng trưởng ấn tượng, với tổng sản lượng thủy sản đạt 3,7 triệu tấn, tăng 6% so với  cùng kỳ năm 2018. Trong đó, sản lượng cá tra đạt 652.000 tấn, tôm nước lợ đạt 278.000 tấn.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, có một tín hiệu rất đáng mừng đối với ngành nông nghiệp là đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế lớn chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp (6 tháng đầu năm 2019, có 11 dự án với tổng mức đầu tư trên 11.415 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động). “Khi các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, sẽ tạo nên một bước đột phá về chế biến, xuất khẩu nông sản”.

Trong bối cảnh nhiều thị trường đang gặp khó khăn, chúng  ta đã mở cửa các thị trường mới đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu, như xoài vào Mỹ, Anh, Úc; măng cụt vào Trung Quốc... Điểm nổi bật trong công tác xúc tiến thương mại quốc tế là sự nỗ lực tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại thị trường lớn Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc tiếp tục mở cửa cho 8 mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này (sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt); Cấp phép nhập khẩu tổ yến và các mặt hàng thủy sản như cua, cá ngừ, cá rô phi, nghêu…

Cơ cấu theo 3 trục sản phẩm

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, kết quả sản xuất kinh doanh toàn ngành 6 tháng đầu năm cho thấy xuất hiện nhiều khó khăn trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng ngành năm 2019, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng, tiếp tục có diễn biến phức tạp. Do đó, nhằm đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2019, cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.

Để đạt được mục tiêu đề ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp và địa phương cần chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng nông thôn mới theo 3 trục sản phẩm (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”).

Tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định; triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các hiệp định tự do thương mại đem lại, tăng cường hoạt động phát triển thị trường.

Tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết vướng mắc sản phẩm: Gỡ thẻ vàng của EC đối với thuỷ sản; thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, khối Liên minh Á - Âu...; hoàn tất thủ tục xuất khẩu sữa và thịt lợn sữa sang Malaysia, trứng gia cầm muối sang Singapore, trứng gia cầm sống sang Myanmar, thịt gà chế biến và trứng gia cầm muối sang Hàn Quốc; sản phẩm chế biến gia cầm, trứng sang Nhật Bản; hoàn tất các hồ sơ kỹ thuật xuất khẩu vào Trung Quốc (sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, khoai lang, roi, na, măng cụt), Mỹ (bưởi, bơ, sầu riêng), Nhật Bản (nhãn, vải, bưởi, chôm chôm, vú sữa)…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem