Thị trường lúa gạo sôi động

Thứ năm, ngày 03/03/2011 15:42 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chương trình thu mua tạm trữ 2 triệu tấn lúa vụ đông xuân chính thức bắt đầu từ 1.3. Dù động thái thu mua của một số DN khá chậm, nhưng giá lúa gạo cũng có những tín hiệu khả quan và tăng nhẹ.
Bình luận 0

Nông dân "dễ thở"

img

Thu hoạch lúa đông xuân 2011 ở ĐBSCL.

Theo khảo sát của NTNN, từ cuối tuần trước đến nay, giá lúa gạo tại ĐBSCL đang bắt đầu tăng lên khá mạnh, nhất là khi các doanh nghiệp bắt đầu chương trình mua tạm trữ theo đề xuất của Hiệp hội Lương thực VN (VFA).

Tại Cần Thơ - trung tâm giao dịch lúa gạo của vùng, giá lúa thường mua tại nhà dân trong mấy ngày qua trung bình đang dao động từ 5.200-5.400 đồng/kg (lúa ướt). Còn lúa thường phơi khô, chất lượng đạt yêu cầu xuất khẩu đã leo lên mức mấp mé 6.000 đồng/kg - mức cao nhất từ tháng 2 đến nay.

Tại An Giang và Đồng Tháp, nhiều nông dân cho biết giá lúa thơm dòng Jasmine mua tại ruộng đã lên mức 5.600 - 5.800 đồng/kg. Nếu nông dân chịu khó giữ lúa thêm 2 ngày để phơi khô, có thể bán được giá trên 6.200-6.400 đồng/kg. Ông Trần Văn Út - nông dân ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ), cho biết: "Mới chưa đầy 1 tuần mà giá lúa lên 400 đồng/kg. Giá này mà không trừ chi phí công cán, lời từ 20-30 triệu đồng/ha là cái chắc rồi".

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp dự đoán:"Nhiều khả năng nông dân sẽ được hưởng lợi từ việc tăng cầu, đẩy giá lúa tiếp tục tăng nhẹ trong tuần tới!".

Doanh nghiệp vẫn lo

Ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco (TP.Cần Thơ), cho biết: “Chúng tôi được giao thu mua tạm trữ 55.000 tấn lúa trong đợt này. Hiện công ty đã bắt đầu mua tạm trữ giai đoạn đầu với số lượng dự kiến hơn 10.000 tấn và việc thu mua 2 ngày qua đang diễn ra khá suôn sẻ”. Với hệ thống kho có tổng sức chứa 100.000 tấn, ông Kiên tự tin rằng Gentraco sẽ hoàn thành kế hoạch đúng chỉ tiêu và tiến độ.

Trong khi đó, đại diện một công ty ở Đồng Tháp, lại tỏ ra quan ngại: Việc thu mua nói chung của các doanh nghiệp tại Đồng Tháp lại khá chậm… Nguyên nhân vì đầu ra các hợp đồng mới vẫn chưa "thông", trong khi các hợp đồng cũ chủ yếu xuất qua Trung Đông, châu Á và châu Phi… cũng không mấy dễ vì ảnh hưởng tình hình biến động chính trị. Một số công ty cùng được phân bổ chỉ tiêu đợt này cũng khẳng định, rất khó thu mua dứt điểm theo kế hoạch chương trình thu mua tạm trữ, vì hiện việc xúc tiến ký các hợp đồng xuất khẩu mới còn rất chậm.

Đại diện Công ty cổ phần Thương mại Du lịch Kiên Giang cho biết: Công ty vẫn chưa thể tiến hành thu mua. "Việc ký hợp đồng mới còn khó khăn vì giá sàn trong nước đưa ra khá cao trong khi phía các đối tác lại đang kỳ kèo, ép giá… Chúng tôi phải trì hoãn việc ký mới hợp đồng để có giá tốt hơn… Nếu khai thông được đầu ra, chúng tôi mới có thể đẩy mạnh thu mua sớm!"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem