Giá trị nông sản Việt còn thấp
Tại Hội thảo Triển vọng thị trường nông nghiệp Việt Nam, do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam tổ chức ngày 6.3, bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: Kinh tế Việt Nam trong năm qua tăng trưởng chậm lại với nhiều bất ổn, lạm phát cao, khả năng thanh khoản kém của hệ thống ngân hàng, cán cân thương mại thâm hụt, nhiều doanh nghiệp thua lỗ.
|
Năm 2012 sẽ rất khó khăn đối với nông sản Việt Nam. Viết Thành |
Trong bối cảnh đó, năm 2011 nông nghiệp tiếp tục là cứu cánh của cả nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 4%, tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu người dân, tạo giá trị xuất khẩu đạt 25 tỷ USD (chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu cả nước) và là ngành duy nhất có thặng dư xuất khẩu ròng đạt 9 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp VN cũng đang đứng trước những thách thức, như thị trường biến động, giá vật tư đầu vào tăng cao...
Về mặt hàng lúa gạo, TS Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, trong năm 2011, sản lượng thóc nước ta đã đạt kỷ lục 42,32 triệu tấn và xuất khẩu đạt gần 7,2 triệu tấn gạo. “Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm giảm diện tích gieo trồng. Diện tích lúa bình quân đầu người hiện đã xuống thấp, khoảng 600m2/người, cùng thực trạng sản xuất manh mún, khó áp dụng cơ giới dẫn tới thu nhập của người trồng lúa rất thấp.
Bà Yuriko Shoji, đại diện Tổ chức FAO tại VN cho rằng, để thực hiện được các dự án gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp, VN phải đặc biệt lưu tâm đến việc giữ nguồn đất cho sản xuất, nguồn nước ổn định phục vụ tưới tiêu và phải tạo ra môi trường sản xuất nông nghiệp an toàn.
Mặt khác, công tác bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn nhiều hạn chế, rủi ro trong sản xuất lương thực cũng rất cao… là những khó khăn cản trở tới sản xuất lúa gạo. Ngoài ra, chuỗi giá trị gạo lại qua nhiều khâu trung gian, chất lượng lúa còn thấp, không ổn định” - TS Nguyễn Trí Ngọc nhận định.
Còn theo ông Nguyễn Đình Bích - chuyên gia lúa gạo thuộc Viện Nghiên cứu Thương mại, khối lượng gạo hàng hoá của nước ta hiện nay tuy lớn, nhưng được sản xuất theo tập quán cũ, lạc hậu với gần 10 triệu hộ nông dân cùng rất nhiều giống khác nhau, khó kiểm soát chất lượng và độ thuần nhất về chủng loại sản phẩm… dẫn tới giá xuất khẩu không cao.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài gạo, rất nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam như cà phê, thủy sản… thường xuyên vấp phải tình trạng được mùa mất giá, nông dân chạy theo tín hiệu thị trường ngắn hạn gây lãng phí lớn cho xã hội. Các nhà đầu tư cũng gặp phải nhiều khó khăn khi tiến hành đầu tư vào các vùng chuyên canh và chế biến nông sản lớn.
Cần đầu tư mạnh cho nông nghiệp
TS Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI cho rằng, giá trị sản xuất nông nghiệp còn thấp, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có lãi còn hạn chế. Vì thế, để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, tăng giá trị nông sản, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho sản xuất nông nghiệp, phải có giải pháp kịp thời để gỡ khó cho nông dân và doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó đặc biệt là vấn đề về vốn cho sản xuất và phương thức tiếp cận các thị trường tiềm năng.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp (CAP/IPSARD) cho rằng, nông nghiệp VN đã trở thành điểm sáng trên Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos. Tuy nhiên năm 2012 diễn biến thị trường khó lường. Hàng loạt nguyên nhân khiến chúng ta phải lường trước và có bước đi phù hợp, linh hoạt như suy giảm cầu của các nước nhập khẩu, nhiều đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện, diễn biến phức tạp của các loạt dịch bệnh…
“Cần định hướng lại ngành nông nghiệp trong đó đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng (xây dựng cánh đồng mẫu lớn, liên kết chặt chẽ doanh nghiệp- nông dân…), hợp tác công tư kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết hiệp hội ngành hàng…” - ông Tuấn cho biết thêm.
Theo dự báo, thị trường nông nghiệp VN năm 2012 cả trong nước và xuất khẩu sẽ đứng trước những biến động phức tạp...
Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, năm 2012 gạo và chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực quốc gia và tạo sinh kế cho hàng triệu người dân. Ngành thủy sản và cà phê hiện đóng vai trò đầu tàu trong xuất khẩu nông lâm thủy sản nói riêng và xuất khẩu của cả nước nói chung.
Với mặt hàng gạo, TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho rằng: “Nhu cầu về calorie từ gạo ở cả khu vực thành thị và nông thôn của mỗi quốc gia trong những năm gần đây đều giảm, dẫn tới thị trường lúa gạo năm 2012 có khả năng sẽ tiếp tục đi xuống nếu Thái Lan mở kho dự trữ gạo”.
Tuy nhiên, theo TS Sơn, chúng ta vẫn cần tiếp tục đầu tư cho sản xuất lúa bằng các giải pháp dài hạn như quy hoạch vùng sản xuất lúa gạo hàng hoá; xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam; nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, bảo quản và chế biến lương thực; tăng cường nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa có năng suất cao, chống chịu tốt.
Hữu Thông - Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.