Thị trường ra "luật chơi" mới, các doanh nghiệp trăn trở đi tìm “chìa khóa” cho nông nghiệp xanh
Thị trường ra "luật chơi" mới, các doanh nghiệp trăn trở đi tìm “chìa khóa” cho nông nghiệp xanh
Trần Khánh - Thiên Ngân
Thứ sáu, ngày 05/01/2024 06:44 AM (GMT+7)
Một trong những “luật chơi” mới mà thị trường đang đòi hỏi cấp thiết ở các sản phẩm nông sản hiện nay là tính bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ để tìm cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nỗ lực sản xuất xanh, truy xuất nguồn gốc nông sản
Tháng 8/2023, lần đầu tiên Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Bộ NNPTNT giới thiệu mô hình về một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi xuất xứ và "dấu chân carbon" của từng trái thanh long sản xuất tại Bình Thuận.
Hiểu đơn giản, "dấu chân carbon" là tổng lượng phát thải khí nhà kính đến từ quá trình sản xuất, sử dụng và cuối vòng đời của một sản phẩm hoặc dịch vụ. Hệ thống nêu trên giúp người tiêu dùng trong nước và quốc tế khi mua hoặc nhập khẩu thanh long sản xuất tại Bình Thuận có thể truy xuất nguồn gốc trái cây và mức độ thực hành "xanh" hoặc thân thiện với môi trường.
Theo đó, các thiết bị thông minh tự động đo lượng phát thải khí carbon lắp đặt tại từng vườn trồng ở cả 4 phương thức canh tác: GlobalGAP, hữu cơ, VietGAP và truyền thống. Tiếp đó, dữ liệu cập nhật lên không gian mạng cho phép theo dõi và thống kê dấu chân carbon theo thời gian thực.
Không chỉ vậy, công nghệ này còn phân tích để đưa ra các giải pháp giảm phát thải carbon trong sản xuất, vận chuyển nông sản. Ngoài thanh long, hệ thống truy xuất nguồn gốc carbon số hóa cũng đã được thiết lập trên con tôm. Đây là hai trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Tuân thủ "luật chơi mới"
"Một trong những "luật chơi" mới mà thị trường đang đòi hỏi cấp thiết là tính bền vững trong sản phẩm gỗ. Đây không còn là đòi hỏi mang tính tự nguyện như trước đây mà đã trở thành điều kiện bắt buộc. Chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ chính là con đường để doanh nghiệp có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và cũng là một lợi thế khi công ty đàm phán với khách hàng mới".
Bà Lê Thị Xuyến – Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An (tỉnh Bình Dương)
Chấp nhân trả chi phí cao cho sản phẩm xanh
"Về bản chất, cây cao su có chứng nhận không khác mấy với cây không được chứng nhận. Nhưng cây cao su có chứng nhận mang hình ảnh biểu bượng cho việc đảm bảo đời sống người lao động, doanh nghiệp không phá rừng, không ô nhiễm môi trường. Trong tương lai, nhu cầu sử dụng các sản phẩm xanh, sạch ngày càng tăng ở trong nước và thế giới. Người tiêu dùng sẽ nhận thức việc bỏ ra một khoản chi phí cao hơn để sử dụng sản phẩm cao su bền vững là tốt cho cả cộng đồng. Tôi tin rằng điều này sẽ mang lại kết quả tốt hơn cho mọi người".
Ông Trương Văn Cư - Tổng Giám đốc Cao su Tân Biên,huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh)
Cũng liên quan đến vấn đề khai thác các nền tảng kỹ thuật số để giám sát và theo dõi dấu chân carbon, ứng dụng Rice Hero đã ra mắt và giới thiệu là ứng dụng điện thoại đầu tiên tại Việt Nam giúp theo dõi lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác, thu hoạch và chế biến lúa.
Rice Hero được xem như là công cụ xác định lượng phát thải khí nhà kính (quy đổi carbon tương đương), dựa trên công thức theo hướng dẫn của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).
Trong khi đó, ngành cao su Việt Nam cũng vừa ban hành Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn 2050, với 3 mục tiêu: Phát triển kinh tế - Bảo vệ môi trường - Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Dù còn không ít khó khăn, các đơn vị trong ngành này đã và đang lấy sản xuất kinh doanh xanh làm chiến lược và lợi thế cạnh tranh cho mình.
Trong năm 2023, Công ty CP Cao su Tân Biên, tại huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) đã được tổ chức GFA đánh giá duy trì và cấp chứng chỉ rừng quốc gia VFCS/PEFC cho tổng diện tích cao su hơn 4.426ha.
Trong đó, chứng chỉ PEFC được cấp cho Nông Trường cao su Suối Ngô hơn 1.999ha; Nông trường Bổ Túc gần 2.427ha. Đây là 2 nông trường lớn chiếm khoảng 60% diện tích toàn công ty. 2 nông trường cao su còn lại chưa thực hiện chứng chỉ vì theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Tây Ninh sẽ đưa diện tích này vào phát triển khu công nghiệp.
Theo ông Trương Văn Cư - Tổng Giám đốc Cao su Tân Biên, tăng trưởng xanh hay xanh hóa chỉ hơi khác nhau về thuật ngữ. Những chủ đề này đã nằm trong chiến lược phát triển bền vững của công ty từ nhiều năm trước. Chiến lược này dựa trên những trụ cột căn bản như phát triển kinh doanh, phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường.
Riêng về chứng nhận rừng bền vững PEFC, ông Cư cho biết, doanh nghiệp phải đảm bảo được nguồn lực con người được huấn luyện bài bản để đạt và duy dì chứng nhận. Tiếp theo là nguồn lực tài chính để thực hiện các bước đầu tư.
Trở ngại lớn nhất là thay đổi nhận thức
Theo ông Trương Văn Cư, để chuyển đổi sang sản xuất xanh và bền vững, khó khăn lớn nhất chính là thay đổi nhận thức. Lãnh đạo công ty, doanh nghiệp, hay các HTX phải nhận thức rõ lợi ích lâu dài, các biện pháp thực hiện trước mắt mới có thể tư vấn, truyền đạt lại cho nhân viên thực hiện.
Việc duy trì chứng nhận rừng bền vững còn khó hơn khi đạt được, vì toàn công ty phải đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống công nhân, quan hệ tốt với cộng đồng. "Việc này không phải tự mình nghĩ ra mà do cộng đồng, chính quyền và tổ chức chứng nhận đánh giá" - ông Cư nói.
Ông Cư kể thêm, năm đầu tiên đạt chứng nhận, công ty không bán được tấn mủ nào do chứng chỉ còn mới, nhu cầu chưa cao. Công ty đã đi trước nhu cầu thị trường song khách hàng chưa chấp nhận trả tiền thêm. Tuy nhiên, công ty cũng không thể bán mủ đạt chứng nhận bằng với giá mủ bình thường. Như thế là tự đi bán phá giá chính mình.
Đến năm 2023, công ty bắt đầu giao dịch được với các khách hàng của châu Âu, bán được 80 tấn mủ cao su đạt chứng nhận, cao gấp đôi kế hoạch năm. Dù khách hàng đang mua số lượng ít nhưng đây là tín hiệu đáng mừng cho những nỗ lực xanh hóa "vàng trắng" mà Cao su Tân Biên đang theo đuổi.
Bà Trương Thị Lệ Khanh - nhà sáng lập Thủy sản Vĩnh Hoàn - doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu cho rằng, có 5 bước cần thực hiện để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, đưa nông sản sang những thị trường khó tính.
Thứ nhất, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có năng lực về công nghệ chế biến cũng như phát triển thị trường, thông qua việc đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ kinh tế nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung. Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng công nghệ giảm phát thải, hỗ trợ về tài chính cho những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp xanh.
Thứ hai, đưa khái niệm nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững vào chương trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ lao động tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là lao động trình độ cao; đẩy mạnh đào tạo khoa học công nghệ cho bà con nông dân. Thứ ba, đẩy mạnh các chương trình phát triển nông nghiệp xanh thông qua ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Thứ tư, tuyên truyền, kết nối phân phối để đưa sản phẩm nông nghiệp xanh đến tay người tiêu dùng. Cuối cùng, doanh nghiệp thực hành nông nghiệp xanh phải lựa chọn những nhà đầu tư có chung tầm nhìn về phát triển bền vững, có đủ năng lực để đồng hành với các dự án.
CÁC PHƯƠNG PHÁP VÀ CÔNG NGHỆ TRONG NÔNG NGHIỆP XANH
1. Sử dụng phân bón hữu cơ và vi sinh vật có lợi
Thay thế phân bón hóa học bằng cách sử dụng phân bón từ chất thải hữu cơ, phân bón từ phân gia súc, phân hữu cơ vi sinh để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng một cách tự nhiên và không gây ô nhiễm môi trường. Áp dụng vi sinh vật có lợi để cải thiện cấu trúc đất, tăng cường sức đề kháng của cây trồng và giảm sự cần thiết sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học.
2. Áp dụng kỹ thuật canh tác thông minh
Sử dụng phương pháp canh tác hữu cơ để trồng cây trồng mà không sử dụng hóa chất độc hại. Điều này giúp bảo vệ môi trường, cung cấp thực phẩm an toàn và tăng cường chất lượng đất. Áp dụng kỹ thuật canh tác như bón phân theo chỉ định, chia vùng canh tác, tuân thủ chu kỳ canh tác và luân phiên cây trồng để tối ưu hóa sử dụng đất, nước và nguồn tài nguyên khác.
3. Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước
Áp dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước như hệ thống tưới theo giờ, tưới theo nhu cầu của cây trồng và sử dụng các thiết bị kiểm soát tự động để giảm lượng nước tiêu thụ, tối ưu hóa hiệu suất tưới. Sử dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt, tưới bằng phun sương hoặc tưới bằng kỹ thuật cấy truyền nước để giảm lượng nước bốc hơi và đảm bảo nước được dùng hiệu quả.
4. Giảm sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu
Có thể sử dụng các phương pháp kiểm soát sâu bệnh bằng phương pháp sinh học như sử dụng loài côn trùng và vi khuẩn có lợi để kiểm soát sâu bệnh hại mà không cần sử dụng thuốc trừ sâu hóa học. Bên cạnh đó là lựa chọn và trồng các loại cây có khả năng kháng sâu tự nhiên, giúp giảm sự phụ thuộc vào thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại.
5. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý nông nghiệp:
Sử dụng các công nghệ như cảm biến, hệ thống GPS và hệ thống thông tin địa lý (GIS) để giám sát và quản lý từ xa các hoạt động trong nông nghiệp như theo dõi chất lượng đất, cung cấp nước và tình trạng cây trồng.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data để phân tích dữ liệu nông nghiệp, dự đoán thời tiết, tình trạng cây trồng và nguồn lương thực. Từ đó giúp nâng cao hiệu suất sản xuất và quản lý nông nghiệp hiệu quả hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.