Xã thông minh ở Thừa Thiên Huế chuyển đổi số gắn với làm nông nghiệp xanh, đó là xã nào?

Hữu Nguyên Chủ nhật, ngày 03/12/2023 18:46 PM (GMT+7)
Mô hình nông thôn mới thông minh tại xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) đang tiến đến là mô hình đầu tiên triển khai chuyển đổi số gắn với phát triển nông nghiệp xanh. Người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp xanh để nâng cao hiệu quả kinh tế, giải phóng sức lao động.
Bình luận 0

Môi trường được quan trắc để phục vụ sản xuất hiệu quả

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay trên địa bàn xã Quảng Thọ có 1.065/1.959 hộ gia đình có tài khoản phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt như hóa đơn điện, nước, truyền hình, internet…, trong đó, có 615 tài khoản ViettelPay, 450 tài khoản các ngân hàng khác. 

Xã thông minh ở Thừa Thiên Huế chuyển đổi số gắn với nông nghiệp xanh  - Ảnh 1.

Hiện xã Quảng Thọ có 70ha rau má (trong đó có 52ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP), sản lượng ước đạt hơn 2.500 tấn, giá trị đạt từ 180-220 triệu/ha. Ảnh: Q.T.

Việc cài đặt các phần mềm ứng dụng "có bác sĩ sức khỏe" cho mọi nhà ở xã đạt 65%, cài đặt sổ khám sức khỏe điện tử đạt trên 93%; 100% cán bộ, công chức và người lao động không chuyên trách có tài khoản Hue-S, ví điện tử, ViettelPay và tài khoản các ngân hàng khác, đã thực hiện thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình, Internet… không dùng tiền mặt.

Điểm nhấn trong mô hình nông thôn thông minh ở xã là sử dụng hệ thống quan trắc chất lượng không khí PAM Air nhằm cung cấp diễn biến chất lượng không khí và cảnh báo ô nhiễm theo thời gian thực tại địa bàn nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Với sự hỗ trợ của Sở Thông tin và truyền thông tỉnh, điểm quan trắc chất lượng nguồn nước trên sông Bồ để phục vụ nuôi cá lồng và đảm bảo môi trường nước phục vụ sản xuất cho nông nghiệp và nông dân ở xã đang được triển khai xây dựng.

Trong năm 2023, mô hình nông thôn mới thông minh tại xã Quảng Thọ được Bộ NNPTNT chọn là một trong 9 mô hình thí điểm toàn quốc do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025. 

Mô hình thí điểm này dựa trên chuyển đổi số đồng bộ từ hạ tầng số, truyền thông số, an toàn thông tin, phát triển kinh tế số nông nghiệp và xã hội số nông thôn.

Xã thông minh ở Thừa Thiên Huế chuyển đổi số gắn với nông nghiệp xanh  - Ảnh 2.

Thu hoạch rau má tại HTX Nông nghiệp Quảng Thọ II. Ảnh: Q.T.

Nhận thức số sẽ đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số với việc đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, tổ công nghệ số cộng đồng và người dân, đặc biệt là phát huy vai trò của nông dân và các chi, tổ hội nghề nghiệp trong các Tổ Công nghệ số cộng đồng. 

Hạ tầng số nông thôn đảm bảo phủ sóng 100% mạng di động 4G, 5G và phổ cập điện thoại di động thông minh đến người dân có thể cài đặt các ứng dụng VneID, Hue-S, thực hiện giao dịch thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và có chữ ký điện tử. 

Xây dựng chính quyền số được thực hiện theo hướng lấy người dân làm trung tâm thông qua các dịch vụ công trực tuyến và triển khai hệ thống truyền thanh thông minh đến tất cả các thôn trên địa bàn xã, kết nối hệ thống dùng chung tỉnh.

Xã thông minh ở Thừa Thiên Huế chuyển đổi số gắn với nông nghiệp xanh  - Ảnh 3.

Cửa hàng trưng bày sản phẩm chủ lực huyện Quảng Điền (tỉnh TT-Huế) được đặt tại xã nông thôn mới Quảng Thọ. Ảnh: Q.T.

Ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp xanh

Mô hình Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh xã Quảng Thọ tiếp tục là mô hình mẫu kết nối liên thông với Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh huyện Quảng Điền và Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh xã Quảng Thọ được tích hợp các giải pháp về trí tuệ nhân tạo vào hệ thống camera thông minh trên địa bàn xã phục vụ giám sát an ninh, trật tự, môi trường, đồng thời triển khai hệ thống quan trắc môi trường nước, không khí, đất đai tại các công trình thủy lợi, khu nuôi trồng thủy hải sản, làng nghề và hệ thống cảnh báo lũ cho các khu vực trên địa bàn xã.

Xã thông minh ở Thừa Thiên Huế chuyển đổi số gắn với nông nghiệp xanh  - Ảnh 4.

Một đoàn khách tham quan, mua sắm trà rau má Quảng Thọ và các sản phẩm đặc sản địa phương này. Ảnh: Q.T.

Mô hình nông thôn mới thông minh tại xã Quảng Thọ đang tiến đến là mô hình đầu tiên triển khai chuyển đổi số gắn với nông nghiệp xanh. Nông dân xã Quảng Thọ đã áp dụng các mô hình nông nghiệp xanh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế và giải phóng sức lao động.

Kinh tế nông nghiệp số ở xã được phát triển bền vững theo hướng ứng dụng công nghệ số như chuỗi khối (blockchain) trong quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương và triển khai hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. 

Phát triển kinh tế số nông nghiệp với người nông dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm thông qua cải thiện điều kiện kinh tế cho nông hộ bằng việc mở rộng thị trường phân phối, tiêu thụ, nâng cao chất lượng, sản lượng, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực hình thành từ cây rau má và cá trắm cỏ được nuôi tại địa phương.

Xã thông minh ở Thừa Thiên Huế chuyển đổi số gắn với nông nghiệp xanh  - Ảnh 5.

Cánh đồng rau má ở xã Quảng Thọ. Ảnh: Q.T.

Nhằm gia tăng giá trị hàng hóa nông sản kết hợp với lợi thế vùng đất ven đô thành phố Huế và các địa điểm du lịch, di tích lịch sử về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhà thơ Tố Hữu, xã Quảng Thọ triển khai mô hình kết hợp tham quan sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch thông qua số hóa các điểm du lịch bằng công nghệ thực tại ảo và thực tế tăng cường...

Theo ông Trần Phúc- Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, nông nghiệp ở xã đang phát triển rất tốt, nhiều mô hình, loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đang được phát triển nhân rộng. Hiện xã có 70ha rau má (trong đó có 52ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP), sản lượng ước đạt hơn 2.500 tấn, giá trị đạt từ 180-220 triệu/ha.

Xã thông minh ở Thừa Thiên Huế chuyển đổi số gắn với nông nghiệp xanh  - Ảnh 6.

Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, Ảnh: Q.T.

Bên cạnh đó, hoa cúc có diện tích 9,5ha, giá trị bình quân đạt hơn 600 triệu đồng/ha; đậu các loại 72ha, giá trị đạt hơn 250 triệu đồng/ha; cây nưa 7,5ha, giá trị đạt trên 300 triệu đồng/ha. 

Giá trị sản lượng bình quân trên mỗi hecta canh tác đạt trên 130 triệu đồng. Ngoài ra, nuôi cá lồng năng suất bình quân đạt hơn 250kg/lồng/năm, giá trị đạt hơn 12 tỷ đồng; cá hồ 30 tấn, giá trị đạt hơn 1,2 tỷ đồng. 

 "Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế mà còn là cách để giúp hàng trăm hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn sàng thay đổi để hòa nhịp xu thế phát triển. Đây chính là giá trị lớn mà chuyển đổi số mang lại" , ông Trần Phúc cho hay.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem