Một nơi ở Gia Lai nuôi loại cá rô phi đực, xuất xứ từ Na Uy, bắt toàn con to bự thế này đây

Thứ năm, ngày 04/01/2024 10:01 AM (GMT+7)
Tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh triển khai mô hình nuôi cá rô phi đơn tính Genomar Na Uy thương phẩm. Thành công của mô hình sẽ mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Bình luận 0

Nuôi cá rô phi đơn tính iệu quả kinh tế cao

Theo chân đoàn khảo sát của UBND huyện Phú Thiện và Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi cá rô phi đơn tính Genomar tại hộ ông Lại Trung Tuyền (thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ) đúng lúc ông đang cho cá ăn. Tận mắt chứng kiến đàn cá ngoi lên mặt nước, mỗi con nặng khoảng 1 kg ai cũng phấn khích.

Ông Tuyền chia sẻ: Từ khi công trình thủy lợi Ayun Hạ đi vào hoạt động, ông đã đào 6.000 m2 ao nuôi thử nghiệm nhiều loại cá như trắm, trôi, rô phi thương phẩm và sau này là cá trắm giống. 

Với cá trắm giống, khoảng gần 2 tháng ông xuất bán một lứa, thu lời 5 triệu đồng/1.000 m2 diện tích mặt nước. 

Với 4-5 lứa/năm, ông thu nhập từ 120-150 triệu đồng trên toàn bộ diện tích ao nuôi. 

Khi huyện triển khai mô hình nuôi cá rô phi đơn tính Genomar Na Uy thương phẩm, ông đăng ký tham gia trên diện tích 1.000 m2 mặt nước với mong muốn nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.

Một nơi ở Gia Lai nuôi loại cá rô phi đực, xuất xứ từ Na Uy, bắt toàn con to bự thế này đây- Ảnh 2.

Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, cá rô phi đơn tính Genomar Na Uy thương phẩm sinh trưởng, phát triển nhanh. Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính thực hiện tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lê Tám


Một nơi ở Gia Lai nuôi loại cá rô phi đực, xuất xứ từ Na Uy, bắt toàn con to bự thế này đây- Ảnh 3.

Lãnh đạo UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai), các ban, ngành, người dân địa phương tham quan mô hình nuôi cá rô phi đơn tính Genomar Na Uy thương phẩm tại gia đình ông Lại Trung Tuyền (thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ). Ảnh: Vũ Chi

Ông Tuyền xuống 4.000 con cá giống vào ngày 17-8. Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật đúng hướng dẫn của cán bộ chuyên môn nên tỷ lệ cá sống đạt hơn 90%, sinh trưởng phát triển tốt. 

Tuy nhiên, tháng 11, thủy lợi Ayun Hạ cắt nước đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cá. Cá có biểu hiện giảm ăn, chậm lớn. 

Sang tháng 12, nguồn nước điều tiết trở lại, trọng lượng của cá tăng nhanh. “Hiện sau hơn 4 tháng, cá đạt trọng lượng 1 kg, dự kiến thời gian xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 khi cá đạt trọng lượng khoảng 1,5 kg. Hiện giá mua sỉ từ 43-45 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lời khoảng 50 triệu đồng, cao gấp đôi so với nuôi cá giống trước đây”-ông Tuyền cho biết.

Anh Phạm Quang Thắng (thôn Tân Điệp 1, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) cũng triển khai mô hình nuôi cá rô phi đơn tính Genomar Na Uy thương phẩm. 

Anh thả hơn 30 kg cá giống trên 1.000 m2 diện tích mặt nước. Qua theo dõi, sức đề kháng của cá tốt, ít bị dịch bệnh, phát triển nhanh, thịt cá dày, thơm, trọng lượng cá nặng hơn cá rô phi thông thường. 

Dự kiến sau 6 tháng nuôi, trọng lượng cá đạt từ 1,5-2 kg/con. Với kinh nghiệm 10 năm nuôi thủy sản, anh Thắng nhận thấy nuôi cá rô phi đơn tính Genomar Na Uy thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại thủy sản được nuôi từ trước đến nay tại địa phương.

“Được thị trường ưa chuộng nên chúng tôi hoàn toàn không lo đầu ra. Hiện thương lái trong tỉnh và các tỉnh lân cận đã đặt hàng trước. Giá bán lẻ hiện ở mức 50.000 đồng/kg, giá bán sỉ từ 43-45 ngàn đồng/kg, tôi ước lợi nhuận cao gấp hơn 2 lần nuôi cá trắm giống. Tôi dự định sau khi thu hoạch diện tích cá thí điểm sẽ nhân rộng mô hình ra toàn bộ 4.000 m2 mặt nước của gia đình”-anh Thắng nói.


Hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản vùng thủy lợi Ayun Hạ

Là đơn vị chủ trì thực hiện mô hình, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện Phan Văn Vinh cho hay: Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính Genomar Na Uy thương phẩm được triển khai thí điểm từ tháng 8-2023 trên diện tích 3.500 m2 tại 3 hộ dân thuộc 2 xã Ia Ake và Ayun Hạ. 

Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 547 triệu đồng, trong đó vốn sự nghiệp khoa học công nghệ 385 triệu đồng, người dân đóng góp hơn 162 triệu đồng. 

Sau hơn 4 tháng triển khai, cá phát triển tốt, tỷ lệ cá sống đạt trên 90%, trọng lượng trung bình khoảng 1 kg/con. 

Dự ước sau thời gian 5-6 tháng nuôi, trọng lượng cá thu hoạch đạt 1,5-2 kg/con, sản lượng ước đạt 5.400 kg/1.000 m2. Với giá bán dự ước ở mức 40.000 đồng/kg, người nuôi cá lãi 48 triệu đồng/1.000 m2 mặt nước, gấp 2 lần so với nuôi các loại thủy sản truyền thống như diêu hồng, rô phi đen.

Một nơi ở Gia Lai nuôi loại cá rô phi đực, xuất xứ từ Na Uy, bắt toàn con to bự thế này đây- Ảnh 5.

Sau hơn 4 tháng nuôi tại các mô hình ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, mỗi con cá rô phi đơn tính Genomar Na Uy đạt trọng lượng 1 kg. Ảnh: Lê Tám

Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) cho biết: địa phương có lợi thế về diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản với khoảng 370 ha diện tích ao nuôi, có lòng hồ Ayun Hạ với nguồn nước sạch. 

Tuy nhiên thời gian qua, công tác nuôi trồng thủy sản của các hộ dân trên địa bàn huyện chủ yếu theo phương pháp truyền thống với các loại thủy sản có giá thành thấp như chép, trôi, mè, trắm cỏ…nên hiệu quả kinh tế không cao, chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế của địa phương.

Trước thực trạng đó, UBND huyện đã phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh triển khai 2 mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực thâm canh trong ao và mô hình nuôi cá rô phi đơn tính Genomar Na Uy thương phẩm. 

Cả 2 giống thủy sản này đều được đánh giá là thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng cá rô phi đơn tính Genomar Na Uy thương phẩm rất dễ nuôi, thích hợp với điều kiện khí hậu, nguồn nước, phương thức chăm sóc của người dân địa phương nên tất cả người dân có diện tích ao hồ thuận lợi trong việc lấy nước từ thủy lợi Ayun Hạ đều có thể triển khai. 

Đây là tiền đề thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của huyện, hướng tới mục tiêu đưa Phú Thiện trở thành trung tâm nuôi trồng thủy sản cung cấp cho các địa phương trong và ngoài tỉnh Gia Lai.

Là người trực tiếp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản cho người dân, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đinh Thế Nhân-Trưởng bộ môn Kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, Khoa Thủy sản (Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) đánh giá: Môi trường nước, thổ nhưỡng, khí hậu tại huyện Phú Thiện rất phù hợp với cá rô phi Na Uy. 

Thời gian nuôi tốt nhất khoảng từ tháng 3 đến tháng 8. Người dân chỉ cần làm tốt công tác chuẩn bị ao nuôi, tiêu độc, khử trùng, xử lý dịch hại, đảm bảo mực nước trong ao từ 1,2-1,5 m, tăng cường cung cấp oxy cho ao khi thời tiết lạnh hoặc nắng nóng thì cá sẽ sinh trưởng rất nhanh. 

Từ thành công bước đầu, trên cơ sở quy chế phối hợp giữa 2 đơn vị, thời gian tới, Trường sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật giúp người dân trong huyện nhân rộng mô hình cũng như triển khai thêm các mô hình mới, qua đó phát huy tiềm năng nuôi trồng thủy sản sẵn có của địa phương.

Vũ Chi (Báo Gia Lai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem