Cuối tuần trước, liên minh Các nhà sản xuất và sử dụng lao động của ngành công nghiệp thịt châu Âu (UPEMI), đã họp báo giới thiệu về một chiến dịch hùng hậu trong vòng ba năm (7.2013 – 7.2016) quảng bá thịt và các sản phẩm thịt của các nước này tới ba thị trường trọng điểm Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Việt Nam.
Thịt nhập khẩu tại kho lạnh Metro quận 2, TP.HCM. Ảnh: Lê Quang Nhật
Thịt là nguồn cung cấp chất đạm chính trong chế độ ăn uống ở châu Âu, vì vậy, chăn nuôi gia súc, gia cầm lấy thịt đóng vai trò rất quan trọng, chiếm 1/4 giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp khu vực này. EU đã đưa ra nhiều chính sách để khuyến khích sản xuất thịt đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng và ổn định giá.
Mỗi năm, EU xuất khẩu từ 6,5 – 7 triệu tấn thịt bò, 17,8 triệu tấn thịt heo. Theo ước tính của UPEMI, hơn 1.100 tấn thịt từ châu Âu nhập vào Việt Nam năm 2012, trong đó có 822 tấn thịt heo (thịt tươi, làm lạnh và đông lạnh) và gần 300 tấn thịt bò đông lạnh, với tổng giá trị hơn 1,5 triệu euro. Con số này dự đoán sẽ tăng cao sau một chiến dịch quảng bá rầm rộ kéo dài 36 tháng của các nhà sản xuất thịt châu Âu tại Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam vẫn đang nỗ lực tham gia các vòng đàm phán trong hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dù chưa đi đến ngã ngũ, nhưng một điều chắc chắn rằng, các chính sách bảo hộ trong ngành chăn nuôi sẽ bị co ngắn lại. Sẽ không còn hàng rào bảo hộ thuế quan, không còn hạn ngạch nhập khẩu.
Ngành chăn nuôi phải tự đứng bằng đôi chân của mình. Bản thân các nhà xuất khẩu châu Âu đã nhìn thấy được cơ hội kinh doanh ở Việt Nam. Cơ hội không chỉ với một thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn 90 triệu dân, có tỷ lệ dân số trẻ, mà nội tại ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng đang quá lép vế trong vấn đề cạnh tranh.
Mặc dù tiếp cận với ngành chăn nuôi cách nay hàng trăm năm, nhưng đến nay, quy mô chăn nuôi tại Việt Nam vẫn còn ở mức nhỏ lẻ. Chưa tiếp cận được công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến thế giới.
Dù là nước nông nghiệp, ngành chăn nuôi vẫn phụ thuộc 70% nguyên liệu thức ăn nhập khẩu, 100% con giống, thuốc thú y, kỹ thuật chăn nuôi và các thiết bị chuồng trại. Các chính sách quy hoạch, chiến lược phát triển, ưu đãi vốn, đất đai, cơ sở hạ tầng, chích sách về dự báo thị trường, về công nghiệp giết mổ, chế biến… dành cho chăn nuôi còn ở mức rất thấp. Điều này dẫn tới, giá thành sản phẩm chăn nuôi ở mức quá cao, kém sức cạnh tranh; dịch bệnh liên tục nổ ra, đời sống nông dân bấp bênh.
Nhiều năm nay, dù nhiều sản phẩm chăn nuôi như gia cầm, thịt heo, thịt bò vẫn đang được bảo hộ mức thuế trung bình hơn 20%, nhưng thịt ngoại vẫn ồ ạt tràn vào. Trong năm 2013, theo thống kê của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Việt Nam nhập khẩu khoảng 90.000 tấn thịt gia súc, gia cầm. Trong đó, thịt gia cầm nhập khẩu chiếm 2/3, tương đương 57.000 tấn.
Tại các cửa hàng thức ăn nhanh, người dân, nhất là giới trẻ vẫn đang ngấu nghiến món cánh gà, đùi gà chiên nhập khẩu. Số trâu bò nhập về giết mổ làm thực phẩm, ước cũng cỡ khoảng 151.611 con, chiếm tới 16% tổng lượng thịt bò tiêu thụ trong nước, và con số này còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới khi TPP chính thức có hiệu lực.
Chưa kể, đến năm 2015, theo cam kết AFTA, thuế nhập khẩu thịt gia cầm về mức 0%; năm 2018 sẽ áp dụng đối với thịt bò, thịt heo, thì lượng thực phẩm từ các nước ASEAN đổ vào sẽ lớn hơn bởi giá thành thấp hơn Việt Nam.
Áp lực cạnh tranh cũng khiến nhiều công ty nước ngoài đang đầu tư ở Việt Nam bắt đầu co hẹp ngành chăn nuôi gà. Cuối năm ngoái, công ty Japfa, một trong bốn đại gia nước ngoài nắm giữ thị phần gà công nghiệp tuyên bố giảm một nửa đàn, từ 2 triệu con/tháng còn 1 triệu con. Và, mới giữa tháng 3 năm nay, Japfa tiếp tục thực hiện cắt giảm đàn gà công nghiệp. Như vậy, ngành chăn nuôi nội địa, chắc chắn sẽ bị... bóp chết nếu ngay từ bây giờ, chúng ta không có kế sách đối phó.
Hoàng Bảy (Thế giới Tiếp thị) (Hoàng Bảy (Thế giới Tiếp thị))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.